Khu công nghiệp chung Kaesong. (Ảnh: Yonhap)
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 26/11 đưa tin, quân đội nước này phát hiện binh lính Triều Tiên tháo dỡ một phần đường dây điện nối giữa các trạm truyền tải điện được xây dựng dọc theo đường Gyeongui kể từ 24/11. Nhưng đến thời điểm này, Triều Tiên vẫn chưa phá bỏ các trạm truyền tải điện không còn hoạt động.
Hàn Quốc đã xây dựng 48 trạm truyền tải điện, bao gồm 15 trạm trên lãnh thổ Triều Tiên, để cung cấp điện cho khu công nghiệp chung Kaesong.
Nhưng nguồn cung điện cho khu công nghiệp chung Kaesong đã đóng băng kể từ tháng 6/2020, khi Triều Tiên phá nổ văn phòng liên lạc liên Triều tại khu vực và chỉ trích Hàn Quốc vì không ngăn chặn tình trạng gửi tờ rơi chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập năm 2004, tại đây có hơn hơn 120 công ty của Hàn Quốc tuyển dụng 54.000 lao động người Triều Tiên. Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong vào tháng 2/2016 nhằm đáp trả các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Khu công nghiệp này từng được coi là một trong những biểu tượng rõ rệt nhất của sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.
Căng thẳng liên Triều gia tăng khi Triều Tiên xóa bỏ dấu vết thống nhất sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un định nghĩa Hàn Quốc là "quốc gia thù địch" vào cuối năm ngoái.
Triều Tiên đã cho nổ tung một phần đường Gyeongui và Donghae phía bắc Đường phân giới quân sự (MDL) vào hôm 15/10, một động thái được coi là nhấn mạnh cam kết cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Kể từ đó, Triều Tiên đã tháo dỡ đèn đường và lắp đặt mìn dọc theo bên đường Gyeongui và Donghae, cũng như triển khai quân đội để xây dựng các rào chắn chống tăng và gia cố hàng rào thép gai bên trong Khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên.
Tháng 10 vừa qua, Triều Tiên đã cho nổ tung một phần của hai con đường sau khi quân đội nước này công bố kế hoạch "tách biệt hoàn toàn" lãnh thổ Triều Tiên khỏi Hàn Quốc.
Quân đội Hàn Quốc ngày 9/11 cho biết Triều Tiên đã tiến hành các cuộc tấn công gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS), ảnh hưởng đến một số tàu thuyền và hàng chục máy bay dân dụng.
Trong tuyên bố, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết các vụ tấn công gây nhiễu được tiến hành ở khu vực Haeju và Kaesong của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo các tàu thuyền và máy bay dân dụng hoạt động ở Hoàng Hải cần cảnh giác trước nguy cơ này. Theo JCS, các hoạt động và thiết bị quân sự không bị ảnh hưởng.
Trước đó, ngày 5/11, một vụ tấn công tương tự cũng đã xảy ra. Theo một quan chức JCS, các cuộc tấn công gây nhiễu GPS này yếu hơn so với hồi tháng 5 và tháng 6.
Bà Kim Yo-jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sau đó đã cảnh báo rằng Hàn Quốc sẽ phải trả "giá đắt" vì gửi tờ rơi tuyên truyền qua biên giới.
Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên sống tại Hàn Quốc thả quả bóng bay mang theo tờ rơi tuyên truyền vào ngày 16/2/2013, tại Paju, Hàn Quốc (Ảnh: Getty Images)
Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên đưa tin vào ngày 17/11, bà Kim Yo-jong nói rằng nhiều loại tờ rơi tuyên truyền do Hàn Quốc gửi đã rơi xuống các khu vực gần biên giới phía Nam và thậm chí là ở vùng sâu của Triều Tiên một ngày trước đó.
Bà Kim nhấn mạnh Triều Tiên lên án mạnh mẽ hành động "đáng xấu hổ" của Hàn Quốc, bất chấp những cảnh báo liên tục của Bình Nhưỡng.
Bà Kim nói thêm rằng lãnh thổ bất khả xâm phạm của Triều Tiên đang bị "ô nhiễm" bởi rác thải từ những tờ rơi và phải huy động rất nhiều nhân công để xử lý những chất thải này.
Bà Kim cảnh báo Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt, nói rằng "sự kiên nhẫn của họ có giới hạn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!