Châu Âu tính giải pháp lâu dài cho nguồn cung khí đốt

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 07/10/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một giải pháp được Ủy ban châu Âu (EC) tính tới là thiết lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của toàn châu Âu.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung ngày càng trầm trọng đã khiến giá khí đốt đạt mức kỷ lục mới tại châu Âu. Riêng trong năm nay, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã tăng 500%. Điều này gây lo ngại về nguồn cung nhiên liệu và an ninh năng lượng của châu Âu, đặc biệt khi mùa đông đang đến gần.

Giá khí đốt ở châu Âu ngày 5/10 đã đạt kỷ lục mới 1.300 USD/1.000 mét khối trong bối cảnh mức lưu trữ khí đốt tại các cơ sở ở châu Âu tính đến tháng 9 đã trở nên thấp lịch sử. Giá khí đốt tăng cao một phần là do nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Châu Âu lại phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu, chủ yếu đến từ Nga, Algeria và Libya. Một phần còn lại được vận chuyển đến châu Âu bằng tàu biển từ Mỹ, Qatar.

Tuy nhiên, năm nay hệ lụy từ chi phí vận tải đường biển tăng cao, cộng hưởng với nhu cầu năng lượng tăng vọt ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil đã khiến nguồn cung cho thị trường năng lượng châu Âu trở nên khan hiếm, đẩy giá tăng cao.

Châu Âu tính giải pháp lâu dài cho nguồn cung khí đốt - Ảnh 1.

Giải pháp lâu dài cho nguồn cung khí đốt

Khí đốt tăng cao cũng đồng nghĩa hóa đơn tiền điện trong mùa đông sắp tới cũng tăng, điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp đang chật vật tìm cách phục hồi hậu dịch bệnh.

Trước tình hình này, ba ngày qua EU đã có 2 cuộc họp ở các cấp để tìm giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung, bắt đầu bằng việc tìm phương án giảm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu.

Phát biểu từ Hội nghị thượng đỉnh tại Slovenia, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen thừa nhận, tình trạng giá khí đốt tại châu Âu đang bị đẩy lên cao, trong bối cảnh nhu cầu về khí đốt trên toàn cầu đang tăng mạnh. Bà Ursula nhấn mạnh, EU cần đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, qua đó có thể giúp liên minh này bớt phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu, đồng thời có thể bình ổn giá năng lượng.

Một giải pháp được tính tới là thiết lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của toàn châu Âu. Bà Ursula Von Der Leyen nói: "Trong ngắn hạn, tôi nghĩ là chúng ta sẽ tiến hành thảo luận về việc làm thế nào để xây dựng nguồn dự trữ, cũng như kho dự trữ chiến lược và chúng ta sẽ xem xét theo cơ cấu giá tổng thể của thị trường điện. Bởi giá điện cao là do giá khí đốt cao. Chúng ta còn có nguồn năng lượng rẻ hơn nhiều, ví dụ như năng lượng tái tạo".

Châu Âu tính giải pháp lâu dài cho nguồn cung khí đốt - Ảnh 2.

Hiện tại giá khí đốt ở châu Âu tăng cao khiến các nhà máy phát điện chuyển sang dùng than đá thay thế, dẫn tới lượng phát thải CO2 tăng cao. Trong khi đó châu Âu lại áp dụng thuế đối với phát thải CO2 để bảo vệ môi trường. Chi phí cho thuế CO2 tăng cao do sử dụng than nhiều khiến giá điện thành phẩm tăng, tạo thành vòng luẩn quẩn trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Khi đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch, giá khí đốt tăng vọt có nguy cơ trở thành lực cản đối với các nền kinh tế của châu Âu. Trước mắt, mỗi nước đang có cách giải quyết riêng. Như tại Pháp, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, sẽ tạm dừng việc tăng giá khí đốt và hoãn kế hoạch tăng giá điện để giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng. Chính phủ Pháp đã kêu gọi đánh giá lại thị trường khí đốt và điện năng của châu lục này và đưa ra phản ứng phối hợp cấp độ khu vực.

Giá khí đốt lên mức kỷ lục do thời tiết lạnh ở châu Á Giá khí đốt lên mức kỷ lục do thời tiết lạnh ở châu Á

VTV.vn - Giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã nhảy lên mức cao kỷ lục do thời tiết mùa đông ở châu Á lạnh hơn dự kiến giữa lúc nguồn cung bị hạn chế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước