Chung tay xây dựng cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 24/12/2023 12:08 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị thượng đỉnh về "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" được tổ chức giữa với nỗ lực hợp tác giảm phát thải tại khu vực chiếm tới 60% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Gần đây, khái niệm "Net Zero" - "Phát thải ròng bằng 0" đã xuất hiện trong rất nhiều cam kết khí hậu của các quốc gia.

Net Zero hiểu đơn giản là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương. Tức là thay vì các nước chỉ tuyên bố chung chung như trước đây là sẽ nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, bây giờ, mục tiêu giảm phát thải đó trở nên cụ thể hơn và đo lường được. Lượng khí còn lại sau khi giảm đó phải nhỏ đến mức mà thiên nhiên hấp thụ được.

Trong tuần qua, lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh về "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC) đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của lãnh đạo Nhật Bản, Australia và các nước ASEAN. Thủ tướng Phạm Minh Chính đẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị và đã đề xuất các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác để hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Chung tay xây dựng cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn ASEAN, Australia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: TTXVN)

Xây dựng cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0

Hội nghị thượng đỉnh AZEC tập trung thảo luận kế hoạch tăng cường hợp tác kỹ thuật về hydro và các công nghệ khác cũng như chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng nhằm đạt được mức trung hòa carbon.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh: "Quá trình khử carbon là một thách thức chung đối với các nước châu Á. Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để đạt mục tiêu trung hòa carbon. Việc xây dựng cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á sẽ giúp tạo ra một thị trường khử carbon rộng lớn, có khả năng thu hút đầu tư từ khắp thế giới đến với châu Á".

Chung tay xây dựng cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 - Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ảnh: AP)

Thủ tướng Nhật Bản đã đề xuất các hành động như điều phối chính sách thông qua "Trung tâm không phát thải châu Á"; thiết lập chuỗi cung ứng xanh thông qua các dự án hợp tác bao gồm phát triển các khu công nghiệp không phát thải, sự hợp tác giữa các thực thể kinh doanh của "Nhóm vận động AZEC" và thúc đẩy tài chính chuyển đổi xanh. Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ thành lập một tổ chức mới để hỗ trợ các thành viên AZEC thực hiện các chính sách cần thiết để trung hòa carbon.

Để góp phần hiện thực hoá mục tiêu của AZEC, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác, trong đó, tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á; bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế tài chính khí hậu mới, hợp tác công - tư và hợp tác trong khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.

Chung tay xây dựng cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại hội nghị AZEC (Ảnh: TTXVN)

Trong tuyên bố chung của hội nghị, các bên tham gia cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được cả ba mục tiêu là giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí theo đuổi quá trình khử carbon thông qua các lộ trình đa dạng và thực tế.

Chung tay xây dựng cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 - Ảnh 4.

Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo giúp các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và khí đốt - những nguồn phát thải carbon lớn (Ảnh: AP)

Cam kết đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần này được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng cho các quốc gia trong khu vực đạt được các mục tiêu phát thải thải ròng bằng 0. Hiện nay, Nhật Bản cũng như các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực khác đang phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than và khí đốt, trong khi quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo sẽ cần quá trình dài thì việc thúc đẩy công nghệ thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon cũng là cách mà các nước có thể đa dạng hóa con đường tiến tới mục tiêu cắt giảm khí thải, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Nhật Bản đã đưa ra chiến lược phát triển xanh toàn diện, Quỹ đổi mới xanh trị giá hơn 18 tỷ USD để hỗ trợ cho dự án của các doanh nghiệp và tổ chức trong nước. Nhật Bản cũng sẽ phát hành 1,14 nghìn tỷ USD trái phiếu chuyển đổi kinh tế năng lượng xanh trong 10 năm kể từ năm 2023 để hỗ trợ quá trình khử carbon trong cả khu vực công và tư nhân.

Về cơ cấu năng lượng, để cung cấp năng lượng ổn định đồng thời với thực hiện cam kết trung hòa khí thải, Nhật Bản sẽ dựa vào 3 chính sách chính, đó là đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chính, sử dụng điện hạt nhân - tập trung phát triển và xây dựng các lò phản ứng thế hệ tiếp có độ an toàn cao hơn và đẩy mạnh phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới

Bên cạnh những cam kết về khí hậu được đưa ra, một trong những phương pháp hiệu quả nhất để buộc các nước tuân thủ theo đúng những cam kết này, đó là sử dụng công cụ tài chính mang tên "tín chỉ carbon".

Trong thị trường này, các nước sẽ trao đổi hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Những quốc gia dư thừa phát thải sẽ được bán hạn ngạch cho các nước phát thải nhiều hơn.Với việc đánh vào tài chính, hệ thống mua bán tín chỉ carbon được kỳ vọng là giải pháp để cho các ngành nghề, lĩnh vực phát thải cao sẽ phải tìm cách cắt giảm lượng khí thải hoặc chuyển sang sử dụng các công nghệ xanh mới nếu không muốn bị thiệt về kinh tế.

Tại một buổi đấu giá tín chỉ carbon, hơn chục công ty, chủ yếu đến từ Saudi Arabia, đang đấu thầu 2 triệu tấn tín chỉ carbon do Kenya bán. Trao đổi carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nguyên tắc cơ bản của thị trường trao đổi tín chỉ carbon là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ.

Ông Mark Kenber - Chuyên gia về thị trường carbon tự nguyện - cho rằng: "Tín chỉ carbon và thị trường carbon là một cách chuyển tiền từ các công ty, đặc biệt là ở các nước giàu, đến những nơi ở các nước nghèo hơn cần để bảo vệ rừng của họ, cần để canh tác bền vững, cần để khôi phục thiên nhiên".

Những khoản đầu tư này không chỉ làm bảo tồn và khôi phục thiên nhiên mà cộng đồng địa phương được hưởng lợi. Như tại Tanzania, lợi ích từ bán tín chỉ carbon đã giúp cải thiện kinh tế cho 63.000 người dân. Tiền dùng để xây trường học, bệnh viện cũng như tạo sinh kế cho địa phương.

Ông Isack Bryson từ dự án Carbon Tanzania cho biết: "Kể từ khi chúng tôi bắt đầu dự án bù đắp carbon cho quê hương chúng tôi tại vùng đất Hadza, dự án đã mang lại rất nhiều lợi ích. Lợi ích về kinh tế, y tế, giáo dục, hỗ trợ dự án phát triển và các vấn đề quản trị và việc làm của thanh niên để đảm bảo an ninh rừng".

Thị trường carbon hiện đang được tổ chức tại hơn 50 khu vực pháp lý trên khắp thế giới.

Thị trường carbon của Liên minh châu Âu, vận hành từ năm 2005, là thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên. Trải qua 3 thời kỳ sửa đổi và điều chỉnh, hiện nay ở giai đoạn 3, đây là thị trường trao đổi phát thải các-bon chính và lớn nhất thế giới với toàn bộ 28 quốc gia thành viên châu Âu và 3 nước trong khu vực tham gia, giới hạn phát thải từ hơn 11.000 doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Lượng phát thải trao đổi trên thị trường chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.

Nguyên lý hoạt động theo nguyên tắc hạn mức và thương mại (cap-and-trade). Theo đó, các hạn mức tuyệt đối về số lượng phát thải khí nhà kính được thiết lập và giảm dần theo thời gian. Các tổ chức, doanh nghiệp được phân phối hoặc mua các tín chỉ, giấy phép phát thải qua cơ chế đấu giá, đồng thời có thể giao dịch với nhau nếu cần thiết. Trường hợp phát thải quá hạn mức được phép, các công ty và tổ chức được châu Âu quy định mức phạt chung là 100 Euro/tấn CO2.

Tại châu Á, Hàn Quốc đã vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào năm 2012, chính thức vào năm 2015. Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức toàn quốc năm 2022. Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023.

Việt Nam nỗ lực đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Việc triển khai thị trường tín chỉ carbon là một công cụ trong tầm nhìn dài hạn hơn mà Việt Nam đã đặt ra, đó là mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050. Giảm phát thải khí nhà kính cùng với chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, carbon thấp vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa không bị động, không trông chờ, không ỉ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu.

Chung tay xây dựng cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị AZEC (Ảnh: TTXVN)

Và ngay tại COP28, Việt Nam đã thực thi cam kết của mình một cách tự chủ, tự cường. Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Song song với đó là khởi động đề án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, ít phát thải.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: "Việt Nam đã có những bước đi rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy khát vọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thông qua kế hoạch hành động giảm phát thải mê tan và là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP".

Kể từ sau cam kết giảm phát thải ròng về bằng 0 từ COP26, Việt Nam triển khai toàn diện 12 nội dung lớn. Từ các chiến lược, quy hoạch đến hoàn thiện các thể chế đồng bộ, các chính sách và hợp tác quốc tế. Nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành. Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia được hoàn thiện. Nguồn thu tín chỉ carbon từ rừng đã bắt đầu được chi trả.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: "Việt Nam chúng ta mong muốn và kỳ vọng là các nước sẽ tiếp tục có những cái hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng".

Kể từ COP26, Việt Nam cũng đã chủ động nâng cam kết giảm phát thải của mình. Theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, Việt Nam tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường).

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khuyến nghị một vài điểm để Việt Nam có thể đẩy nhanh cam kết phát thải ròng bằng 0. Thứ nhất là tập trung vào các cam kết hỗ trợ về mặt tài chính, công nghệ phù hợp với chính sách của Việt Nam, đặc biệt là dịch chuyển năng lượng giữa Việt Nam và G7. Thứ hai là triển khai cam kết làm mát toàn cầu mà Việt Nam vừa tham gia ở COP 28 vừa rồi. Thứ ba là vấn đề chống mất rừng, bởi rừng hấp thụ các bon tốt và phù hợp với chính sách bảo vệ rừng tự nhiên. Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải cách chính sách để thu hút đầu tư chất lượng cao hơn và phát triển các ngành kinh tế mới.

Đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) không chỉ là mục tiêu tất yếu mà các nước trên thế giới đang cùng nhau thúc đẩy, mà đây sẽ còn là "luật chơi" mới về thương mại, đầu tư trên toàn cầu. Các thị trường phát triển đã có các chính sách, quy định kỹ thuật và kinh tế để khái niệm bền vững không còn là sự lựa chọn mang tính khuyến khích mà trở thành bắt buộc. Giảm phát thải khí nhà kính cùng với chuyển đổi xanh vừa là thách thức, những cũng là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng các cơ hội mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước