Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 06/11/2022 10:10 GMT+7

VTV.vn - Tổng thống Joe Biden không có tên trong các lá phiếu, nhưng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này sẽ quyết định ai kiểm soát Quốc hội.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Điều khiến tôi tự tin nhất là việc người dân đang quan tâm tới những chính sách mà chúng tôi tiến hành. Họ muốn nhiều hơn thế. Tôi không biết ai mà lại phản đối việc giảm giá dịch vụ y tế, thuốc kê đơn và tất cả những thứ khác. Vì vậy, tôi cảm thấy lạc quan".

Với lá phiếu lần này, các cử tri Mỹ sẽ có cơ hội bày tỏ trực tiếp quan điểm của họ về nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden và đường hướng hiện tại của nền kinh tế số 1 thế giới.

Bầu cử giữa kỳ qua những con số

Theo quy định, các cuộc bầu cử Mỹ được tổ chức vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 hàng năm. Vào năm 2022, ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11. Luôn luôn có lý do cho thấy cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ là một sự kiện quan trọng đối với nền kinh tế lớn số 1 thế giới. Đó không phải là cuộc bầu cử quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước, nhưng nó là thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm. Kết quả cuộc bầu cử này rất có thể sẽ tác động tới chính sách trong tương lai của nước Mỹ, từ đó ảnh hưởng tới các vấn đề quốc tế.

Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden hiện đang chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, tuy nhiên chênh lệch là rất ít. Ở Hạ viện, đảng Dân chủ giữ 222 ghế so với 213 ghế của đảng Cộng hòa.

Còn ở Thượng viện, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cân bằng 50-50 ghế. Phe Dân chủ vẫn nắm thế đa số nhờ lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris.

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 1.

Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden hiện đang chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện

Với cuộc bầu cử lần này, cử tri Mỹ sẽ đi bầu ra toàn bộ 435 ghế của Hạ viện và 35/100 ghế tại Thượng viện. Trong nền chính trị Mỹ, Hạ viện sẽ là cánh cửa đầu tiên để quyết định dự luật đó có được biểu quyết để đưa tới Thượng viện hay không. Thượng viện sau đó sẽ quyết định thông qua hoặc không thông qua các đạo luật đó.

Thể chế chính trị của Mỹ có sự phân bổ quyền lực rõ ràng giữa ba nhánh, lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hạ nghị sỹ liên bang có nhiệm kỳ 2 năm, Thượng nghị sỹ có nhiệm kỳ 6 năm, nhưng mỗi 2 năm lại bầu lại 1/3 Thượng nghị sỹ để đảm bảo Quốc hội luôn đổi mới và hoạt động hiệu quả, có sự cân bằng về quyền lực giữa các Đảng phái.

Cuộc bầu cử quan trọng trong nền chính trị Mỹ vì bầu ra một Quốc hội mới. Nó cũng rất quan trọng với Tổng thống Biden và đảng Dân chủ, bởi nếu đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử này, mất thế đa số trong lưỡng viện hoặc chỉ kiểm soát được một trong lưỡng viện, Tổng thống Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai chính sách của mình.

Hai đảng đang tung lực lượng để thu hút thêm lá phiếu cuối cùng của cử tri. Tổng thống Mỹ, vừa ở Bờ Tây trong những ngày giữa tuần, sau đó là đến Illionis và Pennsylvania vào cuối tuần để kêu gọi sự ủng hộ cho các nghị sỹ Dân chủ. Trước ngày bầu cử, ông sẽ cùng cựu Tổng thống Obama tham gia cuộc tập hợp lực lượng ơ Maryland.

Đảng cộng hòa cũng tổ chức hàng loạt các hoạt động, tập trung đưa ra các luận điệu phản đối các đối thủ. Cựu Tổng thống Trump thông qua các cố vấn gửi đi thông điệp đang cân nhắc tham gia tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm 2024.

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 2.

Cử tri Mỹ sẽ đi bầu ra toàn bộ 435 ghế của Hạ viện và 35/100 ghế tại Thượng viện.

Các cuộc thăm dò dư luận liên tục được tổ chức, và có nhiều dấu hiệu cho thấy, đảng Cộng hòa đang có lợi thế trong việc chiếm đa số ở Hạ viện, còn ở Thượng viện, tỷ lệ vẫn đang là 50/50 và chúng ta cùng chờ kết quả được dự kiến công bố một ngày sau bầu cử.

Nửa nhiệm kỳ sóng gió của Tổng thống Joe Biden

Cuộc bầu cử lần này được cho là phép thử đánh giá hiệu quả của các chính sách của Đảng cầm quyền tại Mỹ. Sau cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đã chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện. Điều này tạo điều kiện cho ông Biden có thể dễ dàng thông qua những đạo luật và chính sách mà ông muốn.

Trong hai năm đầu tiên làm Tổng thống, ông Biden đã thúc đẩy Quốc hội thông qua các đạo luật mới về biến đổi khí hậu, kiểm soát súng, đầu tư hạ tầng và chính sách cho trẻ em nghèo. Trong cuộc vận động tranh cử cho đảng Dân chủ lần này, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tới những gì Nhà trắng đã làm được. Nhưng có nhiều sự kiện xảy đến trong hai năm qua tác động tới sự ủng hộ của cử tri dành cho các chính sách của Nhà Trắng.

Nhậm chức khi dịch bệnh COVID-19 đang lây lan, sự chia rẽ trong xã hội Mỹ lên cao, ông Joe Biden không có được điểm xuất phát thuận lợi. Gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD, luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD - hai trong số những điểm sáng đối nội hiếm hoi. Về đối ngoại, ông Biden đã giữ cam kết đưa nước Mỹ trở lại với thế giới, tham gia trở lại một số hiệp ước quốc tế, làm sống lại quan hệ với các đồng minh trong NATO, EU và G7.

Ông nói nhấn mạnh: "Có những điểm sáng cho thấy nước Mỹ đang khẳng định lại chính mình. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn chỉ trong 20 tháng. Tôi tin rằng đó chỉ mới là sự khởi đầu".

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 3.

Cựu Tổng thống Trump thông qua các cố vấn gửi đi thông điệp đang cân nhắc tham gia tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Thế nhưng, quyết định rút quân nhiều hỗn loạn khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021 đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden bắt đầu đi xuống. Làn sóng di cư bất hợp pháp từ Mexico qua biên giới Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và giá xăng dầu tăng vọt khiến lạm phát tăng lên mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980 cũng là vấn đề đè nặng lên tâm lý của cử tri.

Ông Mike Wagner - Khoa Báo chí và Truyền thông đại chúng, Đại học Wisconsin, Mỹ cho rằng: "Có 4 vấn đề lớn đang diễn ra giữa nhiệm kỳ. Về phía đảng Cộng hòa, thông điệp liên quan đến tội phạm đang hướng về các cử tri cũng như những lời phàn nàn về lạm phát. Về phía đảng Dân chủ, họ đang chú trọng vào những lo ngại về tương lai của nền dân chủ và vấn đề lật ngược quyền phá thai.

Trong cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, chính sách đối ngoại đi sau các vấn đề khác trong danh sách ưu tiên đối với cử tri. Chỉ có 45% cử tri cho rằng, chính sách đối ngoại là một vấn đề quan trọng, trong khi có tới 77% người xác định nền kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu.

Bà Lindsey Cormack - Khoa khoa học Chính trị, Viện Công nghệ Stevens, Mỹ: "Vấn đề xung quanh đồng USD sẽ quyết định kết quả bầu cử. Lạm phát, nền kinh tế, mọi người cảm thấy thế nào khi đổ đầy bình xăng. Đó là những tác động lớn thực sự lu mờ các yếu tố bỏ phiếu khác".

Tuy nhiên, nhóm kinh tế của Tổng thống Biden đã làm việc không ngừng trong nhiều tháng để tìm ra các lựa chọn chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng của việc giá cả tăng vọt. Các hành động chưa từng có nhằm giảm giá khí đốt, giải phóng 180 triệu thùng dầu từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược trong 7 tháng qua, và nhiều nỗ lực của ông để chống lại lạm phát, là những điểm nổi bật trong các bài phát biểu vận động cử tri ủng hộ cho đảng Dân chủ.

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 4.

Hơn 90% cử tri Mỹ quan ngại về kinh tế và lạm phát

Tuy nhiên, cho tới sát cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Biden và đảng của ông vẫn chưa thể có các chính sách hữu hiệu để kiểm soát các diễn biến bất lợi đối với nền kinh tế ngay lập tức. Trong khi đó, các quyết định tăng lãi suất mạnh tay của Cục dự trữ liên bang FED - để kiểm soát lạm phát - sẽ vẫn là tâm điểm chú ý khi cử tri Mỹ quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.

Cử tri Mỹ lo ngại về kinh tế

Nền kinh tế dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ những năm 1970 và 1980. Với việc lạm phát đang khiến ví tiền của người tiêu dùng dần thâm hụt, có lẽ không mấy ngạc nhiên khi kinh tế là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong tâm trí người Mỹ khi họ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

Ông Marlon Guzmán - Cử tri bang Arizona nói: "Tôi vừa ở cửa hàng và phải trả hàng đống tiền cho những đồ dùng thường mua, nó nhiều hơn mức bình thường trước đây. Tôi và người bạn ở chung đã nói về điều đó vào sáng nay, lạm phát đang thực sự trở nên tồi tệ".

Chị Iris Ramos Jones - Người ủng hộ đảng Cộng hòa: "Giờ đây, mỗi lần chúng tôi đến cửa hàng tạp hóa, mỗi lần đến cây xăng, điều gì đang xảy ra với nền kinh tế. Tất cả những mức giá siêu cao này đang ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình chúng tôi. Và tôi nghĩ đó là điều mà những người Mỹ đều nhìn thấy".

Ông Kevin Thierry - Nông dân bang Ohio: "Nitơ đã tăng gấp ba, kali và phốt-pho tăng hơn gấp đôi. Rõ ràng, mọi thứ, từ hạt giống hay nhiên liệu đang là khoản chi phí lớn".

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 5.

Trong cuộc khảo sát gần đây của Politico, có tới hơn 90% cử tri Mỹ quan ngại về kinh tế và lạm phát. Đây được xem là một dấu hiệu không mấy tích cực đối với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, dù sắp tới đảng nào nắm đa số ghế tại Hạ viện hoặc Thượng viện, cử tri Mỹ cũng đều mong muốn các mối quan tâm của họ được giải quyết một cách hiệu quả hơn.

Kinh tế - vấn đề chi phối lựa chọn của cử tri Mỹ

Đây là khía cạnh tích cực trong điều hành kinh tế của đảng Dân chủ, nhưng tiếc là vấn đề việc làm thường bị đặt chung trong mục kinh tế. Mà các vấn đề kinh tế khác, bất lợi cho đảng Dân chủ lại đang quá nóng. Thậm chí, việc làm tốt cũng khiến nhiều cử tri suy nghĩ liệu vì nó mà FED sẽ yên tâm tăng lãi suất tiếp, rồi tăng tiếp kinh tế có suy thoái?

Vì thế, thay vì nhấn mạnh vào việc làm, các ứng cử viên Quốc hội của đảng Dân chủ đang đẩy mạnh đề cập tới nhiều vấn đề khác thế mạnh như sắc tộc, quyền phá thai, giáo dục, bạo lực súng đạn…

Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew, khi đưa lên mạng xã hội như Twitter, kinh tế chỉ chiếm vị trí quan tâm thứ tư đối với các ứng cử viên Cộng hòa. Thậm chí, 2/3 ứng viên của đảng Cộng hòa tweet về nhập cư nhiều nhất. Có vẻ như kinh tế đã là chuyện đã rõ, các ứng cử viên muốn tranh thủ được sự ủng hộ cao nhất bằng các vấn đề khác.

Hậu thuẫn Ukraine - tranh cãi trong cuộc bầu cử

Tiếp tục một chủ đề khác cũng đang là sự quan tâm của cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử này, đó là cuộc chiến cách nước Mỹ mấy ngàn cây số, cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cho đến nay, chính giới Mỹ gần như đều nhất trí ủng hộ các chương trình viện trợ khổng lồ mà Nhà Trắng dành cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Nhưng viện trợ cho Ukraine đang dần trở thành đề tài tranh cãi ở Mỹ khi lạm phát tăng cao và sự đồng thuận này đang có dấu hiệu bị xói mòn. Điều này có thể thực sự trở thành vấn đề nếu đảng Cộng hòa giành được đa số ghế tại Quốc hội sau cuộc bầu cử ngày 8/11.

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 6.

Lạm phát ở Mỹ đang thực sự trở nên tồi tệ

Cuộc xung đột tại Ukraine đang là hồ sơ đối ngoại lớn của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, khi trước thềm bầu cử giữa kỳ, việc hậu thuẫn cho Kiev đang trở thành chủ đề gây tranh cãi ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Theo các chuyên gia, các gói viện trợ "hào phóng" mà Washington đang cung cấp cho Ukraine có thể bị cắt giảm nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ. Các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa, dù ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng sẽ không bất chấp tất cả để thông qua các gói viện trợ hàng tỷ USD cho Kiev như cách Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ đang làm. Vào tháng 5 vừa qua, 57 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu phản đối gói viện trợ 40 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine. Đến giữa tháng 10, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cảnh báo rằng Mỹ sẽ không viết séc trắng cho Ukraine.

