Đến nay, hơn 265,58 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 49,9 triệu ca mắc và hơn 808.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 35.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thêm 6 bang ở Mỹ đã xác nhận các ca nhiễm biến thể Omicron của viruss SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, biến thể Delta vẫn là mối đe dọa lớn nhất khi mùa đông đến và người Mỹ bắt đầu các kỳ nghỉ và tụ tập.
Tính đến chiều 3/12, tổng cộng 234.743.864 người Mỹ, tương đương 70,7% dân số, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 198.211.641 người đã tiêm đủ liều. Mỹ cũng đã tiêm mũi vaccine tăng cường cho 44.035.293 người, tương đương 22,2% người đã hoàn thành tiêm chủng.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 4/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 470.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 615.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,1 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Trưởng Nhóm Kỹ thuật COVID-19 của WHO, xu hướng gần đây ở Nam Phi cho thấy, biến thể Omicron có thể lây nhiễm nhiều hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học của tổ chức này cần vài ngày để xác nhận liệu nó có dễ lây lan hơn biến thể Delta hay không.
Về khả năng gây bệnh, các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có biểu hiện từ nhẹ đến nặng.Và hiện vẫn chưa thể nói liệu biến thể này là yếu hay mạnh. Một ngày trước đó, người phát ngôn của WHO xác nhận chưa phát hiện trường hợp tử vong do biến thể Omicron
Theo thống kê của Reuters, châu Âu đã vượt mốc 75 triệu ca nhiễm COVID-19. Hiện các nước châu Âu đang vật lộn ngăn chặn biến thể Omicron hoàn toàn mới trong bối cảnh những bệnh viện ở một số quốc gia đang căng thẳng bởi sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới.
Hơn 15 quốc gia ở châu Âu đã báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron được xác nhận, làm chao đảo thị trường tiền tệ. Liên minh châu Âu đã tuyên bố vào ngày 2/12 rằng, biến thể Omicron rất có thể liên quan tới hơn một nửa số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu chỉ trong vài tháng tới.
Hơn 15 quốc gia ở châu Âu đã báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. (Ảnh: AP)
Theo Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA), nhiều ca nhiễm biến thể Omicron ở vùng England của nước này được ghi nhận cho đến nay là những người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Theo UKHSA, trong số 22 ca nhiễm biến thể Omicron tại England được xác nhận tính đến ngày 30/11, có 12 ca phát hiện nhiễm sau hơn 14 ngày tiêm mũi vaccine gần nhất. Có 2 ca phát hiện nhiễm sau hơn 28 ngày kể từ khi tiêm mũi vaccine đầu tiên; 6 ca chưa tiêm vaccine và 2 ca chưa có thông tin tiêm chủng. Không có ca nào trong số 22 ca này nhập viện hay tử vong do COVID-19.
Tính đến ngày 4/12, Anh ghi nhận tổng cộng 104 ca nhiễm biến thể Omicron. Trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 42.848 ca mắc mới COVID-19 và 127 trường hợp tử vong. Hơn 80% dân số Anh từ 12 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm chủng.
Pháp đã phát hiện hơn 10 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Do đó, bắt đầu từ ngày 4/12, Pháp siết chặt quy định nhập cảnh đối với tất cả du khách nước ngoài trên 12 tuổi, điều chỉnh cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các quốc gia và khu vực trên thế giới để cảnh báo công dân Pháp muốn xuất cảnh ra nước ngoài. Để được phép đến các khu vực màu cam và đỏ, công dân Pháp sẽ cần tiêm vaccine đầy đủ và khai báo lý do chính đáng.
Pháp cũng đang xem xét việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em có nguy cơ cao ở độ tuổi từ 5 - 11 bắt đầu từ giữa tháng 12 trên cơ sở tự nguyện. Trong tuần này, Pháp liên tục ghi nhận gần 50.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Đức đã thêm 5 quốc gia vào danh sách các nước có "nguy cơ cao" do dịch COVID-19. Viện Robert Koch (RKI) cho biết, 5 quốc gia gồm Ba Lan, Thụy Sĩ, Jordan, Liechtenstein và Mauritius mới được bổ sung vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao do tình hình dịch bệnh đang xấu đi. Những du khách đến từ 5 quốc gia trên chưa tiêm vaccine sẽ phải tự cách ly 10 ngày. Tuy nhiên, kể từ ngày 5/12, những người đã ở lại 5 nước này trong 10 ngày trước khi đến Đức sẽ bị áp các quy định nhập cảnh khắt khe hơn.
Tại Đức, dịch bệnh COVID-19 vẫn trong tình trạng báo động. Các chuyên gia y tế lo ngại, những biện pháp chống dịch mới được Chính phủ nước này vừa thông qua chưa đủ mạnh để có thể phá vỡ được làn sóng dịch thứ tư hiện nay cũng như giảm áp lực cho các bệnh viện. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 46.379 ca mắc mới và 222 người qua đời do COVID-19.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 vẫn ở mức rất cao và tỷ lệ nhiễm mới tại nhiều nơi luôn chạm mốc cao kỷ lục mới, nhiều bang ở Đức đã siết chặt các biện pháp phòng ngừa đại dịch.
Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) đã khuyến nghị tất cả người dân Canada trên 50 tuổi và những người dễ bị tổn thương khác (như nhân viên chăm sóc y tế, thổ dân và những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn) cần tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19, sử dụng loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Bỉ đã tiến hành phiên họp khẩn cấp hôm 3/12 để quyết định về các biện pháp cần thiết mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn. Bỉ công bố những biện pháp trên khi dịch bệnh COVID-19 tại nước này có xu hướng tăng nhanh những tuần gần đây.
Trong tuần từ ngày 23 - 29/11, trung bình mỗi ngày Bỉ ghi nhận 17.862 ca mắc mới, tăng 6% so với tuần trước đó. Tỷ lệ ca mắc trung bình trên 100.000 dân trong 2 tuần qua luôn ở mức trên 2,1%. Ngoài ra, số ca tử vong trung bình trong 7 gần đây cũng đã lên tới 44 ca/ngày, tăng 23% so với một tuần trước đó.
Ngày 4/12, Bỉ báo cáo 17.910 ca mắc mới. Tính đến nay, Bỉ đã ghi nhận hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19 với 27.167 trường hợp tử vong.
Quan chức phụ trách y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Italy khẳng định, hiện biến thể Omicron chưa lan rộng tại nước này, ngoài ổ dịch ở Caserta, phía Bắc thành phố Naples. Hiện nay, Delta là biến thể duy nhất đang lây lan rộng tại Italy và vaccine vẫn đang là biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Ở Italy, chỉ có một ổ dịch mắc biến thể Omicron, xuất phát từ một doanh nhân từ miền Nam châu Phi trở về Caserta. Vợ, 2 con và các bạn cùng lớp với con của doanh nhân này đã bị lây nhiễm.
Ngày 4/12, nước này ghi nhận 16.632 ca nhiễm mới và 75 người tử vong. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính cũng tăng từ 2,5% lên 2,9%.
Các cơ quan y tế Chile ngày 4/12 thông báo, nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Đây là một người trở về sau khi đến quốc gia sản xuất đồng Nam Mỹ ở châu Phi.
Dịch bệnh COVID-19 tại Bỉ có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây. (Ảnh: AP)
Singapore đã quyết định thắt chặt hơn nữa cơ chế xét nghiệm đối với với những người nhập cảnh đã tiêm vaccine, đồng thời đóng cửa đường biên với thêm 3 quốc gia nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron. Kể từ ngày 7/12, tất cả du khách nhập cảnh Singapore phải thực hiện thêm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày. Ngoài việc tới các trung tâm chỉ định để xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7 sau khi nhập cảnh, du khách sẽ phải tự làm xét nghiệm và chỉ được ra khỏi nơi cư trú nếu có kết quả âm tính.
Trước đây, du khách nhập cảnh chỉ phải xét nghiệm PRC tại sân bay và sau đó được phép đi lại tự do khi có kết quả âm tính. Bộ Y tế Singapore cho biết, các quy định xét nghiệm tăng cường này sẽ được duy trì trong ít nhất trong 4 tuần.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, nước này sẽ khởi động chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 trên toàn quốc từ tháng 1/2022. Indonesia đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 từ ngày 13/1/2021. Tính đến ngày 4/12, nước này đã cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 240 triệu người, trong đó 142 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên và 98,6 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
Ngày 4/12, Indonesia ghi nhận 246 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, tổng cộng trên 4,25 triệu người đã mắc bệnh ở nước này, bao gồm 143.863 bệnh nhân thiệt mạng.
Tình dịch bệnh COVID-19 tại Lào bước đầu có dấu hiệu cải thiện khi số ca mắc mới theo ngày ở nước này đã giảm xuống mức 3 con số. Ngày 4/12, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 969 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố, trong đó chỉ có 1 trường hợp là người nhập cảnh, và 10 bệnh nhân tử vong.
Như vậy, sau 4 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 con số, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 con số. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao (450 trường hợp) trong một ngày tại 168 bản thuộc 9 quận. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 78.469 ca, trong đó có 201 người tử vong.
Hàn Quốc ngày 4/12 thông báo ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 theo ngày cao kỷ lục ở nước này, lần lượt là 5.352 trường hợp và 70 người. Hiện Hàn Quốc vẫn đang phải chống chọi với làn sóng dịch tồi tệ nhất kéo dài từ tháng 7. Giới chức y tế Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số người mắc biến thể này tại Hàn Quốc lên 9 trường hợp.
Nhằm ngăn chặn biến thể mới lây lan, nhà chức trách Hàn Quốc thông báo siết chặt quy định phòng dịch. Theo đó, từ ngày 6/12 tới, mọi người phải trình chứng nhận tiêm phòng trước khi vào nhà hàng, rạp chiếu phim và các không gian công cộng khác. Bên cạnh đó, quy định số người được phép tụ tập bị hạn chế từ 10 người xuống còn 6 người ở vùng thủ đô Seoul, và từ 12 người xuống còn 6 người ở ngoại ô. Quy định mới cũng yêu cầu cách ly bắt buộc 10 ngày đối với bất cứ ai nhập cảnh trong 2 tuần tới, kể cả người đã tiêm phòng đầy đủ.
Tuần này, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc lần đầu tiên tăng lên mức 5.000 ca/ngày, gây sức ép lớn đối với hệ thống y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!