Các quốc gia Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 19/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây là khuyến nghị mới được đưa ra trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế.

Các quốc gia Đông Nam Á cần tăng gấp đôi khoản đầu tư hàng năm vào hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo, đó sẽ là nền tảng để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế, về dài hạn, các nước Đông Nam Á cần đầu tư trung bình 210 tỷ USD/năm vào năng lượng tái tạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. Khoản tiền này sẽ giúp mở rộng hỗ trợ công nghệ và cơ sở hạ tầng, mở rộng các khoản đầu tư bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hydrogen.

Mức đầu tư này dự kiến cao gấp 2,5 lần so với khoản ngân sách mà chính phủ các nước Đông Nam Á đang lên kế hoạch để đạt mục tiêu về khí hậu, góp phần hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế nhấn mạnh, việc ngừng sử dụng than đá, cùng với tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và kết nối lưới điện khu vực là bước đi cần thiết để đạt các mục tiêu về phát thải.

Với việc đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, đến năm 2050, ASEAN cũng có thể giảm chi phí năng lượng và tiết kiệm được 1.500 tỷ USD liên quan đến sức khỏe của con người và thiệt hại môi trường do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tăng tốc chuyển đổi năng lượng tái tạo

Chuyển đổi năng lượng sạch đang trở thành xu hướng mạnh mẽ tại khu vực, khi mà nhu cầu năng lượng dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Ở cấp độ toàn khu vực, ASEAN đã đặt mục tiêu là đảm bảo 23% nguồn năng lượng sơ cấp sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế, đến năm 2050, các nước Đông Nam Á có thể giảm tới 160 tỷ USD chi phí năng lượng nhờ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Và hiện nay, cả khu vực đang tăng tốc để chuyển đổi xanh.

Nhà máy điện sạch kết hợp giữa năng lượng mặt trời và thủy điện tại Thái Lan – một trong các nỗ lực của ‘xứ sở chùa Vàng’ nhằm chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Ông Prasertsak Cherngchawano - Phó Thống đốc Cơ quan Phát điện Thái Lan:  "Ở đây có 144 nghìn tấm pin mặt trời được lắp đặt, diện tích tương đương 70 sân bóng đá. Công suất tại Nhà máy này là 45 MW kết hợp giữa thủy điện và điện mặt trời. Đây là dự án đầu tiên và là dự án lớn nhất trên thế giới".

Thái Lan hiện có công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trên 15 GW, đóng góp khoảng 1/3 tổng lượng điện năng. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 63 GW, chiếm 39% thị phần vào năm 2030. Mục tiêu của Thái Lan là trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha: "Thái Lan sẽ tăng cường các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu để đất nước chúng tôi có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cũng như mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2065".

Các quốc gia Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh. Malaysia đặt mục tiêu đưa công suất lắp đặt năng lượng tái tạo đạt 40%, tương đương 18 nghìn MW vào năm 2035. Hiện con số này là hơn 8 nghìn MW, khoảng 23% tổng công suất điện. Cùng với đó, Malaysia đang có kế hoạch xây dựng 3 hòn đảo năng lượng xanh, sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.

Indonesia cũng đã công bố lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Từ năm 2030, công suất điện bổ sung của Indonesia sẽ chỉ đến từ các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong khi các nhà máy điện hạt nhân sẽ hòa mạng lưới điện quốc gia vào năm 2049.

Bà Retno Marsudi - Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia: "Chuyển đổi năng lượng không phải là một lựa chọn, mà là một điều cần thiết đối với Indonesia. Do đó, cần có sự hợp tác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, thông qua đầu tư và chuyển giao công nghệ".

Đáng chú ý, Việt Nam hiện là quốc gia đi đầu về chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á, dẫn đầu khối cả về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió, điện mặt trời, chiếm 27% tổng công suất. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam đạt hơn 76 nghìn MW, tỉ trọng các nguồn điện sạch trong cơ cấu nguồn điện đã đạt 65,6% tổng công suất.

Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã tham gia liên minh cam kết loại bỏ sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy điện than. Cụ thể, sau năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới và từng bước loại bỏ các nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu. Việc phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng hóa thạch sẽ giúp nước ta hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Năng lượng tái tạo là nguồn phát điện giá rẻ nhất ở Australia Năng lượng tái tạo là nguồn phát điện giá rẻ nhất ở Australia

VTV.vn - Các nhà khoa học Australia đã phát hiện rằng, gió và mặt trời là các nguồn phát điện rẻ nhất, ngay cả khi tính gộp các chi phí liên quan như lưu trữ và truyền phát điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước