Bước chân lịch sử!
Khoảng 9h30 sáng nay (theo giờ Hàn Quốc), bán đảo Triều Tiên đã diễn ra một sự kiện lịch sử khi ông Kim Jong-un bước qua biên giới sang Hàn Quốc, bắt đầu cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Khoảnh khắc lịch sử ông Kim Jong-un bước qua biên giới sang Hàn Quốc, bắt đầu cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều (Video: Reuters)
Khoảnh khắc Tổng thống Moon Jae-in bước qua giới tuyến quân sự để sang phía bắc tại Khu phi quân sự liên Triều không nằm trong kế hoạch, phủ tổng thống Hàn Quốc Nhà Xanh ra tuyên bố cho biết. Tuy nhiên, trong một cử chỉ đầy thiện chí, Tổng thống Moon đã bước sang phía bắc cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rồi hai người cùng bước trở lại phía nam, nơi hội nghị thượng đỉnh diễn ra.
Đây là lần đầu tiên sau 65 năm, một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Cuộc gặp lịch sử này đánh dấu sự hòa hoãn mới giữa hai miền Triều Tiên sau nhiều năm căng thẳng với việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa. Đây là kết quả mới nhất của các nỗ lực kiên định hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2017.
Khoảnh khắc bắt tay lịch sử của hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều (Ảnh: Reuters)
Sau nghi lễ chào hỏi, duyệt binh, hay ký sổ lưu niệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau đó đã bước vào phòng họp kín tại Nhà Hòa bình.
Kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiên?
Người dân hai miền Hàn Quốc và Triều Tiên hoàn toàn có lý do để mà hy vọng vào một kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký sổ lưu niệm (Ảnh: Reuters)
Điều này đã được thể hiện ngay trong thông điệp mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để lại khi ký sổ lưu niệm.
"Một trang sử mới đã bắt đầu từ nay - từ điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình", ông Kim Jong-un viết.
Trước đó để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã có những động thái thiện chí nhằm gia tăng không khí hòa giải.
Theo đó vào ngày 21/4, ông Kim Jong-un tuyên bố nước này sẽ không tiếp tục thử vũ khí và tập trung vào phát triển kinh tế.
"Chúng ta không cần thực hiện thêm bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân hay thử nghiệm tên lửa tầm trung, tầm xa hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nữa", lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói trong cuộc họp với đảng cầm quyền, KCNA ngày 21/4 đưa tin.
Tiếp đến ngày 23/4, Hàn Quốc cho biết sẽ ngừng các chương trình phát thanh tuyên truyền dọc biên giới với Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: Việc ngừng phát thanh tuyên truyền nhằm giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên và tạo bầu không khí cho đối thoại hòa bình trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiên sắp sửa được mở ra? (Ảnh: Korea Summit Press)
Theo chương trình nghị sự cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 này, hai bên sẽ bàn thảo các vấn đề rất quan trọng như: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng; cải thiện quan hệ song phương, giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, vấn đề các gia đình ly tán, thúc đẩy các dự án hợp tác, ngoại giao nhân dân; và các vấn đề liên quan khác.
Có không ít sự khác biệt mà hai bên cần phải tháo dỡ để đi đến sự thành công cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhưng với liên tiếp các động thái thiện chí từ hai bên trong thời gian qua, cũng như cuộc gặp lịch sử diễn ra trong sáng nay, người Hàn Quốc và Triều Tiên có lý do để tin vào một kỷ nguyên mới sắp sửa được mở ra.
Cuộc gặp gỡ lịch sử nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế
Ngay sau khi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu cuộc gặp lịch sử ngày 27/4, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng cuộc gặp liên Triều sẽ đạt tiến bộ về hòa bình và thịnh vượng cho toàn bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của hai miền Triều Tiên. Theo quan chức này, Moskva đang nỗ lực hết sức để góp phần vào việc tìm ra giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Từ Nhật Bản, phát biểu tại họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng sẽ thảo luận "tích cực" về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc tại Triều Tiên. Ông "hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực để có được cuộc hội đàm hôm nay", đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng "đây sẽ là cuộc thảo luận nghiêm túc giữa hai nhà lãnh đạo".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!