Các nỗ lực ngoại giao, các cánh cửa ngoại giao vẫn đang được kỳ vọng sớm mở để dừng chiến sự, hạ nhiệt và tìm lối thoát cho căng thẳng. Lằn ranh đỏ được cảnh báo lâu nay các bên đã không thể giữ. Một diễn biến được đánh giá sẽ tác động không nhỏ, một bước chuyển với cấu trúc an ninh khu vực, và thậm chí cả cục diện chính trị thế giới.
Bên kia "lằn ranh đỏ"
Lằn ranh đỏ, thuật ngữ để chỉ giới hạn, mà một việc không được phép, không nên vượt qua ranh giới này. Câu chuyện "Lằn ranh đỏ" trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã được nhắc đến nhiều, với nhân vật chính là Ukraine và sự mở rộng của NATO về phía Đông. Và rồi tuần vừa qua, súng đã nổ, có lẽ đã có bên thấy rằng giới hạn đặt ra ban đầu đã không thể giữ. Nguyên nhân do đâu và khi không còn lằn ranh đỏ, khi các giới hạn không còn, thì điều gì sẽ tiếp diễn?
Bước ngoặt tại Đông Âu
Ngày thứ tư chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đang giành quyền kiểm soát các khu vực phía bắc Ukraine bên ngoài thủ đô Kiev, bao gồm cả khu vực Chernobyl, khu vực Đông Bắc gồm 2 thành phố Sumy và Konotop, khu vực phía Nam bao gồm Melitopol và Kherson. Tổng thống Ukraine khẳng định khu vực thủ đô vẫn đang được kiểm soát. "Kiev và các thành phố quan trọng xung quanh thủ đô đều nằm dưới sự kiểm soát của quân đội chúng ta".
Xe tăng Nga tiếp cận Kiev. Ảnh: Reuters
Hơn 820 cơ sở hạ tầng quân sự đã bị phá hủy trong 4 ngày diễn ra chiến dịch, theo Bộ Quốc phòng Nga. Nga khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự, không tấn công cơ sở hạ tầng dân cư.
Ông Igor Konashenkov - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nói: "Nga triển khai tấn công bằng những vũ khí tầm xa chính xác trong đó có tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine".
Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang từ cuối 2021. Ngày 21/2, Nga công nhận độc lập Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng.
Ngày 23/2, chính quyền hai nước Cộng hòa tự xưng đề nghị Nga hỗ trợ đảm bảo an ninh. Cũng ngày này, Quốc hội Nga đã trao cho Tổng thống Vladimir Putin quyền triển khai quân đội ở nước ngoài.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu từ hôm thứ Năm 24/2. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ của Ukraine. Các đề nghị đàm phán đã được đưa ra, nhưng chưa đi đến kết quả thực chất, trong khi lực lượng Nga tiếp tục tiến gần về phía thủ đô Kiev.
Phản ứng của các bên về tình hình Ukraine
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp, bỏ phiếu dự thảo nghị quyết yêu cầu Nga dừng các hoạt động quân sự tại Ukraine. Nghị quyết đã không được thông qua do Nga - một trong 5 nước Ủy viên thường trực đã sử dụng quyền phủ quyết.
Phát biểu tại họp báo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên kiềm chế và xuống thang trong vấn đề Ukraine. "Tại thời điểm quan trọng này, tôi kêu gọi ngừng bắn. Tôi kêu gọi các bên kiềm chế trong hành động và phát ngôn để tránh đưa tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Bây giờ là thời điểm để đối thoại, đàm phán".
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên kiềm chế và xuống thang trong vấn đề Ukraine.
Không chỉ nóng bên trong phiên họp của Hội đồng Bảo an, tình hình thực địa tại Ukraine đã thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo thế giới. Phương Tây đã lập tức có phản ứng.
Mỹ, Anh đã thông báo các lệnh trừng phạt, hướng đến các cá nhân và thực thể Nga, đồng thời kiểm soát xuất khẩu nhằm vào Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden: Tôi đã cho phép các lệnh từng phạt bổ sung và những giới hạn mới về xuất khẩu sang Nga. Điều này sẽ áp đặt thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga tức thì và về sau này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson: Chúng tôi sẽ bổ sung hơn 100 cá nhân và thực thể mới vào danh sách chịu các biện pháp phong tỏa tài sản của Anh, bên cạnh hàng trăm cái tên mà chúng tôi đã công bố trước đây. Ngoài ra, Anh cũng sẽ cấm hãng hàng không Aeroflot hoạt động.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhắc lại lời kêu gọi các bên liên quan đến tình hình ở Ukraine, thời điểm này cần kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng.
"Tôi nghĩ lúc này mọi người không nên đổ thêm dầu vào lửa. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ cách dập ngọn lửa này và cho hòa bình một cơ hội".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin và đề nghị Tổng thống Nga dừng ngay lập tức chiến dịch quân sự mà Nga đang tiến hành tại Ukraine và cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề. Đây là sự liên lạc đầu tiên giữa Tổng thống Nga và một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đề xuất hai nước láng giềng Nga và Ukraine tổ chức cuộc đàm phán tại thủ đô Minsk nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong một số tuyên bố vào ngày 25/2, cả phía Ukraine và Nga đều đã có những phát ngôn về khả năng đối thoại giữa nguyên thủ hai nước.
Mục tiêu của Nga là ngăn cản Ukraine trở thành một phần của cấu trúc NATO
Trước đó, Nga đã từng gửi đi 2 nội dung dự thảo thỏa thuận tới phương Tây, trong đó đề cập đến việc đảm bảo vai trò của Nga trong cấu trúc an ninh khi vực. Mục tiêu chính của Nga là ngăn Ukraine không trở thành một phần của cấu trúc NATO. Theo cách này, Tổng thống Putin muốn ở châu Âu hình thành và duy trì một cấu trúc an ninh mới mà theo ý tưởng của ông là cân bằng phù hợp với lợi ích của nước Nga.
Theo nhiều ý kiến từ giới phân tích Nga, thông điệp của Tổng thống Putin đưa ra vào cuối ngày 21/2, sau cuộc họp bất thường với Hội đồng an ninh quốc gia có thể hiểu đã phần nào báo trước cho diễn biến hiện nay, và ở một góc độ nào đó, là cơ sở lý luận cho những hành động tiếp theo của ông. Mục tiêu chiến lược của Nga ở Ukraine đã được hình thành từ lâu và rõ ràng, bản thân Tổng thống Putin đã nhiều lần nói về điều này. Nga cần một Ukraine hòa bình, tự chủ, có quan hệ hữu nghị và mang tính xây dựng với Nga. Và Nga sẽ làm mọi thứ cần thiết để thực hiện điều này.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 3/2 phát biểu tại Điện Kremlin, khẳng định Nga không có ý định phát động chiến tranh. Ảnh: Reuters.
Các chuyên gia Nga cũng tin rằng Nga và NATO vẫn sẽ quay lại tiếp tục thảo luận cụ thể về các đề xuất an ninh và phải tính đến các mối quan tâm của Nga. Tất cả những điểm liên quan đến Ukraine khi đó đều đã có thể đặt sang một bên.
Ukraine có thể bị tách rời khỏi phương Tây?
Giới phân tích châu Âu nhận định sau chiến dịch quân sự hiện nay, dù kịch bản nào xảy ra, Ukraine về cơ bản có thể bị tách rời khỏi phương Tây. Với Nga, kết quả tại Ukraine có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, còn Mỹ và các đồng minh nhận ra việc mình chưa chuẩn bị kỹ cho một trật tự an ninh mới ở châu Âu.
Các tiêu chí về an ninh ở châu Âu sẽ phải giảm xuống, chỉ bảo vệ các thành viên cốt lõi của EU và NATO. Các nước đứng ngoài vòng tròn này phải tự lực cánh sinh, ngoại trừ Phần Lan và Thụy Điển. Lúc này, EU và NATO khó có đủ năng lực thực hiện tham vọng vượt ngoài biên giới của mình. Điều này không đặt dấu chấm hết cho chính sách mở rộng hoặc liên kết nhưng có thể là chính sách trên thực tế của NATO và các nước EU. Mỹ và châu Âu sẽ ở trong tình trạng đối đầu kinh tế thường trực với Nga, khi phương Tây tìm cách thực thi các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Nga.
Tại châu Âu, vị thế của Đức bị thử thách nghiêm trọng do nước này là một cường quốc quân sự dựa trên bản sắc chính trị thời hậu chiến là từ chối tham chiến.
Pháp và Anh sẽ đảm nhận vai trò hàng đầu trong các vấn đề châu Âu, nhờ lực lượng quân sự tương đối mạnh và truyền thống can thiệp quân sự lâu đời của họ. Tuy nhiên, nhân tố quan trọng ở châu Âu vẫn là Mỹ, thành công của Nga ở Ukraine đòi hỏi Mỹ phải dành sự quan tâm nhiều hơn sang châu Âu, đồng nghĩa phải san sẻ sự chú ý, nhiều khả năng sẽ giảm bớt quan tâm tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!