Vụ tấn công này là vụ mới nhất trong chuỗi các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia, trong bối cảnh phân cực quyết liệt tại Đức trước các cuộc bầu cử.
Thượng nghị sĩ Berlin và là cựu thị trưởng thành phố này - bà Franziska Giffey - đã bị thương, phải vào viện sau khi một người đàn ông dùng túi chứa một vật cứng đánh vào đầu bà từ phía sau.
Bà Franziska Giffey - thành viên Hội đồng thành phố Berlin, Đức - cho biết: "Tôi sốc và khó chịu khi gần đây chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều cuộc tấn công kiểu này, mọi người bị tấn công vì hoạt động chính trị, lập trường và thái độ của họ. Điều đó ảnh hưởng đến nhiều người, ảnh hưởng đến các chính trị gia ở cấp địa phương, cấp bang, cấp quốc gia và cấp châu Âu".
Cùng ngày bà Giffey bị đánh, cảnh sát đã bắt giữ hai người tại thành phố Dresden, sau khi một thành viên của đảng Xanh bị xô đẩy khi đang dán các áp phích tranh cử, hai áp phích đã bị những kẻ tấn công xé bỏ.
Cảnh sát cho biết trước vụ tấn công, hai nghi phạm được nhìn thấy có mặt trong một nhóm người đứng gần đó và hét lên lời chào kiểu Đức quốc xã.
Những sự cố này xảy ra chỉ vài ngày sau khi một thành viên khác của Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholz bị đá và đánh đập khi dán áp phích tranh cử. Vụ tấn công đã khiến ông này phải chịu phẫu thuật.
Nghị sĩ Matthias Ecke bị bốn kẻ tấn công khi ông đang dán áp phích bầu cử ở Dresden (Ảnh: DPA)
Hôm 7/5, trong một cuộc họp khẩn cấp, lãnh đạo các bang đã kêu gọi cảnh sát bảo vệ các chính trị gia nhiều hơn vì số vụ tấn công bằng lời nói và nhằm vào thân thể đã tăng vọt trước các cuộc bầu cử ở châu Âu và địa phương trong năm nay.
Người phát ngôn công đoàn cảnh sát Benjamin Jendro cho biết, đề cập đến các cuộc tấn công bao gồm lăng mạ và thiệt hại tài sản.
Ông Benjamin Jenro - người phát ngôn Nghiệp đoàn cảnh sát Berlin, Đức - cho biết: "Những con số trong những năm gần đây cho thấy rõ tình hình. Gần 3.000 vụ tấn công chỉ riêng trong năm ngoái và năm nay thậm chí có thể còn nhiều hơn. Bằng cách nào đó người ta chấp nhận rằng văn phòng của đảng nào đó bị tấn công, ai đó đã bị xúc phạm nhưng không có gì thực sự tồi tệ xảy ra, cho đến khi điều cực đoan xảy ra".
Theo dữ liệu của chính phủ công bố vào tháng 1, các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia đã tăng gấp đôi ở Đức, kể từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019. Con số này đã tăng 53% chỉ riêng trong năm 2023 so với năm 2022.
Các chính trị gia cho rằng bạo lực chính trị gia tăng là do sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD, đảng được dự báo có thể giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử cấp bang năm nay.
Hiện tại, Đức cũng đang diễn ra phiên tòa xét xử 27 người bị tình nghi tham gia âm mưu của một nhóm cực hữu nhằm lật đổ chính phủ và thiết lập quyền cai trị của quân đội.
Bà Angela Maass (thành phố Frankfurt) cho rằng: "Một sự chuyển hướng sang cánh hữu! Thực tế là bạo lực đang gia tăng trở lại, gợi nhớ đến những năm 1933, 1930. Tôi thấy thật đáng sợ. Thật khủng khiếp khi tình trạng đó lại xảy ra vào thời điểm này".
Anh Niels Moskalenko - thành phố Frankfurt, Đức - cho rằng: "Tôi nghĩ mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ hơn... Tôi không nghĩ đó chỉ là vấn đề trong chính trị. Tôi nghĩ nó cũng diễn ra ở những lĩnh vực khác, các chủ đề thảo luận và giao tiếp ngày càng trở nên khó khăn, người ta không lắng nghe nữa mà thực chất chỉ nhấn mạnh vào lập luận của họ hoặc nhấn mạnh vào quan điểm của họ, không muốn nghe những lập luận khác".
Bà Karin Kohler (thành phố Frankfurt) nói: "Có quá nhiều người thiếu hiểu biết. Mọi người nên tham gia, tất cả chúng ta cần ra tay, không nhắm mắt khi có chuyện gì đó xảy ra. Đừng chỉ chờ các chính trị gia nói, hãy tự mình gánh chút trách nhiệm".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!