"Chảo lửa" COVID-19 "thiêu đốt" nhiều quốc gia: Lời cảnh tỉnh cho suy nghĩ "dịch đã qua"

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 28/04/2021 12:41 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày qua, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, đang chao đảo vì "cơn sóng thần" dịch bệnh COVID-19.

Các biến thể mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 liên tục được phát hiện, Ấn Độ rơi vào thảm họa nhân đạo. Nhiều nước Nam Mỹ, Đông Nam Á ghi nhận số ca mắc liên tục tăng. Khủng hoảng y tế và nhiều vấn đề khác đã xuất hiện cùng đợt tái bùng phát dịch COVID-19 và là vấn đề gây đau đầu của lãnh đạo các quốc gia.

Sóng dịch tấn công nhiều quốc gia 

Tính đến sáng 28/4 (theo giờ Việt Nam), làn sóng dịch COVID-19 mới vẫn đang tiếp tục khiến cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ "phát sốt", nhiều điểm thực sự trở thành "chảo lửa" vì không còn kiểm soát được dịch.

Hai quốc gia hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh vẫn là Ấn Độ và Brazil. Chỉ cách đây vài tháng, hình ảnh những ngôi mộ tập thể ở Brazil gây ám ảnh bởi số người bị COVID-19 cướp đi sinh mạng, trong những ngày này, cả bầu trời Ấn Độ mù mịt khói từ những đám hỏa thiêu bệnh nhân COVID-19 tử vong. Làn khói này còn khiến người ta cay mắt hơn nữa bởi nguyên nhân của làn sóng dịch lần này ở Ấn Độ xuất phát từ sự chủ quan của người dân.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Đức và Mỹ đã cam kết viện trợ y tế khẩn cấp cho Ấn Độ, nếu không, hệ thống y tế nước này sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Chảo lửa COVID-19 thiêu đốt nhiều quốc gia: Lời cảnh tỉnh cho suy nghĩ dịch đã qua - Ảnh 1.

Các đống củi được dựng lên làm lò thiêu cho bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Ngày 27/4, các quốc gia châu Á gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines đã ghi nhận từ hàng chục đến hàng nghìn ca mắc mới, trong khi chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 chưa thực sự tiếp cận được người dân.

Trong khi đó, các trung tâm mua sắm, quán bar ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã đóng cửa sau khi nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp do các biến thể virus. Tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra như một bài học sâu sắc từ đợt bùng phát dịch lần này tại Ấn Độ.

Bài học từ tâm lý "dịch sắp hết"

Trong những đợt dịch đầu, các nước chủ yếu áp dụng biện pháp phong tỏa, đóng cửa hoặc giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ. Những biện pháp này hầu hết đã phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, chính tâm lý phải trải qua những đợt giãn cách dài, chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm và tử vong giảm đã khiến người dân ở nhiều nước trở nên chủ quan, buông lơi cảnh giác, dù các chuyên gia thường xuyên cảnh báo, những hành vi, thái độ này sẽ châm ngòi cho làn sóng dịch mới có thể dẫn đến khủng hoảng.

Ấn Độ hỏa thiêu nạn nhân COVID-19 ngoài trời

Tại Ấn Độ, sau phong tỏa toàn quốc, giới chức hầu như bỏ qua các biện pháp kiểm soát dịch. Các cuộc mít tinh vận động tranh cử được tổ chức trên quy mô lớn.

Dân chúng quay lại với các lễ hội với hàng triệu người tham dự. Hàng chục nghìn người được vào xem các trận thi đấu thể thao. Trong khi đó, chiến dịch tiêm phòng lại diễn ra chậm chạp khi mới chưa đầy 3% dân số được tiêm mũi vaccine đầu, trong đó khoảng một nửa là nhân viên y tế. Theo đó, chủng virus mới cứ thế hoành hành tại quốc gia có dân số 1,3 tỷ người này.

Chảo lửa COVID-19 thiêu đốt nhiều quốc gia: Lời cảnh tỉnh cho suy nghĩ dịch đã qua - Ảnh 3.

Mỗi ngày, khoảng hơn 1.000 người đã trở thành nạn nhân mới của COVID-19. (Ảnh: AP)

Brazil lại gặp vấn đề về đường lối xử lý dịch từ trên xuống. Chưa bao giờ Brazil thể hiện cương quyết ý chí muốn giải quyết vấn đề một cách rõ ràng hoặc quyết tâm tìm ra giải pháp. Lực lượng y tế, các địa phương cố gắng hết sức, nhưng không có kế hoạch tổng thể toàn quốc của Chính phủ, tất cả chỉ là "mạnh ai nấy lo". 

Trong khi đó, biến thể P1 xuất hiện vào cuối năm 2021 ở gần thành phố Manaus có khả năng lây lan dễ hơn và tấn công cả vào những người đã từng mắc bệnh vì chủng gốc. Tuy nhiên, nhà chức trách Brazil không cách ly được thành phố này và biến thể lây lan ra ngoài, không chỉ tàn phá Brazil mà còn lan ra các nước Nam Mỹ khác. Tất cả những vấn đề này xảy ra trên nền một phong trào chống vaccine mạnh mẽ, đặt Brazil vào thế "thất thủ" từ đợt dịch này đến đợt dịch khác.

Thái Lan, quốc gia trong cùng khu vực Đông Nam Á, đã bị làn sóng COVID-19 mới "đánh trúng" vì một lý do được cho là "quá căn bản". 

Vào đầu tháng 4, những khu giải trí tại thủ đô Bangkok đã "nuôi dưỡng" virus bùng lên thành các ổ dịch ngay trước thềm lễ đón năm mới vào giữa tháng. Hiện nay, hơn 70 tỉnh, trên 10.000 người, con số theo ngày là hơn 1.000 ca đã trở thành nạn nhân của đợt dịch này. Điều nguy hiểm là nhiều người đã nhiễm biến thể từ Anh với khả năng lây nhiễm rất nhanh.

Thái Lan đứng trước nguy cơ khủng hoảng do COVID-19

Trong khi đó, một số quốc gia khác đang chiến đấu với đợt dịch mới với cùng các nguyên nhân tương tự, nhưng có lẽ Ấn Độ là trường hợp hội tụ khá đầy đủ những điều "không nên làm". 

 Theo tính toán của các chuyên gia, làn sóng dịch lần này tại Ấn Độ có thể sẽ đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 5, đạt mức khoảng 450.000 ca/ngày, còn con số tử vong có thể lên tới khoảng 5.000 người/ngày. 

Đáng chú ý, giới chuyên gia y tế Ấn Độ cho rằng, nếu người dân Ấn Độ có ý thức tốt hơn trong các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tụ tập, từ đây đến tháng 8, họ sẽ có thể cứu được thêm 70.000 mạng sống.

Và một bài học quan trọng có thể rút ra từ làm sóng dịch lần này là hãy đừng bỏ lỡ một "giai đoạn vàng", khi dịch tạm lắng xuống. Thay vì nghĩ dịch chắc đã qua, hãy tận dụng khoảng thời gian quý giá ấy để tiếp tục chuyển các hoạt động sống sang trạng thái bình thường mới.

Ở nhiều nơi trên thế giới, các biện pháp chống dịch kiên quyết và kiên trì đang mang lại hiệu quả, dần đưa cuộc sống bình thường trở lại. Bài học từ những điểm sáng chống dịch của thế giới rất đáng để học hỏi và mang lại niềm tin lạc quan rằng, thế giới sẽ khống chế được đại dịch.

Điểm tuần quốc tế: COVID-19 tái bùng phát, gieo rắc kinh hoàng trên khắp thế giới

Đằng sau câu chuyện COVID-19 lây lan ‘như cháy rừng’ tại Ấn Độ Đằng sau câu chuyện COVID-19 lây lan ‘như cháy rừng’ tại Ấn Độ Đông Nam Á lo ngại bùng phát các ca nhiễm biến thể mới từ Ấn Độ Đông Nam Á lo ngại bùng phát các ca nhiễm biến thể mới từ Ấn Độ Các nước châu Âu nới lỏng hạn chế, yêu cầu đeo khẩu trang và duy trì giờ giới nghiêm Các nước châu Âu nới lỏng hạn chế, yêu cầu đeo khẩu trang và duy trì giờ giới nghiêm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước