Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters.
Nhà điều hành Facebook đối mặt với các chỉ trích gay gắt ngay từ phút đầu tiên. Các nghị sỹ Mỹ đặt dấu hỏi về sự tin cậy của đồng tiền Libra, vì Facebook thời gian qua dính vào quá nhiều các vụ bê bối. Trong khi đó, dự án tiền số Libra lại liên quan trực tiếp tới các vấn đề về quyền riêng tư, chính sách tiền tệ, an ninh quốc gia cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Bằng thái độ cầu thị, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerburg cố gắng thuyết phục các nghị sỹ Mỹ rằng, tiền số Libra nếu ra đời sẽ giúp giảm chi phí và thời gian cho các thanh toán điện tử hiện nay. Hơn một tỷ người trên thế giới, trong đó có hơn 14 triệu người Mỹ, hiện không có tài khoản ngân hàng sẽ có thể thực hiện giao dịch thanh toán bằng tiền số Libra ngay trên điện thoại.
"Ý tưởng đằng sau đồng tiền số Libra là việc gửi tiền sẽ dễ dàng và an toàn như gửi một tin nhắn vậy. Libra sẽ là một hệ thống thanh toán toàn cầu được đảm bảo đầy đủ bở tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao" - ông Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook nói.
Cầu thị nhưng Mark Zuckerburg cũng không quên cảnh báo các nhà lập pháp rằng, nếu nước Mỹ không đổi mới sẽ sớm mất vai trò lãnh đạo hệ thống tài chính toàn cầu.
Dự án tiền số Libra được điều hành bởi một hiệp hội có trụ sở tại Thụy Sĩ với 21 công ty thành viên mà Facebook chỉ là một trong số đó. Một số công ty lớn như Mastercard, Visa, Paypal hay Ebay mới đây đã rút khỏi dự án tiền Libra này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!