Quá trình hoàn thiện thủ tục điều chỉnh biên giới Italy - Thụy Sĩ đang được tiến hành tại Italy và sau khi ký kết, thay đổi sẽ được phê chuẩn.
Biên giới chung Italy - Thụy Sĩ đi qua các đỉnh núi Alps. Tuy nhiên, thực tế các sông băng tan chảy đã làm thay đổi biên giới được xác định theo lịch sử. Nguyên nhân là do ở một số nơi, biên giới Alpine - được xác định theo lưu vực hoặc các đường gờ của sông băng trên dãy Alps - sẽ co lại khi băng tan và có thể di chuyển, làm biên giới thay đổi theo.
Những thay đổi mới sẽ được thực hiện đối với khu vực bên dưới Matterhorn - một trong những ngọn núi cao nhất châu Âu, xung quanh các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Zermatt và Cervinia ở miền Nam Thụy Sĩ và Tây Bắc Italy, Tete Grise/Plateau Rosa, Cabane Carrel và Dos de Rollin.
Cho đến khi Italy phê duyệt thỏa thuận, chính quyền liên bang Thụy Sĩ cho biết các chi tiết cụ thể về thay đổi biên giới sẽ không được công khai.
Tuy nhiên, trong quá khứ, những thay đổi tương tự đã dẫn đến việc biên giới Italy - Thụy Sĩ dịch chuyển từ 100 mét đến 150 mét.
"Ở vùng núi cao, các phần quan trọng của biên giới Italy - Thụy Sĩ được xác định theo lưu vực, biểu thị bằng đường đỉnh của các sông băng, cánh đồng tuyết và tuyết vĩnh cửu" - Chính phủ Thụy Sĩ cho biết. "Tuy nhiên, với sự tan chảy của các sông băng, những yếu tố tự nhiên này phát triển và biên giới quốc gia sẽ được xác định lại khi các thay đổi được phê chuẩn một cách năng động".
Trong số 578 km biên giới Italy - Thụy Sĩ, 40 km được bao phủ bởi các sông băng.
Đây không phải là lần đầu tiên biên giới Italy - Thụy Sĩ được sửa đổi. Năm 2000, biên giới Italy - Thụy Sĩ đã được điều chỉnh tại Furggsattel, Zermatt, sau khi một sông băng di chuyển trong khoảng 100 - 150 mét. Theo đó, một trạm cáp treo trước đây ở Italy sau khi điều chỉnh đã ở Thụy Sĩ.
Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU đã báo cáo về tốc độ tan chảy của băng hà ở châu Âu trong những năm gần đây, khi mùa hè nóng kỷ lục trên lục địa và biến đổi khí hậu.
Còn theo đánh giá của cơ quan giám sát GLAMOS được công bố hôm 1/10, các sông băng ở Thụy Sĩ đã tan với tốc độ trên mức trung bình trong năm 2024, trong bối cảnh mùa hè nóng gay gắt làm tan chảy lượng tuyết lớn. Theo báo cáo, các sông băng của Thụy Sĩ mất 2,5% khối lượng băng trong năm nay, cao hơn trung bình của thập niên qua.
Một trong những nhân tố làm gia tăng lượng băng tổn thất trong năm nay là bụi từ sa mạc Sahara. Bụi tạo cho các lớp băng màu nâu hoặc hồng hạn chế khả năng phản xạ ánh nắng Mặt Trời quay trở lại bầu khí quyền.
Hơn một nửa sông băng ở dãy Alp nằm ở Thụy Sĩ, nơi nhiệt độ đã tăng cao hơn khoảng 2 lần mức trung bình toàn cầu do biến đổi khí hậu. Nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Apls dự kiến sẽ mất hơn 80% khối lượng hiện có vào năm 2100.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!