Liệu động thái này có giúp người đứng đầu mạng xã hội số 1 toàn cầu bảo vệ được Libra – dự án tiền số được tập đoàn này đặt kỳ vọng rất lớn?
Hồi tháng 5, tại trụ sở Facebook ở California, David Marcus, người phụ trách mảng ứng dụng nhắn tin và blockchain, đã mở một cuộc họp và bật champagne ăn mừng. "Chúng ta sẽ thay đổi thế giới" – Marcus nói với các thành viên, theo 1 nguồn thân cận chia sẻ với WSJ.
Không khó để hiểu niềm vui của Marcus lúc đó. Sau 2 năm phát triển, ý tưởng đầy hoài bão của ông – một hệ thống tài chính toàn cầu trên nền tảng blockchain, đã định hình. Một dự án Internet.org tiếp theo, nhưng là lĩnh vực tài chính – mang dịch vụ ngân hàng và thanh toán tới hàng tỷ người trên thế giới. Nó cũng rất phù hợp với tham vọng từ lâu của CEO Mark Zuckerberg về một đồng tiền số riêng phục vụ cho mạng xã hội này, điều mà Facebook Credits đã thất bại cách đây 7 năm.
David Marcus, Giám đốc phụ trách mảng blockchain của Facebook điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Nhưng thay đổi thế giới vốn không hề dễ dàng. Sau 5 tháng, Libra – tên gọi của đồng tiền số này, gần như đang bị "trọng thương" trước sự chỉ trích tứ phía, từ Quốc hội, Chính phủ Mỹ và cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tại châu Âu, giới chức nhiều nước đã lên kế hoạch sẽ chặn đường ra thị trường của đồng tiền mật mã này. Nghiêm trọng hơn, Hiệp hội Libra gồm Facebook và nhiều tên tuổi, đã mất đi tới 1/4 số thành viên chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, đưa số phận của Libra vào một dấu hỏi lớn.
Cuộc tháo chạy của các ông lớn ngành thanh toán
Hôm 4/10, Paypal nổ phát súng đầu tiên cho cuộc "đào ngũ" khỏi dự án Libra. Đáng buồn hơn, khi đây cũng là một trong những cái tên đầu tiên tham gia, nhờ mối quan hệ với "người cũ" David Marcus. Một tuần sau, 1 loạt công ty nữa nối bước Paypal: Visa, Mastercard, Stripe, Ebay và Mercado Pago. Cuối cùng là tuyên bố rút lui từ hãng du lịch trực tuyến Booking Holding.
Tất cả đều diễn ra ngay trước cột mốc 14/10 - thời điểm các thành viên Hiệp hội Libra nhóm họp và ký kết một thỏa thuận cụ thể, mang tính ràng buộc về trách nhiệm với đồng tiền mật mã này.
Ít giờ sau khi Visa và Mastercard công bố rời dự án, David Marcus đã đăng tải lên twitter: "Cảm ơn đặc biệt tới Visa và Mastercard, vì đã gắn bó với Libra cho tới phút 89. Áp lực đang ngày càng lớn, và tôi tôn trọng quyết định của họ là chờ đợi đến khi các vấn đề pháp lý của Libra được giải quyết".
(Nguồn: twitter.com/davidmarcus)
Nhưng rõ ràng, Facebook khó có thể đổ lỗi cho các đối tác, khi việc tham gia Libra đang mang đến rắc rối nhiều hơn là lợi ích. Trừ eBay và Booking, những cái tên còn lại rút đi đều nằm trong lĩnh vực thanh toán. Có nghĩa là họ sẽ phải tuân thủ hàng loạt quy định đặc thù về chống rửa tiền, lừa đảo, hay các lệnh trừng phạt tài chính và do đó, dễ bị tác động hơn trước sức ép từ giới chức.
Libra và những quan ngại từ giới chức Mỹ
18/6/2019: Ít giờ sau khi Libra được công bố, chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ Maxine Waters đã yêu cầu Facebook tạm dừng dự án để "Quốc hội và các nhà quản lý xem xét kỹ lưỡng hơn, sau những bê bối bảo mật dữ liệu của công ty này trong quá khứ".
10/7/2019: Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng "Libra mang đến những quan ngại sâu sắc về quyền riêng tư, vấn đề chống rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và an toàn hệ thống tài chính"
12/7/2019: Tổng thống Donald Trump đăng tải trên Twitter rằng Libra "có rất ít độ tin cậy", và Facebook cần "xin giấy phép và tuân thủ quy định về ngân hàng"
15/7/2019: Trong buổi điều trần của Giám đốc mảng blockchain của Facebook David Marcus, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown công kích: "Facebook cứ liên tục đốt nhà rồi lại nói mình sẽ rút kinh nghiệm. Liệu người dân có thể tin tưởng giao tài khoản và tiền của mình cho các vị được không?"
Ngay sau khi dự án Libra được công bố, 2 Thượng nghị sĩ Mỹ, Brian Schatz và Sherrod Brown, đã cùng gửi một bức thư chung tới Visa, Mastercard và Stripe, với lời cảnh báo: "Nếu tham gia, thì các vị sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt, không chỉ liên quan đến Libra, mà cả các hoạt động khác của mình nữa".
Thông điệp là rất rõ ràng: Nếu Libra vướng vào các vấn đề pháp lý, thì những ông lớn thanh toán này sẽ là người đầu tiên bị quy trách nhiệm – một rủi ro mà có lẽ họ không muốn dính vào khi mà đồng tiền số này còn chưa ra thị trường.
Hậu quả của cuộc tháo chạy khỏi Hiệp hội Libra
Ngoài vấn đề uy tín, thì quan trọng hơn, các thành viên Hiệp hội Libra mang đến cho loại tiền mật mã này những lợi ích cụ thể, không dễ dàng thay thế.
Visa và Mastercard, cộng lại đã có hơn 2 tỷ người dùng, cùng một mạng lưới rất rộng lớn những điểm thanh toán trên khắp toàn cầu. Không có 2 ông lớn này chống lưng, sự hiện diện của Libra trong đời sống hàng ngày sẽ trở nên hạn chế hơn nhiều.
Trong khi đó, Paypal và Stripe lại là 2 trong số những cái tên dẫn đầu về giao dịch thanh toán trực tuyến, nhất là với giới thương mại điện tử. Những công ty này mang lại thêm phương thức thanh toán chấp nhận Libra, nhất là với những người dùng và đối tác không tin tưởng các phương thức do Facebook đưa ra – ví Calibra, hay tính năng thanh toán trực tiếp trên Instagram, Messenger và Whatsapp.
Ngay cả một tên tuổi ít biết đến hơn là dịch vụ thanh toán Nam Mỹ Mercado Pago, cũng sẽ giúp Libra tiếp cận sâu hơn với mạng lưới doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với đối tượng người tiêu dùng thu nhập thấp. Trong khi đó, eBay hay Booking lại là những ông lớn về thương mại điện tử và đặt phòng du lịch – một thị trường rộng lớn mà Libra muốn đặt chân vào để có vị thế vững chắc trong thanh toán toàn cầu.
Là người khởi động dự án và cũng bỏ công chiêu mộ các đối tác danh tiếng này, chắc chắn Facebook đang là đối tượng ở vào tình thế khó xử nhất. "Liệu Facebook có thể tiếp tục cuộc chơi rủi ro này?" chắc chắn là câu hỏi lớn nhất hiện nay.
Facebook và bài toán tương lai của Libra
Phản ứng ban đầu của Facebook và Hiệp hội Libra hiện là "án binh bất động" – Cuộc họp của Hiệp hội Libra vẫn tiến hành như dự kiến, và Facebook cùng 20 đối tác còn lại đã ký vào bản thỏa thuận chung cho sự hình thành của liên minh này. Tuy nhiên, các nhà quản lý Libra thừa nhận kế hoạch ra mắt thị trường vào tháng 6 năm sau có thể phải trì hoãn.
David Marcus từng cho rằng, những cái tên đã ra đi vẫn sẽ được chào đón tham gia nền tảng Libra, ngay cả khi không là một thành viên. Nhưng thái độ của họ, và cả những thành viên còn lại, có lẽ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thuyết phục được giới chức quốc tế về giá trị và độ an toàn của loại tiền số này – điều chắc chắn không dễ khi mà uy tín của Facebook đang thấp chưa từng thấy.
Marcus và các cộng sự của ông vẫn đang tỏ ra lạc quan. "Khi gặp quá nhiều sức ép, thì bạn biết rằng mình đang làm một điều có ý nghĩa" – là đăng tải mới gần đây của vị giám đốc này trên Twitter.
Và ngày 25/10 tới tại đồi Capitol – nơi CEO Mark Zuckerberg đối diện lần nữa với các nghị sĩ Mỹ, có thể là bước ngoặt then chốt tới tương lai của dự án tiền số đầy tham vọng này.
(Nguồn: Tổng hợp từ WSJ, Wired, Techcrunch, The Verge & Bloomberg)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!