Chính trường Mỹ đang nóng lên khi còn đúng một tuần nữa, nước Mỹ sẽ chính thức bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Bởi vậy, hiện nay đang là chặng đua nước rút giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa với những hoạt động cuối cùng để thuyết phục cử tri.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng cháu gái đã đi bỏ phiếu sớm tại bang quê nhà Delaware vào cuối tuần trước, như muốn gửi một thông điệp: Hãy đi bỏ phiếu.
Trong khi đó, các cựu Tổng thống Mỹ cũng tham gia các sự kiện của đảng mình để thu hút thêm cử tri còn dao động trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Lạm phát đang là một trong những vấn đề kinh tế được quan tâm nhất của cử tri.
Bà Tiffany Mclean - Cử tri Mỹ nói: "Tôi ở đây để ủng hộ những người vì quyền lợi của người Mỹ, những người đưa ra các ý tưởng mới và dám đối mặt những thách thức".
Ông Chris Tuttle - Giám đốc sáng tạo, Hội đồng về quan hệ đối ngoại, Mỹ: "Xác định đâu là vấn đề quan trọng nhất tùy thuộc vào việc ai là người nói ra điều đó. Phần lớn đảng Cộng hòa, những người độc lập và cả Dân chủ, lạm phát và kinh tế là quan trọng. Nhưng đảng Cộng hòa còn quan tâm đến vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia".
Lạm phát đang là một trong những vấn đề kinh tế được quan tâm nhất của cử tri.
Đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Nếu đảng Dân chủ mất ghế, đảng Cộng hòa chiếm đa số, Tổng thống Mỹ sẽ không có điều kiện thuận lợi để thực thi các chính sách kiềm chế lạm phát, cam kết về biến đổi khí hậu hay viện trợ cho Ukraine.
Cử tri khi đăng ký đi bầu đều được nhận quà tặng
Tại thủ đô Washington, mỗi cử tri khi đăng ký đi bầu đều được nhận quà tặng. Đã có gần 21 triệu cử tri đi bầu cử sớm tại 46 bang của nước Mỹ, cuộc bầu cử được đánh giá sẽ định hình cho nước Mỹ trong 10 năm tới.
Trong hai năm qua, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số ghế ở cả Hạ viện và Thượng viện, tạo điều kiện để ông Biden có thể dễ dàng thông qua những điều luật và chính sách mà ông muốn. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa ở lưỡng viện là không đáng kể. Điều này đang tạo ra sự cạnh tranh gay cấn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Dù đảng nào nắm đa số ghế tại Hạ viện hoặc Thượng viện, cử tri Mỹ cũng đều mong muốn các mối quan tâm của họ được giải quyết một cách hiệu quả hơn.
Và giới quan sát dự báo, giống như cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tầng lớp thanh niên tiếp tục được coi là một trong những nhân tố quan trọng, có thể tác động tới kết quả bầu cử.
Giới trẻ Mỹ đang có thái độ thế nào với cuộc bầu cử?
Một rạp hát ở thành phố Atlanta bang Georgia với nhiều thanh niên đang xếp hàng dài để chờ vào cửa. Tại Mỹ, những buổi hòa nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng luôn là một trong những địa điểm thu hút được sự chú ý nhiều nhất của giới trẻ. Do vậy đây cũng là một địa điểm được lựa chọn để vận động các bạn trẻ tham gia cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Chị Heidi Barrows - Trưởng nhóm tình nguyện viên: "Chúng tôi là một tổ chức phi lợi nhuận đang vận động mọi người tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Để tận dụng sức lan tỏa của âm nhạc, chúng tôi đã tới buổi hòa nhạc lớn để giúp mọi người cập nhật địa chỉ, kiểm tra và đăng kí tư cách cử tri".
Riêng thế hệ Z (những người sinh trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2012), đang chiếm gần 21% dân số. Tới thời điểm này, ngày càng nhiều thanh niên trong thế hệ Z tới tuổi đi bầu cử. Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, hiện nay, một số bạn trẻ tại Mỹ không mấy mặn mà với các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, cũng có một số suy nghĩ khác và họ đã đứng ra để vận động bạn bè cùng trang lứa đi bỏ phiếu.
"Chúng tôi thực sự muốn họ biết rằng họ có rất nhiều ảnh hưởng và thực sự có thể thay đổi kết quả các cuộc bầu cử. Vì vậy, chúng tôi thực sự muốn họ ý thức được quyền của mình và thực hiện bước tiếp theo là đăng ký rồi đi bỏ phiếu", chị Heidi Barrows nói.
Anh Will Schuler - Sinh viên Đại học Emory, bang Georgia, Mỹ: "Tôi đã đăng kí rồi và sẽ đi bỏ phiếu. Thường thì tôi bỏ phiếu ở bang Texas nhưng năm nay tôi sẽ đi bầu ở bang Georgia. Tôi không nhớ tên của nhóm tình nguyện nhưng thực sự họ đã vận động được tôi".
Mới đây, một kết quả thăm dò với 2.300 thanh niên thuộc thế hệ Z tại Mỹ cho thấy 85% trong số họ dự định sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới, những vấn đề đang được nhóm cử tri này quan tâm nhất, xếp theo thứ tự là quyền con người, giáo dục và môi trường.
Tại Mỹ nhiều thập niên trước đây, giới trẻ tỏ ra khá thờ ơ với các cuộc bầu cử, nhưng tình trạng này có dấu hiệu được cải thiện từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Và năm nay, trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, các nhóm vận động cử tri đang nỗ lực để thế hệ trẻ có thể tham gia nhiều hơn vào một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm.
Có thể thấy, những yếu tố quan trọng để đảng Cộng hòa hay Dân chủ ở Mỹ có thể giành được lợi thế trước bầu cử, đó là có chiến lược để có thể vươn tới nhiều nhóm cử tri; đưa ra được giải pháp tốt hơn, với những cam kết cụ thể và sát với những mối quan tâm của cử tri hơn. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng là điểm quan trọng tại các bang chiến địa. Chính vì vậy, hai đảng, đặc biệt là đảng Dân chủ, đang khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu sớm.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11, ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội, còn bầu lại hàng loạt vị trí Thống đốc tiểu bang và chính quyền địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!