Khi Quốc hội đang tiến hành họp kiểm đếm phiếu bầu để chính thức xác nhận ai là người thắng cử tổng thống thì những người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump đã bao vây xung quanh tòa nhà Quốc hội vượt hàng rào an ninh rồi tràn cả vào bên trong tòa nhà Quốc hội phá cửa, áp sát cửa phòng họp nơi diễn ra hoạt động kiểm phiêu bầu. Đã có ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát, 4 người biểu tình, trong đó có một phụ nữ tử vong do trúng đạn ngay trong tòa nhà Quốc hội.
Tổng thống đắc cử Joe Biden không chỉ lo ngại về thách thức lớn nhất của mình, vượt qua sự chia rẽ của nước Mỹ. Mà ông còn phải vượt qua những thách thức về hình ảnh nước Mỹ bị ảnh hưởng sau sự kiện ngày 6/1. Trong phát biểu đầu tiên sau khi sự kiện diễn ra, ông nhấn mạnh tới việc thế giới đang nhìn vào những gì đang xảy ra ở Mỹ và nghĩ về hình ảnh của nước Mỹ. Một nước Mỹ đang ở trong cuộc khủng hoảng sâu sắc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án về vụ bạo loạn và gửi thông điệp hòa giải
"Những người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội đã làm ô uế nền dân chủ Mỹ. Những người hành động bạo lực và phá hoại đó không đại diện cho đất nước chúng ta. Ai vi phạm pháp luật sẽ phải trả giá. Hiện Quốc hội đã chứng nhận kết quả và chính quyền mới sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Giờ đây, tôi sẽ tập trung vào việc đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ. Đây là lúc kêu gọi sự hàn gắn và hòa giải".
Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại trong nỗ lực tái tranh cử. Ảnh: Getty Images
Nhưng dường như những lời của Tổng thống Donald Trump đã quá muộn. Người dân và chính giới Mỹ cảm thấy sốc và xấu hổ. "Vụ tấn công phá hủy hình ảnh của nước Mỹ. Đây không phải là cách đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Hàng loạt dòng tít được báo chí đăng tải đặt ra nhiều dấu hỏi về hình ảnh cường quốc số một thế giới.
Ông Cory Booker - Thượng nghị sỹ Mỹ: "Nền dân chủ của chúng ta đang bị tổn thương. Chúng ta sẽ làm gì, làm thế nào để chúng ta đối đầu với nỗi xấu hổ này".
Ông Kim Darroch - Cựu Đại sứ Anh tại Mỹ: "Tôi không nghĩ rằng có thể đánh giá thấp thiệt hại đối với danh tiếng của nước Mỹ mà vụ việc lần này đã gây ra. Những đoạn clip đó đã lan truyền khắp thế giới. Sẽ mất một thời gian dài để chữa lành. Cho đến hôm nay, nước Mỹ đang ở trong một thời điểm rất tồi tệ".
Những phức tạp, rắc rối trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt là bạo loạn ngày 6/1 đã làm suy giảm hình ảnh của nước Mỹ. Đó là nhận định chủ chốt trên truyền thông Mỹ. Những gì diễn ra gợi lên sự hoài nghi của ngay chính người Mỹ về vai trò của nước Mỹ trong vị trí cường quốc hàng đầu.
Cú sốc chính trị có rất nhiều nguyên nhân
Người ủng hộ TT Trump tràn vào bên trong the Capitol. Ảnh: Getty Images
Mâu thuẫn tồn tại trong lòng nước Mỹ đã quá sâu sắc và việc đám đông lợi dụng việc biểu tình phản đối kết quả bầu cử để gây bạo loạn chỉ là ngòi lửa mà thôi. Và nếu có thêm bài học được rút ra từ việc ngọn lửa được kích hoạt, thì đó chính là bài học về vai trò ngày càng lớn của các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter.
Các ông lớn mạng xã hội đã khóa tài khoản của Tổng thống Donald Trump sau vụ việc ngày 6/1. Ông Donald Trump vẫn đang giữ quyền lực tối cao của nước Mỹ, nhưng trên nền tảng mạng xã hội, quyền lực của ông có thể bị vô hiệu hóa chỉ bằng một cú click của người sở hữu mạng xã hội. Như vậy, mạng xã hội không chỉ là nền tảng giúp thông tin lan tỏa, dù đó là loại thông tin sai lệch hay đúng đắn, mạng xã hội còn có quyền lực đáng gờm.
Bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ có thể bắt nguồn từ chính các mạng xã hội?
Động thái của các nền tảng truyền thông trong bối cảnh có các thông tin cho rằng vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ có thể bắt nguồn từ chính các mạng xã hội. Và chính chủ nhân của các trang mạng xã hội tỷ người dùng thấy rằng đã đến lúc phải có trách nhiệm hành động.
Bà Barbara Ortutay - Biên tập viên, Hãng thông tấn AP: "Đây không phải là điều bất ngờ. Các sự kiện trong bốn năm qua đã dẫn đến sự việc thời điểm này. Các công ty truyền thông xã hội trong nhiều năm đã đồng lõa cho phép thông tin sai lệch, bạo lực và thù hận lan truyền trên nền tảng của họ".
Những thông tin mơ hồ đó đã khiến hàng triệu người Mỹ vẫn tin - dù không chứng minh được đã có gian lận trong cuộc bầu cử. Hay như trên khắp châu Âu, các nhà vận động chống vaccine vẫn tiếp tục lan truyền thông tin sai lệch trên mạng về đại dịch COVID-19 khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Rồi đến những luận điệu căm thù, thường nhắm vào các nhóm thiểu số và nhập cư, vẫn được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở hầu hết các nước phương Tây.
Bà Renee Diresta - Nhà nghiên cứu các phong trào trực tuyến, Đại học Stanford: "Đây là một minh chứng về tác động thực tế của 'buồng dội âm' - tình huống tạo ra niềm tin của người dùng Internet bằng cách lặp lại liên tục một thông tin nào đó. Điều này cũng phủ nhận ý kiến cho rằng thế giới trực tuyến và ngoại tuyến tồn tại tách biệt, hay những cuộc thảo luận trên mạng chỉ có ở trên mạng".
Những bài học kinh nghiệm xương máu về những hệ lụy khôn lường của việc lợi dụng truyền thông từ các cuộc cách mạng màu, cách mạng đường phố trong lịch sử cho tới vụ việc tại Mỹ vừa qua đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc đưa ra các quy định mới đối với hoạt động của các mạng xã hội và kiểm soát thông tin trên mạng. Dù vẫn còn những tranh luận về vấn đề quyền tự do ngôn luận của các cá nhân, nhưng câu hỏi là ai sẽ chịu trách nhiệm với những nội dung đăng tải và hệ lụy từ các nội dung đó, nhất là khi đó có thể là thông tin sai lệch, kích động bạo lực, thù địch.
Ông Joe Biden đã được Quốc hội Mỹ xác nhận là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 - Ảnh: CNN
Bà Monica Stephens - Giảng viên Đại học Buffalo, Mỹ: "Ngăn phát ngôn của ai đó là một biện pháp rất quan trọng để cản sự tham gia của người đó trong một cuộc tranh luận cụ thể. Và rõ ràng, điều này phải được thực hiện dựa trên cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta không cấm ai đó chỉ dựa trên chủ quan của cá nhân mà là do họ đi vượt qua những giới hạn, tiêu chuẩn đã được đưa ra. Và khi đó, phát ngôn của họ sẽ tạo ra các hệ lụy nguy hiểm".
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ ngày càng phát triển, kỉ nguyên thông tin rộng mở, giới chính trị sẽ càng phải chú ý đến quyền lực của các mạng xã hội để đề phòng trước các biến cố.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất trong năm của thế giới đã được xác nhận
Nước Mỹ sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực trong trật tự, như lời Tổng thống Donald Trump, nhưng những sự bất bình và chia rẽ có thể sẽ còn phải mất nhiều thời gian mới dẹp yên, dù trên mạng xã hội hay trong thực tế.
Sau biến cố ngày 6/1, đám đông biểu tình được giải tán, người Mỹ vẫn chia hai phe nói về ông Donald Trump. Dấu ấn của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đối với nền chính trị Mỹ và xã hội Mỹ không thể xem nhẹ. Những gì bộc phát ra từ sự phản đối kết quả bầu cử còn thể hiện những lỗ hổng lớn trong xã hội Mỹ, từ chính trị, luật pháp và cả những quy định bầu cử.
Gót chân Archiles của một nước Mỹ siêu cường càng ngày càng lộ rõ, tạo ra thách thức rất lớn cho người lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!