Bao bì thân thiện môi trường - xu hướng chung của thế giới

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 20/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Công nghệ tiên tiến phát triển, sử dụng bao bì xanh trong sản xuất, đóng gói và tiêu dùng đang là xu hướng chung của thế giới.

Giá trị của sản phẩm giờ không chỉ dừng ở chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp mà còn phải thân thiện với môi trường. Do đó, xanh hóa bao bì đang trở thành một khía cạnh để tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore đã chế tạo thành công một loại bao bì thực phẩm mới thân thiện với môi trường và có khả năng kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm gấp 2 lần so với bao bì nhựa thông thường.

Loại bao bì này là sự kết hợp giữa chitosan - loại polymer được chiết xuất từ vỏ của các loài giáp xác như tôm, cua… có khả năng phân hủy sinh học và chất chiết xuất từ hạt bưởi có tác dụng chống oxy hóa, khử trùng, diệt vi khuẩn, chống virus.

Ngoài công dụng kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, sản phẩm này còn an toàn với người sử dụng vì không chứa các chất phụ gia hóa học.

Chị Tan Yi Min - Trường Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Chất phụ gia trong các bao bì nhựa thông thường có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có chứng rối loạn thần kinh khi chúng hòa tan vào các loại thực phẩm mà chúng bao bọc".

Bao bì thân thiện môi trường - xu hướng chung của thế giới - Ảnh 1.

Với khả năng tự phân hủy sinh học, bao bì thực phẩm mới này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa hiện nay. Trong khi đó, Notpla - một công ty khởi nghiệp tại Anh - đã thực hiện hóa ý tưởng tạo ra bao bì có thể phân hủy tự nhiên, thậm chí ăn được.

Anh Pierre Paslier - Đồng sáng lập Công ty Notpla chia sẻ: "Từ lâu tôi đã ôm ấp ý tưởng làm thế nào có thể tạo ra bao bì trông giống như những gì ta tìm thấy trong tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu trong chính căn bếp của mình, thử rất nhiều nguyên liệu tự nhiên khác nhau, từ hạt sắn đến các loại tinh bột. Và cuối cùng, chúng tôi tìm thấy rong biển".

Công ty này đã khởi nghiệp với sản phẩm màng bọc thực phẩm ăn được làm từ rong biển, bên trong trữ nước hoặc bất kỳ chất lỏng nào khác, có thể thay thế cho cốc, chai và túi nylon dùng một lần.

"Rõ ràng nhựa hiện có giá rất thấp trên thị trường, nhưng những tác động của nó gây ra đối với hệ sinh thái, sức khỏe con người hoặc sinh vật biển thì lại rất lớn. Vì vậy, những gì chúng tôi muốn là mang lại một giải pháp đóng gói bền vững mà giá cả phải chăng. Rong biển có tiềm năng thực sự tốt để trở thành giải pháp hợp lý nhất", anh Pierre Paslier nói.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho thấy, với tốc độ hiện tại, lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060 lên 1 tỷ tấn mỗi năm, phần lớn trong số đó sẽ gây ô nhiễm đại dương và đe dọa nhiều giống loài. Vậy nên, những giải pháp như bao bì từ tảo biển được đánh giá là rất thân thiện với môi trường.

Bao bì thân thiện môi trường - xu hướng chung của thế giới - Ảnh 2.

Châu Âu nỗ lực giảm thiểu rác thải bao bì

Trong cuộc họp cấp bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) ngày hôm qua tại Brussels (Bỉ), các nước thành viên đã ủng hộ thực hiện luật mới về giảm thiểu rác thải bao bì, đồng thời nhất trí xây dựng các quy định riêng có liên quan cho những sản phẩm đặc thù.

Theo các nhà lãnh đạo EU, quy định này rất quan trọng trên con đường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và một châu Âu trung hòa về khí hậu.

Các nước EU đều nhất trí ủng hộ một số mục tiêu chính trong luật mới, trong đó có quy định toàn bộ bao bì đóng gói sản phẩm đều phải được thiết kế để có thể tái chế vào năm 2030. Ngoài ra, các nước cũng ủng hộ đề xuất loại bỏ các loại túi nylon, nhựa sử dụng 1 lần như túi mỏng đựng trái cây và rau quả, chai lọ mini đựng dầu gội đầu, các loại đĩa, cốc và hộp dùng một lần sử dụng phục vụ đồ ăn uống tại nhà hàng phục vụ thức ăn nhanh. Các nước cũng có ý kiến rằng, nên được trao quyền quyết định đối với một số trường hợp ngoại lệ trong một số ngành đặc thù.

Luật về rác thải bao bì được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lượng rác thải bao bì vốn đã gia tăng tới 20% trong một thập kỷ qua tại EU - hệ lụy từ hoạt động mua sắm trực tuyến và thói quen mua hàng "gói và mang đi".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước