Cập nhật dịch COVID-19 sáng 9/5: Thế giới vượt mốc 4 triệu ca nhiễm

P.V-Thứ bảy, ngày 09/05/2020 06:14 GMT+7

VTV.vn - Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 4 triệu ca, trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong do dịch bệnh cao nhất thế giới.

Theo số liệu cập nhật 6h ngày 9/5 (giờ Việt Nam) trên trang thống kê Worldometes, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt qua con số 4 triệu người, chạm mốc 4.005.626 ca bệnh. Trong số đó, có tới 275.664 trường hợp tử vong do dịch bệnh và 1.376.075 trường hợp đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Cập nhật dịch COVID-19 sáng 9/5: Thế giới vượt mốc 4 triệu ca nhiễm - Ảnh 1.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại một số quốc gia trên thế giới (Nguồn: Worldometes)

Khởi đầu từ Trung Quốc, dịch COVID-19 đã lan rộng trên 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế và du lịch của hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Mỹ và một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Anh, Pháp... đang phải gánh chịu sự "hoành hành" của đại dịch khi số người nhiễm bệnh và số ca tử vong do dịch bệnh vẫn tăng lên từng ngày.

Mỹ vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng vì COVID-19

Với hơn 1 triệu người nhiễm COVID-19, chiếm gần 1/4 tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới, Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất trên toàn cầu. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm 26.063 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 1.318.686 ca.

Không chỉ vậy, Mỹ cũng có số trường hợp tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 78.498 trường hợp, tăng thêm 1.570 ca tử vong mới so với 24h trước đó.

Cập nhật dịch COVID-19 sáng 9/5: Thế giới vượt mốc 4 triệu ca nhiễm - Ảnh 2.

Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở New York, Mỹ do dịch COVID-19 (Ảnh: TTXVN)

Một tổ chức y tế công cộng Mỹ dự báo, sẽ có khoảng 75.000 người Mỹ tử vong do tự tử hoặc sử dụng chất gây nghiện, rượu quá liều trong đợt dịch COVID-19. Đây là hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng an ninh mới tại Mỹ do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, số người trở thành vô gia cư tăng, suy thoái kinh tế và những áp lực trong suốt thời gian phải cách ly trong nhà.

Các chuyên gia đã kêu gọi giới chức các địa phương tăng các gói hỗ trợ cho người dân hoặc tăng cơ hội việc làm để giải quyết tình trạng áp lực tinh thần này.

Nga và Brazil ghi nhận thêm khoảng 10.000 ca nhiễm mới

Nga và Brazil liên tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới những ngày qua. Chỉ sau 24h, nước Nga đã phát hiện thêm 10.699 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 187.859 ca. Trong khi đó, Brazil cũng ghi nhận thêm 9.635 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên mốc 145.328 ca.

Mặc dù Nga có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, tuy nhiên, số ca tử vong do dịch bệnh tại xứ sở bạch dương chỉ ở con số 1.723 trường hợp, tăng 98 trường hợp so với 24h trước. Trong khi đó, chỉ trong 1 ngày qua, Brazil đã có thêm 709 ca tử vong mới, nâng số trường hợp tử vong do dịch bệnh tại quốc gia này lên tới 9.897 trường hợp.

Anh tăng mạnh về số ca tử vong mới

Hiện tại, nước Anh đã ghi nhận tổng cộng 211.364 ca mắc COVID-19, chỉ kém một chút so với con số 217.185 ca nhiễm tại Italy. Tuy nhiên, số ca tử vong do dịch bệnh tại Anh đã vượt qua Italy trong những ngày qua, chạm mốc 31.241 ca.

Đáng chú ý là chỉ trong 24h qua, đã có thêm 626 ca tử vong mới do COVID-19 tại Anh. Trong khi đó, con số này tại Italy là 243 trường hợp.

Số người tử vong vì COVID-19 tại châu Phi có thể lên tới 190.000 người

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo, số người tử vong vì COVID-19 tại châu Phi có thể lên tới 190.000 người, nếu các biện pháp ngăn chặn dịch không có tác dụng. Cảnh báo dựa trên cơ sở dữ liệu về 47 quốc gia châu Phi với tổng dân số khoảng 1 tỷ người.

Cập nhật dịch COVID-19 sáng 9/5: Thế giới vượt mốc 4 triệu ca nhiễm - Ảnh 3.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Mamelodi, Nam Phi (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù tốc độ lây lan dịch COVID-19 tại châu Phi chậm hơn so với các quốc gia tại châu Á hay châu Âu, tuy nhiên, các chuyên gia của WHO đã liên tục cảnh báo rằng, lục địa đen rất dễ bị tổn thương nếu đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây do châu lục này có hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, tỷ lệ nghèo đói cao, nhiều khu vực giao tranh và xung đột diễn ra thường xuyên.

WHO nhận định, dịch COVID-19 có nguy cơ đang lan truyền âm ỉ ở các điểm nóng. Tốc độ lây lan chậm hơn cho thấy đợt bùng phát có thể kéo dài hơn, trong vài năm.

Australia lên kế hoạch nới lỏng hạn chế

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, tại Australia, đã có hơn 5 triệu người đăng ký nhận trợ cấp lương và hơn 1 triệu người mất việc phải nhận trợ cấp thất nghiệp, chiếm 7,5% trong tổng số 13 triệu người lao động trên khắp Australia. Ngoài ra, 1 triệu người đã phải rút sớm tiền tiết kiệm hưu trí của mình để trang trải cho các nhu cầu chi tiêu hằng ngày.

Trước tình hình này, ngày 8/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiết lộ kế hoạch nới lỏng các hạn chế để ngăn chặn dịch COVID-19.

Kế hoạch nới lỏng gồm 3 giai đoạn và được dự kiến hoàn thành toàn bộ vào tháng 7. Giai đoạn 1 sẽ cho phép mở lại trường học, tụ tập tối đa 10 người và 5 khách trong 1 nhà, các quán cà phê nhỏ và các cửa hàng bán lẻ cũng được mở cửa trở lại.

Giai đoạn 2 sẽ cho phép tập hợp tối đa 20 người, mở lại các rạp chiếu phim, phòng trưng bày và mở thêm các cửa hàng bán lẻ. Giai đoạn 3 sẽ cho phép tụ tập lên tới 100 người, mở quán rượu và câu lạc bộ và sự trở lại của công nhân tại nơi làm việc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước