Đám cháy rừng bùng cháy gần đường dây điện ở Malibu, bang California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hạn hán và cháy rừng khiến bang California (Mỹ) không còn nhiều lựa chọn khác để duy trì các hoạt động.
Trong nhiều năm qua, bang California đã tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất ấm lên. Tuy nhiên, các bang của Mỹ như California và Texas đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể về nguồn cung cấp điện lưới trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm nguồn cung điện trên toàn thế giới đã buộc các quốc gia phải tăng cường sử dụng than đá và những nhiên liệu hóa thạch khác để duy trì nguồn cung cấp điện.
Năm nay, bang California đã dựa nhiều hơn vào các nhà máy sản xuất điện chạy bằng khí đốt vì hạn hán khắc nghiệt đã dẫn đến thực trạng suy giảm hơn một nửa sản lượng điện từ thủy điện. Trong khi đó, các trận cháy rừng thường xuyên xảy ra đã khiến việc chuyển điện năng từ các bang khác tới California bị gián đoạn.
Tuần này, các cơ quan quản lý của bang California có thể tiến thêm một bước nữa trong việc tăng cường sử dụng khí đốt, khi các cơ quan quản lý tiện ích xem xét đề xuất nhằm tăng lượng khí đốt tại Aliso Canyon, cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất tại bang này. Cơ sở Aliso Canyon đã trải qua một vụ rò rỉ khí đốt kinh hoàng kéo dài trong nhiều tháng vào năm 2015 và chính quyền Mỹ đang xem xét đóng cửa vĩnh viễn cơ sở này.
Tình trạng hạn hán kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất và cung cấp điện ở bang California. (Ảnh: AP)
Ủy ban Tiện ích Công cộng (PUC) của bang California sẽ bỏ phiếu biểu quyết trong ngày 4/11 (theo giờ địa phương) về việc có nên mở rộng kho dự trữ khí đốt tại cơ sở ở khu vực Los Angeles thuộc sở hữu của Southern California Gas Co (SoCalGas) hay không. Công suất tại địa điểm này đã bị giới hạn ở mức 34 tỷ feet khối sau vụ rò rỉ, và các đề xuất sẽ cho phép tăng công suất lên 21% hoặc 100%.
Giá khí đốt tự nhiên đã tăng trên toàn thế giới do nhu cầu toàn cầu tăng trở lại nhanh hơn dự đoán sau các đợt đóng cửa do đại dịch COVID-19 gây ra. Và tình trạng thiếu hụt năng lượng này đã buộc các công ty ở châu Âu và châu Á phải cạnh tranh để xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Nguồn cung cấp khí đốt đã bị thắt chặt ở vùng Nam California trong nhiều năm qua do hạn chế về đường ống và giảm khả năng cung cấp của cơ sở Aliso Canyon, dẫn đến việc số lượng các máy phát điện giảm đi và người tiêu dùng phải mua điện với giá cao hơn.
Các nhóm hoạt động môi trường muốn đóng cửa hoàn toàn cơ sở Aliso Canyon và phản đối đề xuất trên.
"Thay vì theo đuổi các giải pháp năng lượng sạch có thể loại bỏ hoàn toàn nhu cầu đối với cơ sở Aliso Canyon, bang California đang đề xuất mở rộng cơ sở nguy hiểm này, khiến cộng đồng có nguy cơ cao hơn phải hứng chịu một vụ rò rỉ thảm khốc khác", Alexandra Nagy, Giám đốc Food & Water Watch của bang California cho biết.
Số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, tỷ lệ đóng góp của thủy điện vào việc sản xuất điện sẽ giảm xuống chỉ còn 5% vào năm 2021, từ mức trung bình trong 5 năm là 12%, trong khi năng lượng tái tạo phi thủy điện, chủ yếu là gió và năng lượng mặt trời, dự kiến sẽ tăng lên 37%.
Trong khi đó, các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ cung cấp khoảng 45% sản lượng điện được tạo ra ở bang California trong năm nay, tăng so với mức trung bình 5 năm (2016 - 2020) là 41%, theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!