Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi và hiện đã lây lan sang một số quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, một trong những nhà khoa học hàng đầu của Nga cho biết, đây có thể là một phản ứng thái quá.
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ báo hàng đầu ở Moscow vào ngày 28/11, ông Alexey Agranovsky, giáo sư virus học tại Đại học Moscow State, cho rằng, thế giới nên cảnh giác với biến thể virus Omicron mới, nhưng nó không có khả năng nguy hiểm như biến chủng Delta gây ra sự gia tăng mạnh về số người tử vong do COVID-19.
Theo ông Alexey Agranovsky, Omicron thực sự không bình thường vì nó chứa nhiều đột biến hơn các biến thể virus khác. "Ít nhất về mặt lý thuyết, một số lượng đột biến lớn như vậy có thể gây ra một số hậu quả, đó là Omicron có thể tránh được kháng thể vaccine và dễ lây nhiễm hơn".
Tuy nhiên, theo ông Alexey Agranovsky, "cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy biến thể này có khả năng vượt qua hoặc nguy hiểm hơn Delta, biến chủng hiện đang chiếm ưu thế. Trong số hàng chục trường hợp mắc bệnh âm sàng đã được xác định cho đến nay, không một ca tử vong nào được ghi nhận".
Omicron không có khả năng nguy hiểm như biến thể Delta. (Ảnh: Reuters)
Biến thể Delta được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020 và đã trở thành chủng COVID-19 chiếm ưu thế với tỷ lệ 99% số trường hợp nhiễm trên toàn cầu, theo WHO. Điều này một phần là do nó dễ lây lan hơn các biến chủng COVID khác. Tuy nhiên, ông Agranovsky vẫn nghi ngờ rằng, Omicron sẽ tiếp tục vượt qua Delta để trở thành loại biến thể thống trị trên toàn cầu.
"Chúng tôi vẫn cần nghiên cứu các đặc điểm của biến thể Omicron. Hiện có ít trường hợp mắc được ghi nhận để chúng tôi có được một bộ dữ liệu tốt hơn như biến thể lây nhiễm sang nhóm nào nhiều hơn, người trẻ hay người già; hiệu quả của các kháng thể ở những người đã bị nhiễm bệnh hoặc đã được tiêm chủng như thế nào? Tất cả những điều này vẫn còn phải được xem xét".
Khi các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã được xác định ở ngày càng nhiều quốc gia, một số nước đã thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn biến chủng này. Nhật Bản, Israel và Marocco đã cấm tất cả du khách nước ngoài; Australia đã trì hoãn việc mở lại biên giới trong hai tuần. Trong khi đó, Nga đã đình chỉ một số chuyến bay và thông báo sẽ xem xét lại các quy định về những trường hợp có thể nhập cảnh vào nước này.
Tuy nhiên, giáo sư Agranovsky khẳng định: "Hiện tại, không có lý do gì để hoảng loạn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!