Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều rộng mở?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/06/2021 10:16 GMT+7

VTV.vn - Những tín hiệu về khởi động lại các cuộc đối thoại với Triều Tiên đã được phát đi từ phía Mỹ, đó là chuyển động ngoại giao đáng chú ý nhất trong tuần này.

Việc Mỹ đưa ra tín hiệu về vấn đề Triều Tiên cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đã xác định được chiến lược để giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Cụ thể sách lược của Mỹ là gì, khả năng tác động tới tiến trình giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ra sao? Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình như thế nào khi Mỹ có chính quyền mới?.

Triều Tiên chuẩn bị sẵn sàng cho cả đối thoại và đối đầu với Mỹ

Tại Hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 17/6, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh Triều Tiên cần chuẩn bị sẵn sàng cho cả đối thoại và đối đầu với Mỹ, đặc biệt là đối đầu, để bảo vệ phẩm giá và những lợi ích phát triển độc lập của đất nước.

Bình luận về tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi đây là "tín hiệu thú vị", đồng thời cho biết Washington vẫn chờ liên hệ trực tiếp từ phía Bình Nhưỡng để thảo luận về các bước đi thời gian tới.

Hai ngày sau, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Sung Kim tới Seoul, mục đích của chuyến đi nhằm xây dựng một chiến lược chung giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản để nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Ông Sung Kim khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên ở bất cứ đâu, bất kể khi nào mà không cần điều kiện tiên quyết.

Ông Sung Kim nói: "Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung của hai nước trong việc theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại. Chúng tôi ghi nhận tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng liên quan đến việc chuẩn bị đối thoại và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được phản ứng tích cực đối với đề xuất về một cuộc gặp sớm".

Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều rộng mở? - Ảnh 1.

Ông Sung Kim, đặc phái viên mới được bổ nhiệm của Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, trong một thông báo được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng tải, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon đã bác bỏ đề nghị đối thoại từ phía Mỹ. "Chúng tôi thậm chí sẽ không xem xét khả năng có bất cứ liên hệ nào với Mỹ, điều đó chẳng đi đến đâu, chỉ mất thời gian quý báu".

Không chỉ Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và cũng là một quan chức cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên tiếp tục bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Washington.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã tái khẳng định cam kết cố gắng hết sức trong thời gian tại nhiệm còn lại để hồi sinh tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết căng thẳng trong khu vực.

Triều Tiên vẫn xác định Mỹ là kẻ thù số một

Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 diễn ra từ ngày 15-18/6 tại Bình Nhưỡng, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un xác định: Triều Tiên cần chuẩn bị cho cả đối thoại lẫn đối đầu với Mỹ. Ông Kim cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự tự chủ phát triển của Triều Tiên.

Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều rộng mở? - Ảnh 2.

Triều Tiên mắng Mỹ ‘hai mặt’ khi cho Hàn Quốc rộng đường phát triển tên lửa. Ảnh: NYPost

Mặc dù chưa loại bỏ, thậm chí còn coi trọng đối đầu, nhưng dù sao Triều Tiên đã đưa đối thoại vào chương trình nghị sự. Việc làm giảm đối đầu căng thẳng, từng bước xóa bỏ khó khăn lâu dài do vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của Triều Tiên. Đây là sự cụ thể hóa phương châm vừa cứng rắn, vừa hữu nghị với Mỹ được Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên đưa ra hồi đầu năm.

Trước đó, ngày 21/3, Triều Tiên lần đầu phóng thử tên lửa hành trình ra bờ biển phía Tây từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ. Bước đi được cho là nhằm đáp lại các hoạt động tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc, song cũng được nhìn nhận là tín hiệu mới của Triều Tiên gửi tới Mỹ.

Ông Yoo Ho Yeol - Giáo sư danh dự về nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc cho rằng: "Vụ phóng tên lửa là tín hiệu từ Bình Nhưỡng mong muốn có một cuộc đối thoại nghiêm túc. Họ đã kiểm tra xem chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tiếp cận Triều Tiên như thế nào nhưng dường như không hài lòng với điều đó".

Nhìn lại chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng, Đại hội Đảng lao động Triều Tiên lần thứ 8 đã xác định định hướng chung và lập trường chính sách của Đảng về mở rộng và phát triển toàn diện quan hệ đối ngoại. Tuy vậy, trong chính sách của mình, Triều Tiên vẫn xác định Mỹ là kẻ thù số một.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói: "Chúng ta nên đặt trọng tâm các hoạt động chính trị đối ngoại vào việc kiềm chế và khuất phục Mỹ - trở ngại cơ bản đối với sự phát triển của cách mạng Triều Tiên. Cần lưu ý rằng, Mỹ và ý định của họ với Triều Tiên sẽ không bao giờ thay đổi, dù là ai lên nắm quyền".

Chỉ trong 6 tháng, với 3 lần Hội nghị Trung ương, Triều Tiên đã có những điều chỉnh nhất định trong cách tiếp cận với Mỹ. Triều Tiên cho rằng không thể tiếp tục chấp nhận trạng thái Mỹ giữ vai trò chủ đạo tình hình. Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII nêu lên quan điểm ngoại giao chủ động kiến tạo, tăng cường hơn nữa năng lực kiềm chế hạt nhân, gia tăng vị thế đất nước. Phương châm đối ngoại này sẽ tác động ra sao đến đối thoại phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều và tương lai bán đảo Triều Tiên? Đây là điều mà giới phân tích khu vực đang quan tâm tìm kiếm.

Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều rộng mở? - Ảnh 3.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo hôm 7/4 cho biết, Mỹ đang xúc tiến đối thoại phi hạt nhân với Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Tổng thống Biden kiên trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên

Sau một nhiệm kỳ mà Tổng thống Trump đã làm ấm lại các hoạt động đàm phán với Triều Tiên nhưng vẫn chẳng đi đâu, khoảng thời gian 6 tháng vừa qua của chính quyền Biden là thời gian để đội ngũ của Nhà Trắng định hình chiến lược đối phó với Bình Nhưỡng. Xin được nhắc lại rằng, hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên luôn là một thách thức đối ngoại hàng đầu của bất kỳ tổng thống Mỹ nào.

Nếu tình hình quốc tế trong bối cảnh mới đã khiến Triều Tiên điều chỉnh chính sách với Mỹ, thì chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang tìm kiếm một sách lược mới để giải quyết hồ sơ Triều Tiên.

Nếu chính sách với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Obama là kiên nhẫn chiến lược - tức là không đối thoại với Triều Tiên cho đến khi nước này tiến hành các bước đi thực chất để giải đáp chương trình hạt nhân. Thì dưới thời Tổng thống Trump, chính sách Triều Tiên được mô tả là mang tính chất trao đổi và mặc cả.

Còn chính sách Triều Tiên dưới thời Tổng thống Biden được cho là nằm giữa hai thái cực này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng tôi muốn đạt được tiến bộ thiết thực và tăng cường an ninh cho Mỹ và các đồng minh. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng những gì đã thử, những gì hiệu quả và những gì chưa hiệu quả. Phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu khó khăn và Mỹ không có ảo tưởng nào về việc đạt được mục tiêu này".

Thông thường, để tăng lòng tin cũng như tạo không khí và các điều kiện cần thiết cho việc nối lại đối thoại, Mỹ cần nới lỏng các biện pháp trừng phạt tương ứng với các hành động phi hạt nhân hóa của Triều Tiên như ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều rộng mở? - Ảnh 4.

Ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên thêm một năm. Ảnh: AP

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ lại hoàn toàn trái ngược. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ kiên trì các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, theo dõi chặt chẽ các hành vi của Triều Tiên trong việc thực thi lệnh trừng phạt quốc tế.

Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên, ông Sung Kim - người tuần qua đã có chuyến công du Nhật bản và Hàn Quốc. Nhà Trắng đang tham vấn chặt chẽ các đồng minh về các hình thức đàm phán với Triều Tiên và có thể là bàn cả về những và những nhượng bộ với Triều Tiên trong tương lai.

Bình Nhưỡng đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 860 nghìn tấn lương thực

Sau nhiều thập kỷ so găng với Mỹ trong vấn đề hạt nhân, Triều Tiên đã đúc kết được những sách lược ngoại giao phù hợp. Luôn kiên định với mục tiêu cốt lõi và linh hoạt khi cần thiết. Bình Nhưỡng luôn thể hiện được sự chủ động trong đàm phán và những động thái nhằm thu hút sự chú ý của đối phương mà Bình Nhưỡng thực hiện là rất ấn tượng.

Giới quan sát theo dõi tình hình Đông Bắc Á cho rằng, phía Mỹ, nếu muốn có được sự quan tâm thực chất của phía Triều Tiên để khởi động lại đàm phán, thì cần đưa ra những lời hứa hữu hình, ví dụ như ngừng các cuộc tập trận hay nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Các lệnh trừng phạt quốc tế nhiều năm qua đã bóp nghẹt nền kinh tế của Triều Tiên. Dù Triều Tiên đã rất nỗ lực phát huy tính tự chủ, nhưng vẫn bị nhiều khó khăn bủa vây. Vì thế, song song với các giải pháp nhằm tháo gỡ bế tắc trong đàm phán, việc phát triển kinh tế luôn được nước này đặt ưu tiên hàng đầu.

Cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều rộng mở? - Ảnh 5.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp ngày 17/6 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Ảnh: Reuters

Những khó khăn khách quan đã khiến tiến trình phát triển kinh tế của Triều Tiên chưa đạt được mục tiêu như mong đợi. Đây là khẳng định của Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un tại Tội nghị Trung ương lần thứ 3 diễn ra cách đây ít ngày. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế Triều Tiên có cải thiện với tổng sản lượng công nghiệp tăng 25% so với cùng kì, nhưng ông Kim Jong-un cũng thẳng thắn thừa nhận rằng năm 2020, Bộ Nông nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch sản xuất lương thực, khiến tình hình lương thực của người dân hiện nay đang rất căng thẳng.

Theo ước tính của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Bình Nhưỡng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 860 nghìn tấn lương thực trong năm nay. Nguyên nhân được nước này xác định do những trở ngại từ các lệnh trừng phạt, tác động của thiên tai và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Để giải quyết những thách thức này, tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba, Tổng bí thư Kim Jong-un ký và công bố sắc lệnh đặc biệt về việc ổn định đời sống nhân dân, đây là điều hiếm thấy trong lịch sử Đảng Lao động Triều Tiên.

Và để đảm bảo các mục tiêu kinh tế đi đúng kế hoạch, một ủy ban lâm thời về giải quyết các thách thức kinh tế được thành lập vào tháng 2 năm nay. Các cán bộ nhà nước cũng được yêu cầu nâng cao trách nhiệm để mang lại thay đổi đáng kể và tiến bộ về kinh tế trong năm 2021.

Cho đến nay, Triều Tiên không tiết lộ chi tiết về lộ trình phát triển kinh tế, song một số chuyên gia nhận định, nước này sẽ khó tiếp tục đóng cửa biên giới thêm 1 năm nữa, đồng thời sẽ tích cực tìm cách nối lại, thúc đẩy giao dịch thương mại với đối tác quan trọng nhất là Trung Quốc, trong đó có việc xúc tiến hoàn thành 2 khu du lịch Wonsan và Samjiyeon để thúc đẩy dòng chảy ngoại tệ.

Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ 'tại bất kỳ nơi nào và bất cứ lúc nào' Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ "tại bất kỳ nơi nào và bất cứ lúc nào"

VTV.vn - Bộ Ngoại giao Triều Tiên kêu gọi đối thoại trực tiếp với Mỹ "tại bất kỳ nơi nào và bất cứ lúc nào" để đáp lại đề xuất mới của Washington về cuộc đàm phán hạt nhân.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước