Bầu cử Tổng thống 2020 phơi bày một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc

Quang Duy-Thứ bảy, ngày 19/12/2020 17:40 GMT+7

VTV.vn - Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay cho thấy, cử tri Mỹ chia rẽ sâu sắc về quan điểm chính trị bên cạnh sự khác biệt về hoàn cảnh kinh tế, lứa tuổi hay khu vực sinh sống.

Ngày 14/12, 538 đại cử tri đã chọn ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ là Tổng thống đắc cử của nước Mỹ. Người Mỹ đã đặt niềm tin vào vị Tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất trong lịch sử. Quyết định của đại cử tri đoàn cũng kết thúc nhiều tuần nền chính trị Mỹ rơi vào trạng thái vô định khi Tổng thống Donald Trump từ chối nhận thất bại.

Cuộc bầu cử kết thúc và công việc của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ bắt đầu. Vị chính trị gia kỳ cựu đang đứng trước những thách thức khó khăn xuất phát từ chính nội tại xã hội Mỹ, một xã hội bị chia rẽ thể hiện rõ nét qua chính cuộc bầu cử vừa qua.

Bầu cử Tổng thống 2020 phơi bày một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc - Ảnh 1.

Ông Joe Biden là Tổng thống đắc cử Mỹ khi nhận được 306 phiếu đại cử tri - Ảnh: AP

Cuộc bầu cử chia rẽ nhất lịch sử

Kỳ bầu cử 2020 là một kỳ bầu cử kỳ lạ với những con số chưa từng có tiền lệ. Tổng thống đắc cử Joe Biden lập kỷ lục khi nhận được hơn 81 triệu phiếu bầu phổ thông, trong khi ông Donald Trump cũng có hơn 74 triệu phiếu bầu – vượt xa kỷ lục cũ 64,4 triệu phiếu của cựu Tổng thống Barack Obama. Hơn 101 triệu cử tri đã bầu qua thư hoặc đi bầu cử sớm, tăng 102% so với bốn năm trước đó.

Rõ ràng, người dân Mỹ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe, họ cùng nhau đi bầu cử và tạo nên những con số kỷ lục. Tuy nhiên, lượng người đi bầu cử tích cực lại bị phủ bóng bởi mối chia rẽ sâu sắc giữa các cử tri trên nhiều phương diện. Nhà sử học Barbara Perry thuộc Viện nghiên cứu Tổng thống, Đại học Virginia nhận định: "Ngoại trừ thời kỳ Nội chiến, nước Mỹ chưa bao giờ chứng kiến sự chia rẽ rõ rệt như hiện tại".

Bầu cử Tổng thống 2020 phơi bày một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc - Ảnh 2.

Đại dịch COVID-19 là yếu tố tác động mạnh mẽ đến kết quả kì bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Ảnh Getty

Đai dịch COVID-19 là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Hình thức bỏ phiếu qua thư trở nên phổ biến, và những lá phiếu này đã góp phần giúp ông Biden lật ngược thế cờ tại hàng loạt bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania, Wisconsin hay Michigan.

Ảnh hưởng của đại dịch không chỉ được thể hiện thông qua hình thức bỏ phiếu mà còn phân hóa cả tâm lý của cử tri. Khủng hoảng mang tên COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất đối với vị Tổng thống sẽ chèo lái nước Mỹ trong những năm tới do những tác động sâu rộng đối với kinh tế và xã hội, không chỉ cho riêng nước Mỹ mà cả trên phương diện toàn cầu. Thế nhưng quan điểm đối phó với dịch bệnh của ông Biden và ông Trump lại hoàn toàn trái ngược.

Bầu cử Tổng thống 2020 phơi bày một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc - Ảnh 3.

Ông Joe Biden chú trọng giãn cách xã hội trong buổi vận động tranh cử ngày 16/10 tại Michigan - Ảnh: Reuters

Trong khi ông Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế sự lây lan của đại dịch và sẵn sàng áp dụng những biện pháp giãn cách để giảm tải áp lực lên nền y tế, chính sách của Tổng thống Donald Trump lại chú trọng vào việc mở cửa nền kinh tế để tránh suy thoái. Hai góc nhìn khác nhau đã thu hút tâm lý ủng hộ khác nhau của người dân Mỹ.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, có đến 76% người ủng hộ hoặc có xu hướng thiên về đảng Cộng hòa hài lòng với cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump khi đại dịch hoành hành. Với những người không ủng hộ hoặc không nghiêng về đảng Cộng hòa, con số này chỉ là 29%. Khoảng cách 47% giữa người ủng hộ và không ủng hộ chính phủ cầm quyền trong vấn đề xử lý dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ là lớn nhất khi so với những vùng dịch khác tại châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha hay Anh.

Bầu cử Tổng thống 2020 phơi bày một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc - Ảnh 4.

Cử tri Mỹ chia rẽ sâu sắc về quan điểm ủng hộ hay phản đối cách thức đối phó dịch bệnh của chính phủ Tổng thống Donald Trump - Ảnh: AP

Còn giữa những cử tri của hai đảng, trong những cuộc thăm dò tiền bầu cử, Trung tâm nghiên cứu này cũng đã ghi nhận sự phân hóa rõ rệt trong vấn đề COVID-19. Các cử tri đa phần không có chung quan điểm về việc đeo khẩu trang nơi công cộng; truy vết ca mắc; sự hiệu quả của các nhân viên y tế trước khủng hoảng hay sự tin tưởng vào vaccine.

