Thách thức rác thải nhựa trong mùa dịch COVID-19

Hoài Linh-Thứ sáu, ngày 08/05/2020 14:29 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 đang tạo ra một thách thức lớn trên toàn cầu về vấn đề xử lý rác thải nhựa, khi nhu cầu về thiết bị bảo hộ như khẩu trang hay găng tay tăng mạnh.

Thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) - Gánh nặng cho môi trường

"Những chiếc khẩu trang và găng tay đa qua sử dụng bị vứt đầy bên ngoài nhà tôi. Tại Washington DC những ngày gần đây mưa nhiều, khiến những loại rác thải này nhanh chóng bị cuốn trôi xuống cống, đổ ra sông Anacostia ở vịnh Chesapeake và điểm kết thúc cuối cùng là Đại Tây Dương". Đây là những lời chia sẻ của ông John Hocevar, Giám đốc chiến dịch đại dương thuộc tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace USA.

Thách thức rác thải nhựa trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.
Khẩu trang và găng tay bị vứt trên đường phố đã trở thành một cảnh tượng dễ bắt gặp ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Đại dịch COVID-19 đã làm bùng lên cuộc đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Mọi quốc gia đang gấp rút đẩy nhanh quá trình sản xuất, dự trữ khẩu trang y tế, găng tay, tấm che giọt bắn, áo bảo hộ và thậm chí là cả túi đựng xác. Tất cả đều là sản phẩm thiết yếu trong bối cảnh đại dịch. Xét từ góc độ bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đây là một việc làm cần thiết và an toàn, nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng số lượng lớn sản phẩm này lại làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, vốn đã là một bài toán đau đầu trong nhiều năm nay.

"Chúng ta đều biết rằng ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu. Nó đã tồn tại từ trước khi có đại dịch. Chúng ta cần phải cẩn trọng về việc xử lý vấn đề này sau đại dịch", ông Nick Mallos thuộc tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy cho biết.

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change của Anh vào năm 2019, sản lượng nhựa toàn cầu tăng gấp 4 lần trong gần 40 năm qua, và nếu xu hướng này tiếp tục thì quá trình sản xuất nhựa sẽ gây ra 15% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, bằng với tổng lượng khí thải của mọi phương tiện vận chuyển trên thế giới hiện nay. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khác cũng cảnh báo rằng, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển, và tỉ lệ này ngày càng tăng theo từng năm.

Tuy nhiên, PPE lại đặt ra một thách thức hoàn toàn khác biệt.

"Cấu trúc của PPE khiến những loại sản phẩm này trở nên nguy hiểm đối với đời sống của các loại sinh vật biển. Ví dụ đối với loài rùa biển, chúng có thể nhầm găng tay hay túi nilon thành sứa hoặc một loại thức ăn nào đó. Dây đeo khẩu trang cũng tiềm ẩn những mối nguy lớn", ông Hocevar cho biết. Qua thời gian, những sản phẩm trên sẽ bị phân huỷ một phần, tạo ra lượng lớn hạt vi nhựa trong biển, không khí và thậm chí là đồ ăn hàng ngày. Một điều nguy hiểm hơn, đó là trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa, nhiều công ty thường thêm vào một số loại hoá chất mà có nhiều khả năng là những chất này sẽ được giải phóng khi vào trong cơ thể. Và điều trớ trêu ở đây là, việc cả thế giới đang nỗ lực sản xuất các thiết bị bảo hộ để chống chọi với đại dịch COVID-19, đã vô tình "làm khó" thêm bài toán về rác thải nhựa.

Thách thức rác thải nhựa trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 2.
Số lượng lớn khẩu trang thu gom được trên biển.

"Đảm bảo an toàn sức khoẻ cộng đồng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng chúng ta không thể "làm ngơ" trước vấn đề nổi bật trong cuộc chiến này, chính là rác thải nhựa. Chúng tôi biết rằng nhiều nơi trên thế giới không có khả năng xử lý loại rác thải này, gây hại trực tiếp cho sức khoẻ con người, môi trường và đại dương", ông Hocevar nhận định dựa trên tình hình thực tế, nói thêm rằng dù đã có nhiều người thử nghiệm khử trùng PPE, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể đủ nhanh và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại. "Về lâu dài, chúng tôi mong muốn các thiết bị bảo hộ PPE được sản xuất với nguyên liệu có thể tái sử dụng và khử trùng được", ông nói thêm.

Dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng đồ nhựa - Bước lùi trong nỗ lực giảm rác thải nhựa

Trong khi gánh nặng từ việc sản xuất thiết bị bảo hộ PPE có thể nhìn thấy rõ qua những chiếc khẩu trang, găng tay bị vứt bừa bãi trên đường phố, thì một vấn đề khác dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng khi đặt lên "bàn cân" thì cũng "nặng" không kém gì vấn đề từ PPE. Đó chính là việc dỡ bỏ hoặc tạm ngừng lệnh cấm sử dụng đổ nhựa dùng một lần như một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tại một số nước như Anh hay Mỹ, quy định tính thêm phí đối với người sử dụng túi nilon hay lệnh cấm sử dụng túi nilon cũng đã tạm ngừng. Các nhà bán lẻ tại bang California, Mỹ đã một lần nữa được phép đưa miễn phí túi nilon dùng một lần cho người mua hàng kể từ năm 2016, thời điểm mà lệnh cấm sử dụng túi nilon tại bang này có hiệu lực.

Sắc lệnh mới được công bố bởi Thống đốc bang California Gavin Newsom cách đây 2 tuần nêu rõ: "Điều quan trọng bây giờ là phải bảo vệ sức khoẻ và an toàn cộng đồng, giảm thiểu tối đa nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 đối với những người lao động làm công việc thiết yếu như những nhân viên bán hàng phải tiếp xúc nhiều với các loại túi tái sử dụng". Quyết định này đã được nhiều nhà bán lẻ ở bang California ủng hộ mạnh mẽ. Họ cho rằng các loại túi tái sử dụng có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 với nhân viên bán hàng.

Thách thức rác thải nhựa trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 3.
Luật cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở bang California có hiệu lực vào năm 2016 những đến nay đã phải tạm ngừng.

Điều đáng buồn hơn khi ngành công nghiệp nhựa lại nắm bắt thời cơ này để thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm của công ty mình. "Thật thất vọng khi các nhà sản xuất lợi dụng sợ lo lắng và hoang mang của người dân trong thời kì dịch bệnh để trục lợi". Ông Mallos lo ngại rằng những tin tức hàng ngày về COVID-19 sẽ làm "lu mờ" đi tầm quan trọng của vấn đề về rác thải nhựa trong thời kì dịch bệnh. "Chúng ta bị bão hoà với những tin tức xung quanh đại dịch mà có thể bỏ qua những thông tin khác cũng quan trọng không kém. Có thể ở thời điểm hiện tại việc này không quan trọng, nhưng sớm thôi, nó sẽ trở nên nguy hiểm".

Giãn cách xã hội - Quả bom "rác thải nhựa" nổ chậm

Nhà hoạt động môi trường Lauren Singer sinh sống tại Mỹ, trong suốt 8 năm liền cô không xả bất kỳ đồ nhựa nào ra môi trường, thế nhưng COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn điều này. "Tôi đã phải tự gạt bỏ quy tắc của bản thân và mua các mặt hàng bằng nhựa. Rất nhiều là đằng khác. Tôi đã mua những thứ đồ mà biết rằng không thể tái chế được ở thành phố New York này, hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới", Laura Singer tâm sự trên blog cá nhân của mình.

Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện riêng của một cá nhân, mà là câu chuyện chung của mọi quốc gia trên thế giới.

Tại Thái Lan, lượng rác thải nhựa đã tăng gấp 4 lần trong thời gian giãn cách xã hội, do nhu cầu giao thức ăn, đồ dùng đến tận nhà tăng vọt. Ông Wijarn Simachaya, Giám đốc Viện Môi trường Thái Lan cho biết, chất thải nhựa của nước này hiện đang ở mức khoảng 6.500 tấn/ngày so với mức khoảng 1.500 tấn/ngày trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Thách thức rác thải nhựa trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 4.
Người dân Thái Lan gọi đồ ăn về nhà khi chính phủ bắt đầu các biện pháp giãn cách xã hội.

Xét trên phạm vi toàn cầu, một nhóm các nhà khoa học tại Phòng thì nghiệm Hàng hải Plymouth ở Anh đã sử dụng các hình ảnh thu được từ vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, kết hợp với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện rác thải nhựa trên biển. Sau đó các nhà khoa học đã tạo ra một thuật toán để phân biệt giữa nhựa với các vật thể tự nhiên khác như rong biển với độ chính xác lên tới 86%.

Mặc dù kỹ thuật này không trực tiếp khắc phục được vấn đề ô nhiễm nhựa trên đại dương, nhưng việc có được cái nhìn tổng quát thông qua vệ tinh và thiết bị bay không người lái sẽ cải thiện được việc quan sát và theo dõi rác thải nhựa trên biển, hỗ trợ cho các hoạt động dọn dẹp đại dương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước