Cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên các trang mạng xã hội cũng ngập tràn những thông tin về bệnh dịch này, trong đó đáng quan ngại nhất là những thông tin giả mạo, sai sự thật làm gia tăng sự bất an trong dư luận. Tình trạng này đã gây ra những tác hại như thế nào?
"Facebook, Twitter bối rối với sự bùng phát tin giả về COVID-19" là tựa đề của bài viết đăng trên tờ New York Times tuần này. Theo đó, những thông tin như phòng thí nghiệm bí mật, các phương pháp cứu chữa kỳ diệu hay âm mưu của các chính phủ… đã tràn ngập trên các trang mạng xã hội bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các công ty mạng xã hội.
Không những vậy, bài báo cho biết, các chuyên gia an ninh mạng đã phát hiện hơn 4.000 trang thông tin giả mạo về dịch COVID-19 do các hacker lập ra, là những cái bẫy để ăn cắp thông tin cá nhân và đột nhập chiếm quyền kiểm soát các thiết bị mà người dùng sử dụng để truy cập vào các trang tin này. Những thiệt hại cho người dùng mạng xã hội từ nguy cơ này là chưa thể đánh giá hết được.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thông tin giả về COVID-19 trên mạng xã hội, Facebook, Youtube và Twitter cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch của Mỹ trong nỗ lực truy cứu nguồn gốc, kiểm chứng và loại bỏ những thông tin giả mạo ngay khi phát hiện, đồng thời định hướng người dùng mạng xã hội đến những nguồn thông tin đáng tin cậy.
Thêm vào đó, các công ty mạng xã hội cũng đang phải chịu sức ép rất lớn từ các chính phủ xung quanh sự phát tán thông tin giả về COVID-19. Tờ Washington Post cho biết, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon tham gia vào chiến dịch chống lại COVID-19, nhất là ngăn chặn thông tin giả.
Theo bài báo, yêu cầu trên được Nhà Trắng đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon diễn ra hôm 11/3. Chính phủ Mỹ đề nghị các công ty công nghệ phối hợp ngăn chặn những thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sớm phát hiện và loại bỏ những thông tin này trước khi chúng được phát tán rộng rãi.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi một báo cáo mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã có hàng triệu thông tin sai sự thật về sự bùng phát của dịch COVID-19 bị phát tán trên các trang mạng xã hội.
Theo bài viết, Facebook đang nghiên cứu sử dụng kho dữ liệu khổng lồ của mình để nghiên cứu về phương thức lây lan của COVID-19, đồng thời cho Tổ chức Y tế thế giới và các chính phủ quảng bá thông tin miễn phí trên nền tảng của mình; Google cũng đã có động thái tương tự với khoản tín dụng quảng cáo trị giá 25 triệu USD.
Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ, những nỗ lực này cũng chỉ như muối bỏ bể bởi sự xuất hiện và phát tán tin giả liên tục diễn ra theo thời gian thực trong khi việc kiểm chứng và loại bỏ chúng lại mất rất nhiều thời gian, công sức và tài chính, nhất là khi các công ty mạng xã hội cũng đang phải cho nhân viên nghỉ việc hay làm việc tại nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Vì thế, điều quan trọng là chính người dùng mạng xã hội cần phải tỉnh táo, tự trang bị cho mình kiến thức và bộ lọc cần thiết để tránh bị tác động bởi những thông tin giả cũng như hạn chế khả năng bị lừa đảo, đánh cắp thông tin trong tình hình hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!