Khoảng một tháng trước ngày bầu cử 3/11, 82% người ủng hộ ông Biden cho rằng vấn đề COVID-19 có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định bỏ phiếu của họ. Những người ủng hộ Tổng thống Trump thì dường như xem nhẹ dịch bệnh đang cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người Mỹ mỗi ngày. Chỉ 24% người dự định bỏ phiếu cho ông Trump cân nhắc đến tầm ảnh hưởng của đại dịch.

Sự phân hóa của xã hội Mỹ trong việc bỏ phiếu còn được thể hiện thông qua trình độ học vấn và môi trường sống. Tờ Guardian nhận định, khu vực thành thị tập trung nhiều cử tri trẻ tuổi có học thức cao có xu hướng thiên về chủ nghĩa tự do, họ có thiên hướng bầu cho đảng Dân chủ với đại diện là ông Biden. Trong khi đó ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều cử tri trung niên và cao tuổi, có bằng cấp thấp hơn nhóm cử tri trẻ ở thành phố, có thiên hướng bảo thủ hơn và bầu cho ông Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Hy vọng hàn gắn nước Mỹ của Tổng thống đắc cử Joe Biden

Trong sự nghiệp chính trị kéo dài nhiều thập kỷ của mình, ông Joe Biden đã thể hiện phẩm chất bền bỉ, không bỏ cuộc, kể cả khi trải qua nhiều biến cố và thất bại. Trong bài phát biểu ngay sau khi đại cử tri đoàn gọi tên ông là Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Joe Biden đã tuyên bố: "Giờ là lúc để lật sang một trang sử mới. Để đoàn kết. Để hàn gắn". Với sự phân hóa rõ rệt về quan điểm của xã hội Mỹ, "hàn gắn" là cụm từ đã được ông Biden nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một sứ mệnh mà ông sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Bầu cử Tổng thống 2020 phơi bày một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc - Ảnh 5.

Đoàn kết nước Mỹ sẽ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Joe Biden - Ảnh AP

Sau khi đắc cử chức thượng nghị sĩ bang Delaware vào năm 1972, ông Biden tranh cử Tổng thống lần đầu tiên vào năm 1988 khi được đánh giá là một gương mặt đang lên của đảng Dân chủ, có sức hấp dẫn với những người theo trường phái ôn hòa trong nền chính trị Mỹ đương thời. Chiến dịch này kết thúc trong ê chề khi vị thượng nghị sĩ dính vào bê bối đạo văn từ một bài phát biểu của nhà lãnh đạo Công Đảng Anh, Neil Kinnock.

Hai mươi năm sau, Joe Biden tuyên bố tranh cử lần thứ hai nhưng thiếu đi sức hút so với một số ứng cử viên khác của đảng Dân chủ. Ông chỉ xếp thứ năm trong cuộc bầu chọn ứng cử viên tranh cử Tổng thống của đảng, nhưng được Barack Obama chọn làm phó Tổng thống. Bộ đôi Obama – Biden đã chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, và cựu thượng nghị sĩ đã làm phó Tổng thống Mỹ suốt hai nhiệm kỳ của Obama.

Đến lần thứ ba tranh cử Tổng thống, ông đã thành công, vươn lên đỉnh cao của sự nghiệp chính trị mà ông đã theo đuổi hơn 30 năm qua.

Tuy nhiên, những thách thức mà ông Biden phải đối mặt rất khác biệt so với nhiều đời Tổng thống khác. Tờ Guardian nhận định, là một nhà lãnh đạo ôn hòa, để đoàn kết nước Mỹ là thách thức đối nội khó khăn nhất của Biden khi những chia rẽ sâu sắc trong xã hội sẽ còn tiếp diễn.

Dù vậy, người Mỹ đã bầu ra một nhà lãnh đạo đầy thiện chí – một yếu tố quan trọng có thể giúp Biden trong mục tiêu hàn gắn nước Mỹ. Xã hội Mỹ là một xã hội đa dạng với nhiều sắc tộc và cộng đồng khác nhau cùng tồn tại. Quyết tâm đoàn kết xã hội của ông Biden được thể hiện ngay từ cách lựa chọn đội ngũ đa dạng sẽ đi cùng ông trong bốn năm tới.

Bầu cử Tổng thống 2020 phơi bày một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc - Ảnh 6.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử những thành viên đầu tiên trong Nội các mới khi tiếp nhận Nhà Trắng vào T1/2021- Ảnh Reuters

Chính quyền mới của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden sẽ chứng kiến nhiều "lần đầu tiên" ở các vị trí nhân sự chủ chốt. Trong khi ông Biden sẽ trở thành Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất trong lịch sử, bà Kamala Harris sẽ là nữ phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ thuộc về bà Avril Haines, cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Còn ông Alejandro Mayorkas sẽ nắm chức Bộ trưởng An ninh Nội địa, trở thành Bộ trưởng gốc Latin đầu tiên. Cựu Ngoại trưởng John Kerry sẽ là đặc phái viên của Tổng thống về biến đổi khí hậu. Chức vụ chưa từng có này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của vị Tổng thống đắc cử với vấn đề biến đổi khí hậu, điều đã được phản ánh thông qua những chính sách đã được ông đề ra trong quá trình chạy đua.

Nhìn chung, để hàn gắn đất nước là một nhiệm vụ không đơn giản trước một xã hội có những sự chia rẽ sâu sắc. Tuy nhiên, những hành động đầu tiên trong quá trình chuyển giao cho thấy quyết tâm của cựu phó Tổng thống Mỹ, giống như những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong nhiều thập kỷ để trở thành ông chủ Nhà Trắng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước