"Cái giá" Nhật Bản phải trả cho việc chủ quan trước COVID-19

Như Anh (Nguồn: Bloomberg, NHK, Japan Times, Reuters)-Thứ hai, ngày 03/08/2020 16:18 GMT+7

VTV.vn - Sau những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, Nhật Bản đang phải đối mặt với thực tại khắc nghiệt của dịch COVID-19 khi mỗi ngày có hơn 1.000 ca nhiễm mới.

Quốc gia Đông Á này được dư luận quốc tế nể phục khi kiểm soát làn sóng đầu tiên của COVID-19 mà không phải dùng đến những biện pháp như phong tỏa xã hội hay xét nghiệm diện rộng. Thậm chí, Nhật Bản còn không yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa tạm thời.

Đây được gọi là "mô hình Nhật Bản". Bộ trưởng Tài chính của nước này còn cho rằng, chính "tiêu chuẩn văn hoá" cao đã góp phần giúp cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Nhưng hiện tại, Nhật Bản đang phải đối mặt với một làn sóng tái bùng phát dữ dội của dịch bệnh COVID-19, khi mà mỗi ngày qua đều ghi nhận số lượng ca nhiễm mới cao kỷ lục. Những ca nhiễm mới đầu chỉ tập trung ở thủ đô Tokyo, giờ đã lây lan ra những khu vực ngoại thành khác. Có những địa phương hàng tháng trời sạch dịch, giờ lại trở thành những điểm nóng mới về số ca nhiễm.

Và nghiêm trọng hơn, nếu trong làn sóng đầu tiên, các ca nhiễm chủ yếu nằm trong dân số trẻ - những người có khả năng hồi phục tốt hơn - thì bây giờ, bắt đầu ghi nhận hiện tượng lây lan trong những người cao tuổi. Đây là mối lo lớn vì Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản đã quá chú trọng đến việc bảo vệ nền kinh tế và đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang vật lộn với những làn sóng lây nhiễm mới, Nhật Bản đang có nguy cơ trở thành một ví dụ cảnh báo điển hình cho những hậu quả gì sẽ xảy ra khi một quốc gia quá nôn nóng quay trở lại trạng thái bình thường và không chịu thay đổi cách ứng phó khi làn sóng lây nhiễm mới ập đến.

Cái giá Nhật Bản phải trả cho việc chủ quan trước COVID-19 - Ảnh 1.

Nhật Bản ghi nhận thêm hơn 1000 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 mỗi ngày

Hồi tháng 4, khi Nhật Bản công bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, chính quyền vẫn không yêu cầu người dân ở nhà, còn các doanh nghiệp, cửa hàng vẫn được phép mở cửa. Tình trạng khẩn cấp này cũng chỉ kéo dài được hơn 1 tháng và kết thúc vào cuối tháng 5.

Ngay lập tức, giới chức khuyến khích mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế, đặt mục tiêu hồi sức cho nền kinh tế đang lâm vào cảnh suy thoái. Tới tháng 6, các nhà hàng, quán bar đã hoàn toàn mở cửa, trong khi các sự kiện như đấu bóng chày hay sumo cũng hoạt động trở lại. Điều này tạo nên một sự tương phản rõ rệt khi đặt cạnh những quốc gia như Singapore, nơi mở cửa từng bước theo giai đoạn một cách cẩn trọng.

Các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản đã quá vội vàng.

"Đây là hệ quả của việc chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên hoạt động kinh tế, và cho phép người dân di chuyển thoải mái và lơ là việc kiểm soát các ca lây nhiễm" - giáo sư Yoshihito Niki, chuyên ngành bệnh truyền nhiễm tại trường Y Dược thuộc Đại học Showa.

Một nhóm các chuyên gia chống dịch đợt đầu thành công và được tán dương, cũng đã bị giải tán sau một loạt các rối ren chính trị. Cùng thời điểm, một chiến dịch khuyến khích người dân đi du lịch nội địa trở lại cũng bắt đầu. Ngay lúc đó, các ca nhiễm đột nhiên tăng vọt.

Một chiến lược triệt để

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới - như Hong Kong (Trung Quốc), Australia và Việt Nam - sau khi được ca ngợi là khuôn mẫu điển hình cho việc kiểm soát dịch bệnh đợt đầu. Nhiều quốc gia khác bây giờ mới bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm đợt đầu đã nhìn vào những mô hình chống dịch trên để noi theo, hay tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19, như Mỹ chẳng hạn.

Cái giá Nhật Bản phải trả cho việc chủ quan trước COVID-19 - Ảnh 2.

Những quán bar, quán nhậu, hộp đêm hay karaoke là những nơi không thể áp dụng các biện pháp giãn cách và phòng ngừa virus một cách triệt để

Có rất nhiều yếu tố chỉ dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới tại Nhật Bản, theo các chuyên gia y tế cộng đồng. Tình trạng khẩn cấp toàn quốc có thể đã được dỡ bỏ quá sớm, trước khi số lượng ca nhiễm thực sự đã thuyên giảm. Điều này gián tiếp ảnh hưởng tới kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, khi mà giới chức Nhật Bản thực sự đã lúng túng khi các ca nhiễm mới được ghi nhận tại các hộp đêm vào cuối tháng 6.

Khi các ca nhiễm mới tăng lên, giới chức Nhật liên tục xoa dịu dư luận bằng cách hạ thấp độ nguy hiểm của dịch bệnh trong các bài phát biểu và khăng khăng rằng các ca nhiễm này sẽ được khoanh vùng trong các khu vực giải trí kinh doanh về đêm.

"Chính phủ đáng ra nên có một chiến lược triệt để hơn để kiểm soát tình trạng lây nhiễm một cách nhanh chóng nhất có thể" - trích dẫn lời giáo sư Kenji Shibuya thuộc trường đại học King’s College London, đồng thời là cựu giám đốc chính sách y tế tại WHO.

"Cả Hong Kong (Trung Quốc) và Australia đã hành động rất nhanh chóng và họ đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh càng nhanh càng tốt, bằng cách mở rộng quy mô xét nghiệm và thực hiện triệt để giãn cách xã hội, trong đó có biện pháp phong tỏa từng địa phương. Nhật Bản thì lại chỉ ngồi chờ đợi và xem diễn biến như thế nào, điều này sẽ chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn".

Cái giá Nhật Bản phải trả cho việc chủ quan trước COVID-19 - Ảnh 3.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản ghi nhận vào ngày 30/7 (Nguồn: NHK)

Trong suốt 5 ngày qua, mỗi ngày Nhật Bản đều ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó có 2 ngày ghi nhận hơn 1.500 ca. Hồi dịch mới bùng phát đợt 1 vào tháng 4, mỗi ngày Nhật Bản chỉ ghi nhận ít nhất 700 ca.

Mặc dù Nhật Bản phát hiện ra rất sớm so với các nước phương Tây khác, rằng virus có thể lây qua giọt bắn, và đã khuyến nghị người dân tránh xa các nơi đông người và không thông thoáng khí. Nhưng điều này không đủ để thay đổi thói quen của người dân một khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ. Mặc dù mọi người vẫn đeo khẩu trang nghiêm túc, nhưng làn sóng lây nhiễm mới này lại chủ yếu có nguồn gốc từ những sự kiện như ăn nhậu, tụ tập đông người với nhau.

Khác với New Zealand, chính phủ Nhật Bản không bao giờ đề cập tới chuyện loại bỏ hoàn toàn virus. Các chuyên gia động viên người dân chấp nhận một trạng thái bình thường mới, khi mà con người ta phải sống chung với virus. Nhưng thông điệp truyền đi từ trung ương và chính quyền địa phương lại rất khác nhau. Giới chức địa phương rụt rè hơn trong việc khuyến khích người dân du lịch, trong khi Tokyo lại cổ động cho việc này, và tới giờ 2 bên đang tranh cãi xem lỗi là của ai.

Chính phủ tiếp tục đưa ra quan điểm rằng tình hình hiện tại rất khác với đợt đầu. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh vào cuối tuần qua rằng thiết lập tình trạng khẩn cấp mới là không cần thiết. Tỷ lệ tử vong ở Nhật Bản vẫn thấp so với hầu hết các quốc gia, và quan trọng nhất là hệ thống y tế vẫn chưa bị quá tải. Trên cả nước chỉ có ít hơn 100 bệnh nhân đang trong chăm sóc đặc biệt do COVID-19.

Nhưng đó là câu chuyện trong bệnh viện. Còn ngoài kia, tình trạng lây nhiễm vẫn chưa dừng lại.

"Bệnh viện có thể chữa trị cho các bệnh nhân đã nhiễm" - theo ông Koji Wada, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Tokyo - "Nhưng chỉ có chính phủ, cùng với các biện pháp y tế cộng đồng, có thể giảm thiểu được số ca lây nhiễm mới".

Khi ông Shigeru Omi, trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ, đưa ra cảnh báo rằng chưa nên thúc đẩy người dân đi du lịch nội địa, ông đã bị lờ đi. Chiến dịch "Go To Travel" sau đó biến thành một cơn ác mộng, khi người dân ngoại ô Nhật Bản phẫn nộ vì họ lo ngại rằng những du khách ở thành phố sẽ đem mầm bệnh đến địa phương họ. Kết quả là Tokyo đã bị loại khỏi chiến dịch này vào phút cuối.

"Cơ hội cuối cùng"

Chiến dịch thúc đẩy du lịch nội địa đã góp phần đẩy nhanh tốc độ lây lan như thế nào? Câu trả lời có thể sẽ mất nhiều tuần vẫn chưa thể tìm ra. Nhưng các chuyên gia hiện đang lo lắng hơn về dịp lễ Obon truyền thống vào giữa tháng 8, khi mà rất nhiều thanh niên Nhật Bản quay về quê nhà để tưởng nhớ những người đã khuất và dành thời gian bên người thân đã lớn tuổi.

Dù vậy, đã bắt đầu có những tín hiệu tốt. Giới chức nhiều địa phương đã trở nên thận trọng hơn trong việc mở cửa nền kinh tế. Osaka đã yêu cầu người dân hạn chế tụ tập ăn uống hơn 5 người. Tại Tokyo, các nhà hàng, quán bar và quán karaoke đã được yêu cầu phải rút ngắn thời gian hoạt động trong ngày. Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đã cảnh báo về một tình trạng khẩn cấp mới cho thủ đô. Okinawa đã sớm ban bố tình trạng này.

"Chính phủ chưa đưa ra một chỉ thị tập trung nào rõ ràng về việc ứng phó với dịch bệnh, và đang đùn đẩy trách nhiệm cho các chính quyền địa phương" - theo ông Haruka Sakamoto, một nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng tại trường Đại học Tokyo - "Những lúc bình thường, quyền lực tập trung hết về chính phủ, còn chính quyền địa phương có rất ít tiếng nói".

Nhiều người cho rằng các bước đi trên cũng chưa đủ hiệu quả. Ông Haruo Ozaki, trưởng Hiệp hội Y tế Tokyo, đã đề xuất chính phủ nên xem lại chính sách để có thể hợp pháp hóa việc yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa.

"Đây là cơ hội cuối cùng của chúng tôi để kiểm soát sự lây lan của COVID-19" - ông Ozaki nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước