Nghiên cứu đã xem xét những người bị nhiễm COVID-19 trong đợt đầu tiên của đại dịch. (Ảnh: Sky News)
Phát hiện trên được đưa ra sau một nghiên cứu được thực hiện trên hơn 160.000 người trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch coronavirus, trước khi bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào ra đời.
Những người mắc bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11/2020 được phát hiện có nguy cơ tử vong cao hơn tới 81 lần trong vòng ba tuần đầu tiên bị nhiễm bệnh. Và họ có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần so với những người không bị nhiễm bệnh trong vòng 1,5 năm (18 tháng) sau đó.
Các bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn cho đến 18 tháng sau khi bị nhiễm bệnh, mà các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một phần của triệu chứng COVID-19 kéo dài, bao gồm bệnh tim mạch vành, suy tim và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện của họ chỉ ra rằng bệnh nhân COVID-19 nên được theo dõi ít nhất một năm sau khi hồi phục.
Hơn 7.500 hồ sơ bệnh nhân COVID-19 đã được đưa vào nghiên cứu thông qua Biobank của Anh, cơ sở dữ liệu y sinh lớn chứa lượng dữ liệu y tế khổng lồ của 0,5 triệu người tham gia trên toàn nước Anh. Mỗi bệnh nhân được ghép với nhóm tối đa 10 người không mắc COVID-19 trong 18 tháng đầu tiên của đợt bùng phát và với một nhóm lịch sử từ năm 2018 trở lại đây.
Các nhà nghiên cứu đã chọn những người không bị nhiễm bệnh có hồ sơ, thông tin y tế tương tự như những người bị nhiễm COVID-19, với độ tuổi trung bình của cả ba nhóm là 66 và số lượng nam và nữ gần như bằng nhau.
(Ảnh: Johns Hopkins Bloomberg SChool of Public Health)
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Ian Wong giải thích: "Nhóm kiểm soát lịch sử được đưa vào để loại trừ ảnh hưởng của việc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe định kỳ bị giảm hoặc hủy bỏ trong đại dịch, dẫn đến tình trạng sức khỏe xấu đi và tăng tỷ lệ tử vong ngay cả ở những người không bị nhiễm bệnh".
Hồ sơ y tế được theo dõi về các kết quả bao gồm suy tim và đau tim, đột quỵ, tử vong do bệnh tim mạch và tử vong do các nguyên nhân khác. Những người từng bị bệnh tim trước đây đã bị loại khỏi phân tích. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh số người nhiễm bệnh đã phát triển bệnh hoặc tử vong với bao nhiêu người không bị nhiễm bệnh.
Số bệnh nhân COVID-19 được phát hiện có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn khoảng bốn lần trong vòng ba tuần kể từ khi nhiễm bệnh và có khả năng cao hơn 40% trong vòng 18 tháng tiếp theo. Những người mắc COVID-19 nặng thậm chí còn có nhiều khả năng mắc bệnh hoặc tử vong trong cùng một khung thời gian.
Phát hiện đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Tim mạch, một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch châu Âu.
Giáo sư Hector Bueno, phát ngôn viên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu, cho biết, nghiên cứu được đánh giá ngang hàng cho thấy, bệnh nhân COVID-19 nên được theo dõi bệnh tim mạch.
Ông nói thêm: "COVID-19 đã có tác động rất lớn đến những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, những người ít có khả năng nhận được sự chăm sóc tối ưu trong đại dịch và có nhiều khả năng tử vong vì nhiễm trùng hơn".
Giáo sư Wong cho biết, mặc dù nghiên cứu diễn ra vào năm 2020, nhưng số lượng người nhiễm COVID-19 trước khi họ được tiêm vaccine rất lớn, có nghĩa là nó vẫn nên được sử dụng để đánh giá các đợt bùng phát trong tương lai.
Vaccine COVID-19 được chứng minh là làm giảm đáng kể khả năng nhiễm virus và giảm khả năng bệnh diễn tiến nghiêm trọng, nhưng giáo sư Wong cho biết cần phải nghiên cứu thêm để xác định tác động của mũi tiêm đối với nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bệnh nhân COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!