Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào?

Việt Linh (Tổng hợp CNN, Guardian, Nikkei, NYT, SCMP & Bloomberg)-Thứ năm, ngày 08/04/2021 16:11 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp những khó khăn bước đầu về nguồn cung vaccine COVID-19, nhiều quốc gia đã ghi nhận thành công đáng kể trong chiến dịch tiêm chủng.

Israel: Tiêm chủng "thần tốc" giúp tiến gần mục tiêu chấm dứt đại dịch

Israel, quốc gia nhỏ bé tại Trung Đông đang đứng trước cơ hội "thoát ra" khỏi đại dịch COVID-19, điều mà nhiều quốc gia phát triển sẽ phải mất hàng tháng, thậm chí vài năm nữa để hoàn thành.

Những dấu hiệu tích cực đã được nhìn thấy rõ ở làn sóng dịch thứ ba của nước này. Trong giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 1, có tới 10.000 ca mắc mới/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm đã nhanh chóng đi xuống, và hiện chỉ còn khoảng 10.000 bệnh nhân phải nằm viện, dù các hoạt động kinh tế đã được nối lại.

Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào? - Ảnh 1.

Các địa điểm công cộng tại Israel mở cửa trở lại nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công (Nguồn: Reuters)

Khác biệt quan trọng nhất chính là ở chiến dịch tiêm chủng hiệu quả và nhanh tới chóng mặt mà nước này đã và đang triển khai. Hiện đã có tới hơn một nửa trong số 9 triệu người dân Israel đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, chủ yếu là vaccine do liên doanh Pfizer-BioNTech cung cấp và đang có kế hoạch mua thêm 35 triệu liều.

"Chúng tôi đã hoàn thành việc giao toàn bộ đơn hàng cho Israel theo thỏa thuận ban đầu ký tháng 11/2020 và đang tiếp tục làm việc với chính phủ Israel để cập nhật thỏa thuận, cung cấp nguồn vaccine bổ sung cho nước này" - Pfizer cho biết trong thông báo gần đây của mình.

Theo Nikkei, một bí quyết giúp Israel triển khai được chiến dịch tiêm chủng hiệu quả như vậy là do hệ thống y tế được số hóa quy mô lớn. Trong khi nhiều nước châu Á vẫn thực hiện chương trình tiêm chủng thông qua giấy tờ, Israel tiến hành thông báo đến người dân qua tin nhắn điện thoại, liên kết với 1 ứng dụng cho phép đặt lịch tiêm 2 liều.

Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào? - Ảnh 2.

Mã QR xác nhận đã tiêm chủng cho phép người dân Israel tới các địa điểm đông người (Nguồn: Reuters)

Trong quá trình tiêm, y tá cũng nhập dữ liệu bệnh nhân vào ứng dụng điện thoại. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng có thể báo cáo tác dụng thông qua khảo sát trực tuyến. Từ các dữ liệu tiêm chủng, người dân sẽ được cấp "thẻ xanh" dưới dạng điện tử, cho phép họ đi tới các địa điểm đông người như phòng tập thể hình, trường học, nhà hát hay các buổi hòa nhạc chỉ bằng việc quét mã QR.

Avishag Buskila, một sinh viên 26 tuổi tại Jerusalem cho biết cơ hội trở lại giảng đường là yếu tố chính thúc đẩy cô đi tiêm chủng: "Cha mẹ tôi hiện giờ vẫn bất đồng quan điểm. Cha tôi đã tiêm 3 tháng trước, còn mẹ tôi muốn chờ thêm. Còn tôi thì hơi tiếc vì không đi tiêm sớm hơn, vì đi tiêm thì mới được đi học lại".

Mỹ: Tốc độ tiêm phòng gấp gần 5 lần toàn cầu, đề xuất chia sẻ vaccine dư thừa

Hôm 6/4, Tổng thống Joe Biden vui mừng thông báo, nước Mỹ đã cán mốc 150 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân, và bày tỏ kỳ vọng sẽ hoàn tất mục tiêu 200 triệu liều trước ngày thứ 100 trong nhiệm kỳ của ông. Vị tổng thống 78 tuổi cũng tuyên bố đẩy thời hạn chót cho các bang để tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành lên 19/4, thay vì ngày 1/5 như ban đầu.

Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào? - Ảnh 3.

Tổng thống Joe Biden đưa ra thời hạn chót 19/4 để tất cả người trưởng thành tại Mỹ được tiêm vaccine COVID-19 (Nguồn: CNN)

"Chúng tôi biết mình cần phải làm gì, và đang tập trung kêu gọi cả nước cùng với chúng tôi trong cuộc chiến đánh bại virus. Chúng ta đang thành công khi đã có đủ liều vaccine, huy động nhiều nhân viên tham gia chiến dịch, mở thêm nhiều điểm tiêm chủng. Chúng ta hiện đã có thể tiêm trung bình 20 triệu liều/tuần" - Tổng thống Biden công bố trong phát biểu tại Nhà Trắng.

Bất chấp khởi đầu trắc trở, Mỹ đã nhanh chóng tăng tốc trong chiến lược vaccine. Hôm 3/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo nước này đã lập kỷ lục mới 4,1 triệu liều tiêm/ngày. Theo trang thống kê Our World in Data, tỷ lệ tiêm chủng 7 ngày gần nhất của Mỹ lên tới 0,92 liều/100 người dân, gấp gần 5 lần bình quân toàn cầu là 0,21 liều. Đã có khoảng gần 20% dân số Mỹ được tiêm đủ hai liều vaccine.

"Thành tích" tiêm chủng cũng đang là lực đẩy cho việc phục hồi nền kinh tế số 1 thế giới. CDC gần đây đã điều chỉnh hướng dẫn đi lại, qua đó người dân Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ ít nhất 2 tuần sẽ được phép đi du lịch trong và ngoài nước mà không cần làm xét nghiệm cũng như cách ly khi trở về, dù vẫn phải đảm bảo các biện pháp an toàn khác.

Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào? - Ảnh 4.

CDC thay đổi hướng dẫn cho phép dỡ bỏ hạn chế đi lại với người đã tiêm vaccine đầy đủ (Nguồn: CNN)

Sau khi đảm bảo nguồn cung trong nước, vấn đề xử lý số lượng vaccine dư thừa đang là bài toán mới cho chính quyền Mỹ. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ ủng hộ việc chuyển giao vaccine cho các nước khác, vừa nhằm mục tiêu y tế, vừa đem lại lợi thế về ngoại giao.

Trước đó, Mỹ đã đạt thỏa thuận chia sẻ khoảng 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho 2 nước láng giềng Mexico và Canada. Hiện Mỹ vẫn chưa cấp phép chính thức loại vaccine này do Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu nhà sản xuất phải cung cấp kết quả đợt thử nghiệm đại trà cuối cùng. Đổi lại, kế hoạch cũng cho phép Mỹ được chia sẻ thêm vaccine từ 2 nước làng giềng trên trong tương lai khi nguồn cung dồi dào hơn.

Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào? - Ảnh 5.

Mỹ đã đạt thỏa thuận chia sẻ 4 triệu liều vaccine Astra Zeneca với Canada và Mexico (Nguồn: CNN)

Theo CNN, cho tới lúc này quan điểm của chính quyền Tổng thống Biden vẫn là "chưa thể chia sẻ vaccine" chừng nào chưa có đủ nguồn dự phòng cần thiết trong các tình huống khó khăn. Tuy nhiên theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, "Khi nào đã đủ tự tin rằng đã tích trữ đủ vaccine, chúng tôi sẽ xem xét những lựa chọn khác" - một quá trình có thể kéo dài nhiều tháng.

Trung Quốc: Tặng quà nhằm khuyến khích người dân tiêm vaccine COVID-19

Còn tại Trung Quốc, giới chức cũng đang tăng tốc các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu 40% dân số nước này được tiêm chủng cho tới tháng 6. Từ mức khoảng hơn 1 triệu liều vào đầu năm, tốc độ tiêm chủng tại Trung Quốc hiện đã đạt ngưỡng khoảng 5 triệu liều/ngày. Tuy nhiên tính trên 1,4 tỷ dân, con số này mới chỉ tương đương khoảng 5 liều/100 người, so với 25 của Mỹ.

Và để thực hiện mục tiêu trên, nhiều phần quà để khuyến khích người dân đi tiêm chủng đã được quảng bá tại Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn, theo SCMP. Khu vực Beixianqiao ở Bắc Kinh thông báo tặng 2 hộp trứng tươi cho mỗi người lớn trên 60 tuổi đi tiêm phòng. Còn chính quyền quận Đại Hưng, nơi đặt trụ sở nhiều công ty công nghệ thì thu hút người đi tiêm bằng phiếu mua hàng.

Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào? - Ảnh 6.

Khách hàng đã tiêm chủng nhận được khuyến mại mua 1 tặng 1 ở cửa hàng McDonald’s (Nguồn: NYT)

Các đơn vị bán lẻ tại khu mua sắm nổi tiếng Vương Phủ Tỉnh cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi tung ra các chương trình giảm giá và khuyến mại cho những khách hàng đã tiêm vaccine, như tặng 1 món đồ chơi ở cửa hàng Lego, mua 1 tặng 1 ly kem ở xe bán hàng McDonald’s ngay trước điểm tiêm chủng.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nỗ lực truyền thông tiêm chủng, coi đây là trách nhiệm của mỗi người dân. Chiến dịch này đặc biệt hướng tới đối tượng là đảng viên, nhân viên làm việc trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Theo Bloomberg, cán bộ một số trường đại học và nhân viên ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã được yêu cầu phải đi tiêm chủng theo đợt, và chỉ được phép từ chối khi có lý do chính đáng hay miễn trừ y tế.

Các nước đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công như thế nào? - Ảnh 7.

Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số cho tới tháng 6 năm nay (Nguồn: SCMP)

Dù là một trong số những nước đã kiểm soát tốt lây nhiễm cộng đồng và đang phục hồi nhanh chóng từ dịch COVID-19, nhưng chính thành công này lại đang được xem là một lý do khiến người dân Trung Quốc vẫn chưa mặn mà với tiêm chủng. Ông Tony Wong, một doanh nhân khởi nghiệp ở quận Triều Dương, Bắc Kinh chia sẻ với báo South China Morning Post: "Tôi thấy chưa cần phải tiêm vaccine ngay, vì nếu đi công tác nước ngoài thì vẫn phải cách ly bắt buộc".

Theo các chuyên gia, nếu như các nước khác sớm tạo được miễn dịch cộng đồng do vaccine và có thể mở cửa trở lại, trong khi Trung Quốc vẫn phải tiếp tục ngăn dịch từ bên ngoài vào, thì đó cũng sẽ là một bước lùi - điều mà nước này không hề mong muốn trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước