Một nông dân nhìn vào vụ khoai tây bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng cũng như những thay đổi môi trường và khí hậu, ở Mosul, Iraq, ngày 15/7. (Ảnh: Reuters)
Theo một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, các đợt nắng nóng đồng thời thiêu đốt vùng Tây Nam nước Mỹ và khu vực Nam Âu sẽ "hầu như không thể xảy ra" nếu không phải do biến đổi khí hậu. Đợt nắng nóng thứ ba diễn ra ở Trung Quốc có thể xảy ra khoảng 250 năm một lần nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không phải là một yếu tố.
Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, người đã đóng góp cho nghiên cứu mới, được công bố hôm 25/7 bởi nhóm World Weather Attribution, cho biết: "Vai trò của biến đổi khí hậu là hoàn toàn áp đảo trong việc tạo ra cả ba hiện tượng thời tiết cực đoan".
Nghiên cứu cho thấy, tình trạng nóng lên toàn cầu đã làm tăng đáng kể khả năng xảy ra nhiệt độ cực đoan. Theo đó, các đợt nắng nóng mạnh như những đợt lập kỷ lục ở thành phố Phoenix (Mỹ), vùng Catalonia (Tây Ban Nha) và ở khu vực Tân Cương (Trung Quốc) vào tháng 7 này có thể xảy ra 15 năm một lần ở Mỹ, 10 năm một lần ở Nam Âu và 5 năm một lần ở Trung Quốc.
"Đây không phải là một bất ngờ về các hiện tượng thời tiết cực đoan mà chúng ta đang chứng kiến", ông Otto nói trong một cuộc họp báo. "Trong quá khứ, những sự kiện này là cực kỳ hiếm".
Các nhà khoa học cảnh báo rằng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt quan sát được trong năm nay dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi con người tiếp tục thải ra các loại khí giữ nhiệt và phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Ông Otto nhận định, chừng nào chúng ta còn tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều những hiện tượng cực đoan này.
Đợt nắng nóng đã diễn ra trong 18 ngày trên khắp vùng Tây Nam nước Mỹ và miền Bắc Mexico, nền nhiệt cao kỷ lục liên tục trong 7 ngày ở châu Âu và kéo dài 14 ngày ở các vùng đất thấp của Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, nắng nóng được cho là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu điện cao kỷ lục ở Trung Quốc và tình trạng cắt điện ở Mỹ và châu Âu, cũng như mất mùa hoặc gia súc chết ở cả ba khu vực.
Trái đất đã chứng kiến tháng 6 nóng nhất trong thời hiện đại và cũng trải qua những ngày nóng nhất được ghi nhận vào tháng 7. Thành phố Phoenix hôm 23/7 đã đánh dấu ngày nhiệt độ cao kỷ lục thứ 24 liên tiếp, ở mức bằng hoặc trên 110 độ F (trên 43°C), theo Dịch vụ Thời tiết quốc gia Mỹ. Ở một thị trấn ở Tân Cương, Trung Quốc, nền nhiệt lên tới 126 F (trên 52°C), lập kỷ lục về nhiệt độ cao ở quốc gia này. Nắng nóng ở châu Âu đã phá vỡ các kỷ lục và khiến các điểm du lịch lớn phải đóng cửa.
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, đợt nắng nóng kéo dài ở miền Nam Hoa Kỳ trong phần lớn tháng 7 sẽ sớm mở rộng ra phần lớn nước này.
Và không chỉ nhiệt độ mới tạo ra những mối nguy hiểm trên khắp nước Mỹ. Nước này đã trải qua một mùa hè đầy khói từ các vụ cháy rừng kỷ lục ở Canada, trong khi lượng mưa cực lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở vùng Đông Bắc và nhiệt độ đại dương khắc nghiệt dọc theo phần lớn bờ biển của Mỹ.
Bà Julie Arrighi, thuộc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ, cho biết tại cuộc họp báo rằng các chính phủ cần thích ứng tốt hơn để bảo vệ người dân khỏi nắng nóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!