Cảnh báo về tình trạng nhờn kháng sinh tại châu Phi

VTV Digital - TTXVN-Thứ ba, ngày 21/11/2023 19:52 GMT+7

VTV.vn - Ngày 20/11, các cơ quan quốc tế nhấn mạnh, châu Phi cần khẩn trương tăng cường nỗ lực nhằm ngăn tình trạng nhờn kháng sinh (AMR).

Lời kêu gọi được đưa ra tại một sự kiện kỷ niệm Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (WAAW) diễn ra từ ngày 18 - 24/11 tại thủ đô Harare của Zimbabwe.

Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Nigeria, ông Edward Kallon khẳng định châu Phi - nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất do AMR - cần ý chí chính trị toàn châu lục để huy động các nguồn lực cho cuộc chiến AMR và không để ai bị bỏ lại phía sau. Ông Kallon cho biết trong khi tổ chức WAAW 2023, LHQ phối hợp với Liên minh châu Phi (AU) và Chính phủ Zimbabwe kêu gọi cộng đồng tăng cường vận động để cho thấy rõ mối đe dọa AMR ngày càng nghiêm trọng trên khắp lục địa.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định, AMR là 1 trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu. Do đó, chủ đề của WAAW 2023 là "Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc", nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp can thiệp đa ngành để bảo vệ hiệu quả của thuốc kháng sinh.

Theo ông Kallon, việc sử dụng bừa bãi kháng sinh ở nhiều lĩnh vực, trong đó sử dụng cho con người, động và thực vật, cũng như tình trạng thiếu nước sạch, vệ sinh và các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của các chủng kháng thuốc tại châu Phi. Những yếu tố này không chỉ đe dọa sức khỏe, mà cả một số mục tiêu phát triển bền vững then chốt liên quan đến sức khỏe, nông nghiệp, động vật, môi trường và an ninh lương thực.

Tình trạng kháng kháng sinh (AMR) được mô tả là “một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và sự phát triển toàn cầu hiện nay”. Trên toàn cầu, AMR trực tiếp gây ra 1,27 triệu ca tử vong vào năm 2019 và góp phần gây ra thêm 4,95 triệu ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tác động của nó không chỉ giới hạn ở sức khỏe. Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn, năng suất giảm và gia tăng nghèo đói do tình trạng kháng kháng sinh. Nếu không hành động, WHO cảnh báo, điều này có thể khiến GDP toàn cầu giảm tới 3,4 nghìn tỷ USD và đẩy thêm 24 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.

Tại châu Phi, AMR đã trở thành một đại dịch thầm lặng và đã được xác nhận là vấn đề nghiêm trọng hơn các bệnh HIV, sốt rét và lao. Tổng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC châu Phi) Jean Kaseya cảnh báo đến năm 2050, hàng triệu người có thể bị ảnh hưởng. Do đó, ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần cách tiếp cận chặt chẽ, đa ngành, đa lĩnh vực và có sự phối hợp để giải quyết vấn đề trên.

WAAW là sự kiện thường niên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, đồng thời thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt nhất giữa các bên liên quan nhằm góp phần hạn chế sự xuất hiện và lây lan của các tác nhân gây bệnh kháng thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước