Hàng triệu trẻ em châu Phi đang phải đối mặt với nạn đói hoành hành. Ảnh: AP
Cơ quan viện trợ Concern Wordwide phối hợp với Cơ quan viện trợ Welthungerhilfe của Đức đã đưa ra kết luận biến đổi khí hậu đẩy tình trạng đói nghèo lên mức báo động trong báo cáo Chỉ số Đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019 công bố ngày 15/10, trước thềm Ngày Lương thực thế giới (16/10).
Theo báo cáo, CH Trung Phi đứng đầu với tình trạng đói nghèo ở mức "báo động tột cùng" do các vụ bạo lực xảy ra tại nước này kể từ năm 2013. Trong khi đó, tình trạng đói nghèo ở CH Chad, Madagascar, Yemen và Zambia ở mức báo động. Trong số 117 nước được đánh giá có 43 nước khác ở mức độ đói nghèo "nghiêm trọng". 9 nước trong tình trạng đói nghèo "đáng lo ngại" có số điểm cao hơn so với năm 2010 là CH Trung Phi, Madagascar, Venezuela, Yemen, Jordan, Malaysia, Mauritania, Liban và Oman.
Báo cáo cho biết những tiến bộ đạt được nhằm hướng tới mục tiêu giảm đói nghèo về mức 0% vào năm 2030 mà các nhà lãnh đạo thế giới đề ra "đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ bị đảo ngược". Giám đốc điều hành Concern Wordwide Dominic MacSorley cho biết có khoảng 45 nước không thể đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ người dân đói nghèo ở mứ thấp vào năm 2030. Ông nói: "Các cuộc xung đột, tình trạng bất bình đẳng, tác động của biến đổi khí hậu đều góp phần làm cho tình trạng đói nghèo trầm trọng hơn và làm mất an ninh lương thực thế giới".
Trong khi đó, số người thiếu ăn (những người không thể tiếp cận thường xuyên với đủ lượng calo) đã lên tới 822 triệu người trong năm ngoái so với 785 triệu người năm 2015. Tình trạng nghiêm trọng nhất ghi nhận ở các nước khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi do các cuộc xung đột và nạn hạn hán triền miên.
Concern Worldwide và Welthungerhilfe nhấn mạnh có mối tương hỗ mạnh mẽ giữa điểm số đói nghèo cao hơn và mức độ tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu. Theo báo cáo, số các thảm họa liên quan tới thời tiết cực đoan đã tăng gấp đôi kể từ đầu những thập niên 90 của thế kỷ trước, làm giảm sản lượng mùa màng và góp phần đẩy giá lương thực tăng.
Báo cáo kêu gọi các nước cần hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm giảm những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra đối với an ninh lương thực cũng như nâng cao khả năng chuẩn bị và ứng phó với thảm họa, thay đổi mô hình sản xuất lương thực và tiêu dùng, nhất là ở những nước có thu nhập cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!