Boeing buộc phải có động thái trên sau một loạt sự cố gần đây liên quan các dòng máy bay của hãng, làm dấy lên lo ngại về các tiêu chuẩn sản xuất và bảo trì.
Theo thông báo của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA), kế hoạch của Boeing bao gồm tăng cường đào tạo và giao tiếp cho nhân viên, củng cố hệ thống báo cáo ẩn danh để khuyến khích nhân viên kịp thời thông báo về các vấn đề an toàn và tăng cường giám sát nhà cung cấp.
Về phần mình, FAA cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn an toàn cho mỗi máy bay MAX của Boeing trước khi giao hàng. Quy trình kiểm tra này đã được cải thiện kể từ tháng 1 năm nay, bao gồm việc FAA trực tiếp kiểm tra máy bay thay vì dựa vào hệ thống kiểm toán.
Hiện, FAA đang giới hạn Boeing sản xuất MAX ở mức 38 chiếc mỗi tháng.
Sự cố mở đầu cho chuỗi bất ổn của Boeing xảy ra ngày 5/1 năm nay, khi một chiếc Boeing 737 MAX 9 do hãng hàng không Alaska Airlines vận hành đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một mảng thân máy bay bị bung.
Sau đó, một loạt hãng hàng không, trong đó có United Airlines và Southwest Airlines, cũng đã báo cáo các sự cố máy bay Boeing.
Mới đây nhất, ngày 9/5, một chiếc Boeing 737-300 đã trượt khỏi đường băng trong lúc cất cánh ở Senegal, khiến 11 người bị thương, trong đó có 4 trường hợp nghiêm trọng. Chỉ trước đó một ngày, một chiếc máy bay Boeing 767 chở hàng của FedEx cũng đã gặp sự cố không mở được càng đáp trong quá trình hạ cánh tại sân bay quốc tế Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Vào cuối tháng 2, FAA đã yêu cầu Boeing trong vòng 90 ngày phải đưa ra "một kế hoạch hành động toàn diện để giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng hệ thống nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn không thể thương lượng của FAA".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!