Các cuộc không kích và hỏa lực tên lửa phòng không diễn ra trong đêm đã tấn công thành phố Omdurman và thủ đô Khartoum, hai trong số ba thành phố tạo nên vùng thủ đô rộng lớn hơn của Sudan. Tuy nhiên, cuộc chiến trong những ngày gần đây đã nóng lên ở các thành phố phía Tây thủ đô, trong khu vực Darfur và Kordofan.
Tại Al Fashir, thủ phủ của bang Bắc Darfur, một thỏa thuận ngừng bắn đã đổ vỡ khi quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) xung đột tại các khu dân cư.
Và tại El Obeid, thủ phủ của bang Bắc Kordofan và là trung tâm giao thông giữa Khartoum và Darfur, nơi RSF duy trì sự hiện diện đáng kể, lực lượng bán quân sự này đã đụng độ với Cảnh sát Dự bị Trung tâm được trang bị vũ trang mạnh.
Giao tranh tồi tệ nhất đã xảy ra ở Tây Darfur, nơi các lực lượng dân quân được RSF hậu thuẫn đã san bằng các khu vực của thành phố và buộc người dân phải sơ tán hàng loạt. Thành phố El Geneina ở Tây Darfur bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của lực lượng dân quân.
Khu phẫu thuật khẩn cấp do MSF thành lập để ứng phó với dòng người bị thương từ Sudan, tại bệnh viện Adre, Chad, ngày 15/6. (Ảnh: Reuters)
Ngày 22/6, Mỹ cho biết đã đình chỉ các cuộc đàm phán ngừng chiến, là diễn đàn duy nhất cho những cuộc thảo luận giữa hai bên tham gia giao tranh tại Sudan, mặc dù nó chỉ dẫn đến các thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngắn hạn và thường bị vi phạm.
Trong những ngày gần đây, xung đột đã gia tăng giữa quân đội Sudan và RSF ở Nyala, thủ phủ của bang Nam Darfur và là một trong những thành phố lớn nhất của Sudan. Các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra hôm 23/6 ở phía Nam Nyala đã khiến dân thường thiệt mạng.
Một mặt trận mới trong cuộc giao tranh cũng đang đe dọa mở ra ở Nam Kordofan.
Giao tranh đã khiến hơn 2,5 triệu người ở Sudan phải sơ tán, hàng trăm nghìn người đã chạy trốn qua biên giới sang các nước láng giềng, bao gồm cả Chad và Ai Cập.
Xung đột đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, trong đó các tổ chức phi chính phủ đang phải vật lộn để cung cấp viện trợ y tế và thực phẩm rất cần thiết. Cơ quan hỗ trợ y tế MSF cho biết, hoạt động của họ đã bị cản trở bởi cả hai bên tham chiến, bao gồm cả giấy phép đi lại bị từ chối.
"Các nguồn cung cấp của MSF đã bị tịch thu, trong khi các nhóm vũ trang cướp phá những cơ sở của chúng tôi, đánh đập và đe dọa nhân viên một cách thô bạo", MSF cho biết trong một tuyên bố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!