Để đối phó với khô hạn được cảnh báo là nghiêm trọng trong mùa khô tới đây, Chính phủ Campuchia đã quyết định ngừng không cho nông dân sản xuất toàn bộ diện tích lúa trong mùa khô sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân.
Trên dòng sông Mekong, trên địa phận tỉnh Kandal, mặc dù chỉ mới cuối tháng 11 Dương lịch nhưng mức nước đã xuống rất thấp, trơ cát giữa dòng sông. Theo nhà sư Ret Phisach (chùa Keo Moni Kuth, tỉnh Kandal), đây là hiện tượng chưa từng thấy trong 20 năm qua.
Nhà sư Ret Phisach nói: "Theo sư thấy, mức nước năm nay xuống khác thường. Từ khi tới ở chùa này vào năm 2002, sư mới thấy năm nay mức nước xuống thấp kỳ lạ nhất, nước rút xuống rất nhanh và thấp nhất so với mọi năm".
Trong vụ lúa Đông Xuân năm nay, Campuchia xuống giống khoảng 500.000ha. Hiện nay, trên một số cánh đồng, nông dân bắt đầu lo lắng về việc thiếu nước tưới, mặc dù thời gian đến thu hoạch còn từ 1 - 2 tháng.
Anh So Tri, nông dân tỉnh Kampong Cham, nói: "Bây giờ người nào mới xuống giống đều rất lo lắng về việc bị thiếu nước, nhưng lỡ làm rồi biết làm sao đây, cho nên tới đâu tính tới đó, mọi năm đâu có như vậy".
Ngày 21/11, Chính phủ Campuchia đã ra quyết định, sau khi kết thúc vụ lúa Đông Xuân này, tất cả diện tích sản xuất lúa không được phép xuống giống vụ 2 để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, đối phó với khô hạn trong thời gian tới.
Mực nước sông Mekong tại Phnom Penh đo được trong ngày 18/11/2019 vừa qua là 3,34m, thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm khoảng 2m. Ở Biển Hồ tại Campuchia, nơi điều phối khoảng 40% nước cho ĐBSCL của Việt Nam, hiện mức nước đã xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2015, năm bắt đầu dẫn đến khô hạn lịch sử trong mùa khô 2015 - 2016, khiến cho xâm nhập mặn vào sâu ở ĐBSCL, gây thiệt hại nghiêm trọng đến mùa màng và sản xuất của bà con nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!