Nguy cơ tăng trưởng suy yếu và lạm phát gia tăng
Nhiều nhà phân tích nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm tăng nguy cơ đình lạm (stagflation) trong năm mới, bao gồm tăng trưởng kinh tế suy yếu và áp lực giá cả gia tăng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông cũng sẽ đè nặng lên các nền kinh tế châu Âu.
Tờ The Guardian dẫn lời ông Laith Khalfaf, Giám đốc phân tích đầu tư tại công ty chứng khoán AJ Bell cho biết: "Vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19 có thể giúp giảm bớt sự gián đoạn xã hội mà chúng ta phải đối mặt. Tuy nhiều doanh nghiệp đã học được cách xoay xở qua các lần đóng/mở cửa trong đại dịch, nhưng sự áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại Anh và nhiều nước khác sẽ là cú đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu".
Nếu đại dịch thực sự lắng dịu trong năm 2022 như kỳ vọng, các ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất hoặc cắt giảm các chương trình nới lỏng tiền tệ hàng nghìn tỷ USD để kiềm chế lạm phát.
Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ nâng lãi suất ba lần trong năm 2022, một động thái có thể ảnh hưởng tới tâm lý thị trường và làm suy yếu đà phục hồi của nền kinh tế, vốn đã được dự báo sẽ dần giảm tốc.
Việc các ngân hàng trung ương lớn như FED nâng lãi suất trong năm 2022 có thể gây ra biến động trên thị trường chứng khoán thế giới (Nguồn: Reuters)
Ông Victor Golovtchenko, nhà phân tích của công ty môi chứng chứng khoán Think Matters nhận xét FED đang ở trong tình thế buộc phải lựa chọn giữa "tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng và thị trường tài chính định giá quá cao trong thời gian dài".
Vì lý do này mà chuyên gia Joost Beaumont của ngân hàng Hà Lan ABN Amro cho rằng, năm 2022 sẽ ghi nhận nhiều biến động đối với các thị trường. "Chúng tôi dự kiến các điều kiện tài chính toàn cầu sẽ thắt chặt hơn, đặc biệt là các đợt tăng lãi suất của FED một lần nữa sẽ châm ngòi cho biến động".
Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cũng được cho là sẽ tăng lãi suất hai hoặc ba lần trong năm 2022. Trong tháng 12 này, BOE đã bất ngờ tăng lãi suất chủ chốt lên 0,25% bất chấp những lo ngại về biến thể Omicron.
Ngân hàng trung ương Anh (BOE) dự kiến sẽ tăng lãi suất hai hoặc ba lần trong năm 2022 (Nguồn: Reuters)
Ông George Lagarias, nhà kinh tế trưởng của Mazars đánh giá: "Các ngân hàng trung ương đang thẳng tiến trên con đường thắt chặt chính sách tiền tệ, đây là một sự khác biệt lớn với các đợt bùng phát đại dịch trước đó. Chúng tôi tin rằng trong năm 2022, nhà đầu tư ít nhất cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động mạnh hơn".
Giá năng lượng tăng đột biến tại châu Âu và châu Á đã đẩy lạm phát lên cao hơn trong năm 2021, trong bối cảnh nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Lạm phát dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn nhưng có thể đi xuống trong năm 2022.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Nguồn: Bloomberg)
Ông Bill Blain, chuyên gia tại Shard Capital cảnh báo rằng các nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá được hết tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang buộc một số nhà máy phải ngừng hoạt động. "Thị trường đang đánh giá quá thấp tác động của giá năng lượng tăng tới lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng toàn cầu". Theo ông, châu Âu là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương, trong khi các đợt cắt điện và "trục trặc trong hoạt động công nghiệp" ở Trung Quốc có thể tạo ra cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng mới.
Theo The Guardian, kinh tế Mỹ có thể hụt bước nếu Tổng thống Joe Biden không thể thuyết phục Thượng viện Mỹ thông qua gói chi tiêu Build Back Better trị giá 1.750 tỷ USD. Trong khi đó, sự giảm tốc hay thậm chí là tăng trưởng âm tại Trung Quốc cũng có thể khiến thị trường chao đảo trong năm 2022.
Triển vọng và nguy cơ
Tiến trình tiêm chủng vaccine, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, được coi là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch và tháo gỡ nút thắt chuỗi cung ứng. Bà Seema Shah, Giám đốc đầu tư tại Principal Global Investors dự đoán: "Năm 2022, chính phủ của các nền kinh tế mới nổi đang tăng tốc tiêm chủng sẽ dễ chống chọi với COVID-19 hơn và nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho các loại cổ phiếu gắn liền với quá trình mở cửa nền kinh tế. Việc đóng cửa các bến cảng và nhà máy cũng sẽ ít diễn ra hơn".
Các chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 sẽ là động lực quan trọng cho sự đi lên của thị trường chứng khoán (Nguồn: CNN)
Nhưng nhiều mối nguy vẫn đang rình rập khi năm mới đến gần. Các nhà phân tích tại Generali Investments viết: "Ba rủi ro chính là sai lầm chính sách tạo ra thảm họa tài chính, quá trình chuyển đổi năng lượng lộn xộn khiến giá một số hàng hóa nhảy vọt và một biến chủng COVID-19 mới kháng được vaccine".
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố rủi ro địa chính trị cũng sẽ là yếu tố mà giới đầu tư cần cân nhắc, từ việc quân đội Nga tập trung gần biên giới Ukraine, gia tăng căng thẳng giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục, kỳ bầu cử Quốc hội tại Mỹ và bầu cử Tổng thống ở Pháp.
Thị trường chứng khoán Mỹ có tiếp tục tăng?
Hầu hết ngân hàng Phố Wall dự đoán chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên trong 2022, nối tiếp đà tăng lớn trong năm 2020 và 2021. Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management có cái nhìn tích cực về chứng khoán trong giai đoạn đầu năm 2022: "Tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục có xu hướng đi lên trong nửa đầu năm 2022, chính sách tiền tệ vẫn mang tính hỗ trợ ngay cả khi các biện pháp nới lỏng tiền tệ khẩn cấp bị cắt giảm. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào mức tăng trưởng 10% đối với lợi nhuận doanh nghiệp trong năm tới".
Chứng khoán Mỹ được kỳ vọng tiếp tục tăng trong năm 2022, dù mức tăng sẽ không bằng năm 2021 (Nguồn: Reuters)
Cũng theo giới chuyên gia Phố Wall, tỷ suất lợi nhuận của S&P 500 trong năm 2022 được dự báo sẽ khiêm tốn hơn nhiều so với năm 2021, khi sự hưng phấn ban đầu từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại biến mất và các chương trình kích thích tiền tệ bị thắt chặt. Trong số 13 ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính đã công bố dự báo cho năm 2022, mục tiêu trung bình cho chỉ số S&P 500 cuối năm tới là 4.940 điểm, cao hơn 4,5% so với mức đóng cửa phiên hôm 23/12.
Ở thái cực lạc quan nhất, các nhà phân tích tại BMO Capital Markets ước tính chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 5.300 điểm, tương ứng mức tăng 12% so với hiện tại. BMO kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giúp đẩy chứng khoán lên cao hơn. Một ngân hàng lớn là Goldman Sachs cũng dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng thêm 9% trong năm 2022.
Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng, lợi nhuận từ chứng khoán, nhất là những nhóm đang tăng trưởng quá nóng, không bền vững. Morgan Stanley đưa ra kịch bản cơ sở là chỉ số S&P 500 sẽ giảm 5%, trong khi Bank of America dự báo tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lãi suất tăng sẽ kéo chỉ số chứng khoán này sụt 3% trong năm tới.
Các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao trong đại dịch như Zoom được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 (Nguồn: Reuters)
Các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao nhưng sinh lời thấp được dự báo có thể sẽ gặp khó khăn trong môi trường lạm phát cao và lãi suất tăng. Giá của nhiều cổ phiếu từng tăng thần tốc như Zoom và Peloton đã rớt khỏi mức đỉnh lịch sử trong năm 2021. Ông Paul Craig, nhà quản lý danh mục tại Quilter Investors, dự báo rằng các cổ phiếu tăng trưởng cực cao có thể sẽ tiếp tục chật vật. "Có thể chúng ta đang chứng kiến cái kết của bong bóng định giá trong các startup mới nổi, cổ phiếu siêu tăng trưởng và các doanh nghiệp gắn mác công nghệ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người đầu tư vào những công ty này phải chịu thêm tổn thất trong năm 2022".
Triển vọng của chứng khoán châu Âu
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ đối mặt "môi trường đầy khó khăn và biến động" về giá cả trong năm tới. Ông Frederik Ducrozet, Chiến lược gia cấp cao tại Pictet Wealth Management, nhận định "Triển vọng chung của châu Âu không chỉ là lạm phát cao kéo dài mà mức độ biến động lạm phát cũng cao hơn".
ECB sẽ đối mặt với một "môi trường đầy khó khăn và biến động" trong năm 2022 (Nguồn: Reuters)
Mới đây, ECB đã cam kết cắt giảm chương trình mua trái phiếu hậu đại dịch để ứng phó với tình trạng giá cả leo thang nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, phải tới năm 2023, ngân hàng trung ương này mới tăng lãi suất.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, dự báo bình quân của các nhà phân tích là chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu sẽ tăng 6% trong năm tới, khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng và lợi suất trái phiếu vẫn được duy trì ở mức thấp.
Chứng khoán châu Âu đối mặt với triển vọng chưa rõ ràng trong năm 2022 (Nguồn: Reuters)
Ở chiều ngược lại, Bank of America dự báo, các xu hướng này sẽ đảo ngược trong năm 2022 và chỉ số Stoxx 600 sẽ sụt 10%. Công ty quản lý đầu tư Pimco cũng nhận định chứng khoán châu Âu sẽ đối mặt thách thức lớn do triển vọng các ngành không thuận lợi, giá năng lượng cao và những bất ổn liên quan đại dịch COVID-19.
Chuyên gia Ben Ritchie, Trưởng bộ phận cổ phiếu châu Âu tại Abrdn, cho rằng trong năm tới, nhà đầu tư tại châu Âu nên tập trung vào các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tốt, có khả năng thay đổi giá cả và có động lực tăng trưởng. Vị chuyên gia này cho rằng lĩnh vực y tế, hàng tiêu dùng và tài chính sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Các thị trường mới nổi có thể tăng trở lại
Trong khi đó, theo các ngân hàng như Goldman Sachs, Morgan Stanley và JPMorgan Chase, các thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2022 khi lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế tăng tốc. Tuy nhiên, điều này nhiều khả năng sẽ không xảy ra trong nửa đầu năm.
Trong năm 2021, chỉ số MSCI Emerging Markets đã giảm hơn 5%, giao dịch ở mức gần thấp nhất kể từ năm 2001 nếu so với Phố Wall. Thị trường trái phiếu bằng nội tệ cũng có năm tệ nhất kể từ 2015, trong khi trái phiếu USD đang hướng tới năm thứ ba thua lỗ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sau năm 2021 đầy khó khăn, các thị trường mới nổi được dự báo có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2022 (Nguồn: Reuters)
"2021 là một năm các thị trường phát triển vượt trội hơn các thị trường mới nổi về tăng trưởng kinh tế và điều này cần được đảo chiều", Tai Hui, giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại JPMorgan Asset Management ở Hong Kong (Trung Quốc), nhận định.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tiêm chủng tăng ở một số nền kinh tế sẽ tạo ra một bối cảnh thuận lợi hơn, đồng thời giúp ổn định các vấn đề của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, lãi suất chính sách của Mỹ có thể vẫn thấp hơn lạm phát toàn phần, góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Một yếu tố có lợi khác cho các thị trường mới nổi là lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đã tăng cường hỗ trợ nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn vì các biện pháp thắt chặt quản lý thị trường bất động sản. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên trong vòng 20 tháng qua.
Nguồn: Financial Times, Bloomberg, The Guardian
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!