Biểu đồ số ca mắc COVID-19 đi ngang, WHO đưa 2 kịch bản trong tương lai

Trang Phan - Vân Ánh-Thứ năm, ngày 26/08/2021 11:14 GMT+7

VTV.vn - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới được báo cáo trên toàn cầu 'dường như đang có xu hướng đi ngang' sau khi tăng trong gần hai tháng qua.

Trong biểu đồ của trang thống kê Worldometers.info, số ca mắc COVID-19 đã bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 6 và liên tục tăng cho tới giữa tháng 8. Từ đây trở đi, đường biểu thị số ca bắt đầu đi ngang và có lúc thậm chí đi xuống.

WHO đã báo cáo hơn 4,5 triệu ca hợp mắc mới COVID-19 trên toàn cầu vào tuần trước - chỉ tăng nhẹ so với hơn 4,4 triệu ca mắc được báo cáo trong tuần trước đó. Theo WHO, số ca mắc mới toàn cầu hiện đã ở mức ổn định hơn là nhờ nỗ lực tiêm vaccine và các biện pháp kiểm soát của các nước.

Hai kịch bản về dịch COVID-19 trong tương lai

Theo giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới, Tiến sĩ Takeshi Kasai, do tính nguy hiểm của biến thể Delta, nên mặc dù nhiều nước trong khu vực đang triển khai các biện pháp nhanh, mạnh như phong tỏa, nhưng 'dù có nỗ lực hết sức thì dường như trên bình diện toàn cầu, virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất, ít nhất là trong tương lai gần'.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 đi ngang, WHO đưa 2 kịch bản trong tương lai - Ảnh 1.

Tiến sĩ Takeshi Kasai, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: WHO

Vì vậy, Tiến sĩ Kasai đưa ra hai kịch bản về dịch COVID-19 trong tương lai. 

Kịch bản thứ nhất: là 'sống chung với virus' bằng tiêm phòng và các biện pháp ngăn ngừa như tập trung dập những ổ dịch ngay khi xuất hiện.

Kịch bản thứ hai: Xuất hiện các biến thể nguy hiểm lây lan nhanh, gây triệu chứng nặng hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine.

Kịch bản thứ hai là khi xuất hiện các biến thể nguy hiểm hơn - lây lan nhanh hơn hoặc gây triệu chứng nặng, và đặc biệt là làm giảm hiệu quả vaccine. Tiến sĩ Kasai gọi đây là viễn cảnh mà 'tất cả chúng ta đều muốn tránh'.

Cách ngăn chặn hiệu quả nhất với kịch bản này là nỗ lực hạn chế virus lây truyền ngay lúc này. Bởi giống với những mầm bệnh khác, càng lây được vào nhiều người thì virus càng phát triển và biến đổi và sinh ra các biến thể.

Chính vì thế, Tiến sĩ Kasai khẳng định 'diễn biến dịch bệnh tương lai phụ thuộc vào hành động của mỗi cá nhân, tập thể trong những tuần và tháng tới' thông qua việc tiêm phòng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây trong cộng đồng.

WHO đánh giá cao cam kết ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam về tiêm vaccine COVID-19

Tại  Việt  Nam, WHO đánh giá cao cam kết ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong tiêm phòng COVID-19. 

Mục tiêu toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới là tiêm đủ liều cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trước tháng 9 năm nay, 40% đến cuối năm và 70% vào giữa năm sau. Đây là những cột mốc cần đạt được để kết thúc đại dịch.

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho  biết, rất nhiều quốc gia đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung vaccine, không riêng Việt Nam. 

"Chúng tôi hiểu rằng, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để có thể cung cấp đủ vaccine cho người dân. Tất cả vaccine được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp đều đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng. Nó làm giảm nguy cơ biến thể Delta lây lan trong cộng đồng và gây ra biến thể mới.

Tôi muốn nhấn mạnh, vaccine an toàn, hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch COVID-19. Nhưng nó không phải là "chìa khóa vạn năng". Chỉ vaccine không thể chấm dứt lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện 5K kể cả khi đã tiêm phòng", ông Kidong Park nói.

Sẵn sàng cho kịch bản 'xấu và xấu hơn', triển khai “2 mũi giáp công” chống COVID-19 Sẵn sàng cho kịch bản "xấu và xấu hơn", triển khai “2 mũi giáp công” chống COVID-19

VTV.vn - Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 51.000 ca mắc COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước