Cá heo sông Amazon. (Nguồn: whales.org)
Chuyên gia bảo tồn của WWF-Brazil, ông Marcelo Oliveira cho biết, kết quả sau khi lấy mẫu thử nghiệm 46 con cá heo trong giai đoạn từ 2017 đến 2019 tại 6 lưu vực sông của Bolivia, Brazil, Colombia và Peru, nơi chúng di chuyển, kiếm ăn và sinh sản, cho thấy tất cả các mẫu cơ cá heo đều nhiễm thủy ngân, trong đó ít nhất 1/2 số cá heo này bị nhiễm mức độ cao.
Chuyên gia WWF cảnh báo, hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp và thủy ngân đang đe dọa đời sống động thực vật tại Amazon và vùng Orinoquia. Hiện 100% số cá heo sông được đánh dấu đều đã nhiễm thủy ngân, đặc biệt là tại lưu vực Orinoco, gần biên giới giữa Colombia và Venezuela, khu vực có nhiều hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp nhất.
Tuy nhiên, ông Oliveira cũng nêu rõ, việc sử dụng thủy ngân - kim loại được sử dụng để tách vàng khỏi các nguyên tố khác và gây ô nhiễm cao - trong khai thác mỏ không phải là nguyên nhân duy nhất. Chuyên gia này nhấn mạnh, thủy ngân tồn tại tự nhiên ở vùng Amazon, song chúng thoát ra khỏi hình dạng tự nhiên từ các đám cháy, các hoạt động phá rừng và lan tới cả các nguồn nước. Từ đó, loại kim loại độc hại này xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua những loài cá mà cá heo tiêu thụ, và thậm chí có thể cả con người cũng ăn phải nguồn thực phẩm bị nhiễm độc này.
Chuyên gia WWF khẳng định, việc phát hiện ra cá heo nhiễm thủy ngân cũng là mối đe dọa đối với sức khỏe và sinh kế của hơn 20 triệu cư dân khu vực Amazon, bởi thứ kim loại này có thể tồn tại tới 100 năm trong nguồn thức ăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!