Theo báo cáo do Cơ quan năng lượng Quốc tế công bố hôm 12/3, việc khai thác và đốt nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023 thải ra gần 120 triệu tấn khí methane, gần bằng mức kỷ lục của năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp lượng khí methane phát thải toàn cầu tăng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hạn chế việc khí methane rỏ rỉ từ các dự án dầu khí và coi đây là cơ hội to lớn để ngăn chặn thiệt hại và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, khí methane chiếm khoảng 30% lượng khí thải khiến Trái đất nóng lên hiện nay. Khoảng 40% khí methane được giải phóng từ các nguồn tự nhiên, chủ yếu là đất ngập nước, trong khi các hoạt động của con người chiếm phần còn lại.
Trên thực tế, khí methane chỉ đứng sau carbon dioxide (CO2) về tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khí methane có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển lớn hơn nhiều so với CO2 nhưng tồn tại trong thời gian tương đối ngắn, khiến khí thải này trở thành mục tiêu chính của các quốc gia muốn cắt giảm khí thải nhanh chóng và làm chậm biến đổi khí hậu.
IEA khẳng định việc cắt giảm khí thải methane là cần thiết để đạt được các mục tiêu quốc tế về biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!