Khi một loài động vật bị buộc phải thay đổi nơi sinh sống thì điều này không chỉ đe dọa sự tồn tại bản thân loài động vật đó mà còn có tác động dây chuyền, thậm chí có thể làm đảo lộn mạng lưới virus ở các loài động vật có vú, tạo ra những điểm nóng dịch bệnh có thể gây ra các đại dịch trong tương lai.
Đến nay, ít nhất 10.000 loại virus có thể lây nhiễm cho con người đang trú ngụ ở các loài động vật hoang dã và hầu hết có thể truyền giữa động vật mà chưa được phát hiện. Thường thì các bệnh do chúng gây ra sẽ không lây sang con người, nhưng trong vài trường hợp, một virus sẽ lây lan từ loài này sang loài khác, một hiện tượng được gọi là "nhiễm chéo". Khi các bệnh truyền nhiễm mới lây giữa các vật chủ là động vật, rồi lây sang con người, hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Ông Colin Carlson - Đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra bệnh truyền nhiễm. Chúng tôi đã nghiên cứu sâu để tìm hiểu khi các loài động vật di chuyển đến nơi ở mới, các loại virus cũng sẽ chuyển động ra sao. Khi nghĩ về quá trình này, rõ ràng là nếu các loài đến nơi ở mới, chúng sẽ có thể gặp phải các loại virus mới".
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, khả năng nhiễm chéo có thể ngày càng gia tăng mạnh mẽ khi khí hậu Trái đất nóng lên, có thể lây nhiễm hàng nghìn loại virus mới cho con người. Vì sự nóng lên toàn cầu buộc các động vật phải di chuyển nơi sinh sống để tìm đồ ăn và nơi có điều kiện thời tiết lạnh hơn. Các tác giả nghiên cứu dự báo, sẽ có ít nhất 15.000 đợt lây truyền virus mới giữa các loài vào năm 2070 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C.
Các nhà khoa học cũng đã lập ra mô hình giả định về sự thay đổi nơi sinh sống của hơn 3.000 loài động vật và từ đó dự báo các điểm nóng tiềm ẩn cho các đợt bùng dịch do virus mới. Đáng chú ý là dự báo cho thấy đa phần các đợt bùng dịch mới có thể sẽ xảy ra tại vùng nhiệt đới ở châu Phi và Đông Nam Á, hơn là ở các nơi có khí hậu lạnh hơn như Bắc Cực.
Chuyên gia trên cảnh báo rằng việc các nước thất bại trong mục tiêu kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ gây ra thảm họa tồi tệ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!