Trong khi đó, nội bộ đảng Dân chủ cũng đang có sự chia rẽ về cách Nhà Trắng hỗ trợ Ukraine. Vào ngày 24/10, 30 nghị sĩ đảng Dân chủ của Hạ viện Mỹ đã gửi một bức thư cho Tổng thống Joe Biden hối thúc ông tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga để chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, các nghị sỹ này đã rút lại bức thư do vấp phải sự phản đối trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, hành động này là một chỉ dấu về sự rạn nứt trong ủng hộ dành cho Ukraine.

Hạ nghị sĩ Kelly Armstrong cho rằng, việc các nhà lập pháp Mỹ thay đổi quan điểm có thể là kết quả của việc cử tri muốn sự thay đổi.

Hạ nghị sĩ Mỹ Kelly Armstrong nhìn nhận: "Khi mọi người thấy giá hàng hóa tăng 13%, hóa đơn năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng gấp đôi. Hay nếu bạn sống ở khu vực biên giới, phải đối mặt với làn sóng di cư, thì Ukraine là điều xa vời nhất trong suy nghĩ của bạn".

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 7.

Các gói viện trợ "hào phóng" mà Washington đang cung cấp cho Ukraine có thể bị cắt giảm nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ.

Mỹ hiện là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, với hơn 52 tỷ USD gồm quân sự, nhân đạo và tài chính. Trong đó, hơn 18 tỷ USD là viện trợ quân sự, mức cao chưa từng có từ trước đến nay. Mặc dù trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, phần lớn người Mỹ vẫn ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng càng gần đến ngày bầu cử, trong nội bộ hai đảng đều có những tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi thay đổi chính sách, nhất là khi các yêu cầu viện trợ mà Kiev đưa ra tăng lên theo sự khốc liệt của chiến trường.

Châu Âu đang nhìn vào sự dao động, nếu có, của chính trường Mỹ trong vấn đề Ukraine. Nghị sỹ Anh Tobias Ellwood: "Khi nước Mỹ tiến về phía trước, các nước khác sẽ theo sau. Quy mô viện trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ cho Ukraine vượt xa tất cả các nước cộng lại, nhưng nếu nước Mỹ bắt đầu chớp mắt, các nước khác cũng có thể hành động tương tự".

Kết quả bầu cử tác động tới chính sách của Mỹ

Cho đến nay, những chỉ trích liên quan viện trợ cho Ukraine chủ yếu đến từ phe dân tộc chủ nghĩa trong đảng Cộng hòa. Nếu cuộc bầu cử ngày 8/11 tới tạo cơ hội cho những người theo tư tưởng này có thêm ghế trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ, chính sách của Tổng thống Biden cho dành cho Ukraine có thể gặp cản trở. Đây là một kịch bản mà giới phân tích dự đoán sau cuộc bầu cử tới. Vậy còn những tác động khác mà cuộc bầu cử này có thể mang tới cho chính sách sắp tới của nước Mỹ là gì?

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ - thước đo sự ủng hộ các chính sách của chính quyền đương nhiệm - Ảnh 8.

Giáo sư Marc Sandalow - Đại học California, Mỹ cho rằng: "Về mặt lịch sử, đảng nào đang có người làm chủ Nhà Trắng thường không nhận được sự ủng hộ của người Mỹ thời điểm giữa nhiệm kỳ.

Hiện nay, đảng Dân chủ đang nắm quyền ở Quốc hội, nhưng nhìn lại lịch sử, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, 17 trong 19 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng của tổng thống đương nhiệm thất bại.

Như vậy, mọi người đều hiểu rằng đảng Cộng hòa đang chuẩn bị để giành lại ghế tại Quốc hội và nếu cộng thêm điều kiện khác, như tình hình kinh tế hiện nay, lạm phát lên cao, lịch sử, giá xăng dầu, cho thấy cử tri chờ đợi đảng Cộng hòa sẽ làm tốt hơn.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, đảng Cộng hòa có lợi thế trong việc nắm Hạ viện, còn ở Thượng viện thì tỷ lệ vẫn đang là 50-50, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận gần đây không phản ánh đúng kết quả lúc bầu cử.

Vậy đảng dân chủ có cơ hội nào không? Tất nhiên là có, nhưng nhìn chung thì thấy, nhiều cử tri cho rằng đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đã chưa thể hiện tốt.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ: Cuộc đua gay cấn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ: Cuộc đua gay cấn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa

VTV.vn - Các điểm bỏ phiếu sớm tại nhiều bang ở Mỹ đã mở cửa, bắt đầu cho cuộc chạy đua gay cấn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước