Trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu thu hút quan tâm của cử tri trong bối cảnh đang có nhiều vấn đề chỉ có thể giải quyết ở mức độ toàn Liên minh châu Âu.
Chưa khi nào bầu cử Nghị viện châu Âu lại được cử tri quan tâm như lần này. Tỷ lệ đi bầu có thể lên tới 70%, so với 60% trong lần bầu cử trước. Cách đây 5 năm, phong trào bảo vệ sinh thái môi trường nổi lên mạnh mẽ, đã định hình chính sách của cả nhiệm kỳ. Giờ đây, xu hướng môi trường không còn nổi bật như trước. Các nước châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức mà mỗi nước riêng lẻ không thể giải quyết như: nguy cơ chiến tranh, nhập cư trái phép, sức mua đồng tiền…
Lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen tham dự một sự kiện vận động cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, ngày 2/6 tại Paris, Pháp. (Ảnh: EPA/Yonhap)
Bà Susi Dennison - Chuyên gia Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) - cho rằng: "Tôi nghĩ rằng vấn đề mà người châu Âu bận tâm nhất lúc này là an ninh, đang có hai cuộc chiến tranh diễn ra ngay sát châu Âu. Người châu Âu lo lắng về không gian sống, cũng giống như lo lắng về khía cạnh kinh tế. Vật giá luôn là một trong những vấn đề cử tri quan tâm trong mọi cuộc bầu cử".
Nghị viện châu Âu là định chế duy nhất của Liên minh châu Âu do công dân trực tiếp bầu ra. Đây là nơi đàm phán và biểu quyết các đạo luật mà mọi nước thành viên phải tuân thủ. Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt Nghị viện khoá mới.
Bà Mari Demertzis - Viện nghiên cứu chính trị Bruegel (Bỉ) - cho rằng: "Chúng tôi không nghĩ sẽ có thay đổi gì lớn về phe đa số trong Nghị viện châu Âu. Có điều cánh hữu sẽ được củng cố thêm. Có thể đảng sẽ giành chiến thắng, dự kiến là Đảng Nhân dân châu Âu, khó điều hành Nghị viện hơn so với 5 năm vừa rồi. Cánh hữu sẽ giành thêm ghế nghị viện, nhưng chưa biết là nhiều hơn mức độ nào".
Các đảng cực hữu đang nổi lên có thể hoặc không tác động được phần nào trong xây dựng chính sách, do mâu thuẫn triền miên giữa 2 nhóm cực hữu, một ủng hộ châu Âu trong NATO và hợp tác với Mỹ, một chủ trương biệt lập quốc gia, giảm quyền hạn Liên minh châu Âu.
Hai nhóm đều theo xu hướng cực hữu, nhưng trước nay hiếm khi nhất trí được với nhau trong Nghị viện châu Âu. Khả năng hai nhóm liên minh được với nhau trong khoá Nghị viện sắp tới là rất thấp, dù cho trong một số hồ sơ, tiếng nói của hai nhóm này cộng lại sẽ có thể tạo ra tác động đối với chính sách của Liên minh châu Âu.
Đối mặt nhiều thách thức
Thách thức lớn nhất và cũng chính là mối quan tâm lớn nhất của cử tri lúc này là bảo đảm hoà bình cho Liên minh châu Âu. Trong các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, có tới 2/3 cử tri cho rằng vấn đề phải ưu tiên, là củng cố quốc phòng. Chủ đề này tương đối đồng thuận, có khác biệt về mức độ, trong đó cử tri Đông Âu lo lắng hơn so với cử tri Tây Âu.
Thách thức thứ hai là đối phó với làn sóng nhập cư trái phép, gây nhiều tranh cãi hơn khi phải làm sao vừa ngăn nhập cư trái phép vừa nới lỏng nhập cư hợp pháp để bổ sung nguồn nhân lực mà châu Âu đang khan hiếm. Các nước Nam Âu cũng như các nước mà đảng cực hữu đang nắm quyền có quan điểm cứng rắn hơn rất nhiều.
Thủ tướng Đức vận động cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, ngày 1/6 tại Berlin, Đức. (Ảnh: EPA/Yonhap)
Theo nhiều dự đoán, Đảng Xanh có thể có kết quả kém hơn lần trước, trong khi các đảng cực hữu nhiều khả năng thêm ghế nghị viện, nhưng mức độ tác động sẽ không lớn. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ hai phe cực hữu không thống nhất được với nhau, còn do nghị sĩ của các đảng cực hữu thường xuyên vắng mặt trong các phiên thảo luận và biểu quyết. Tuy nhiên, không khó để thấy rằng, củng cố quốc phòng, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu... vẫn sẽ là trọng tâm của Nghị viện châu Âu khoá tới.
Kết quả bầu cử trong những ngày tới sẽ ảnh hưởng đến người sẽ trở thành Chủ tịch tiếp theo của Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành đầy quyền lực của Liên minh châu Âu.
Trong bối cảnh hiện tại, theo các thăm dò, nhiều khả năng đảng Nhân dân châu Âu (EPP) sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và bà Ursula Von der Leyen có thể có nhiệm kỳ thứ 2 trong vai trò Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, điều này sẽ cần sự tán thành của đa số tuyệt đối các thành viên của Nghị viện khóa mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!