Hơn 149,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 32,9 triệu ca mắc và hơn 587.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 39.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ vừa công bố kế hoạch chia sẻ kho vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất với các nước khác. Động thái diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đối mặt với nhiều áp lực trong việc hỗ trợ công bằng vaccine toàn cầu.
Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm hiểu cách thức chia sẻ vaccine AstraZeneca trong những tháng tới. Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, vaccine AstraZeneca chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ và nước này chưa cần tới loại vaccine này trong thời gian tới. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ sẽ xác nhận độ an toàn của vaccine AstraZeneca trước khi được chuyển sang các nước khác.
Chính quyền Tổng thống Biden từng thông báo sẽ ưu tiên tiêm phòng cho người dân nước này trước khi hỗ trợ vaccine cho các nước khác. Tuy nhiên, nguồn cung và kho dự trữ vaccine của Mỹ đã tăng đáng kể trong khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước. Mỹ tháng trước cũng thông báo cho Mexico và Canada vay 4 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 17,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 201.100 trường hợp thiệt mạng. Ngày 27/4, Ấn Độ báo cáo trên 362.900 ca mắc COVID-19 mới, tiếp tục là mức cao nhất thế giới. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19.
Hiện tình trạng thiếu vaccine COVID-19 rất nghiêm trọng ở Ấn Độ. Dự báo, các trung tâm tiêm phòng vaccine của nước này sẽ chứng kiến tình trạng thiếu vaccine trong những ngày tới.
Ngày 27/4, Ấn Độ báo cáo trên 362.900 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)
Tất cả người dân Ấn Độ nên đeo khẩu trang mọi nơi mọi lúc, ngay cả khi ở trong nhà là lời kêu gọi của các quan chức y tế cấp cao Ấn Độ trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này vẫn gia tăng đáng báo động.
Số ca nhiễm mới gia tăng chưa từng có khiến hệ thống y tế của Ấn Độ quá tải. Các bệnh viện trên khắp cả nước đã đưa ra thông báo khẩn, cho biết họ không thể đối phó với tình trạng bệnh nhân ồ ạt. Để giảm áp lực cho các bệnh viện, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ y tế khẩn cấp. Tham mưu trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Đại tướng Bipin Rawat, cho biết sẽ cung cấp khí oxy lấy từ các kho dự trữ của lực lượng này và huy động những quân y đã về hưu tới hỗ trợ cho các bệnh viện.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế đang nhanh chóng hỗ trợ Ấn Độ. Sáng 27/4, một máy bay của hãng hàng không Lufthansa (Đức) chở chuyến hàng viện trợ y tế đầu tiên của Anh gồm 100 máy trợ thở và 95 máy tạo oxy đã tới thủ đô New Delhi. 9 container hàng viện trợ y tế gồm 495 máy tạo oxy, 120 máy thở không xâm nhập và 20 máy trợ thở sẽ được gửi tới Ấn Độ bằng đường hàng không trong tuần này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ cung cấp cho Ấn Độ nhiều thiết bị quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động và vật tư phòng thí nghiệm. Ngoài ra, hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO đã được cử tới hỗ trợ Ấn Độ.
Australia là quốc gia mới nhất dừng mọi chuyến bay thẳng từ Ấn Độ vì lo ngại virus biến thể từ đây xâm nhập. Ít nhất tới ngày 15/5, Australia sẽ không tiếp nhận bất cứ hành khách bay nào từ Ấn Độ, kể cả các chuyến giải cứu, hồi hương. Trước đó, Mỹ khuyến cáo công dân không tới Ấn Độ, Anh đưa Ấn Độ vào "danh sách đỏ". Singapore cấm người từ Ấn Độ nhập cảnh. Một số quốc gia vùng Vịnh như Kuwait, UAE cấm chuyến bay thẳng từ Ấn Độ.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 71.100 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 395 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo, nước này sẽ thực hiện lệnh phong tỏa hoàn toàn từ ngày 29/4 - 17/5 tới. Lệnh phong tỏa này sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Tất cả các văn phòng và nơi làm việc, trừ những nơi được Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ quy định riêng, sẽ đóng cửa. Các chuyến vận tải liên thành phố bắt buộc phải được cho phép mới có thể thực hiện, giao thông công cộng sẽ hoạt động ở mức 50%. Người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng. Các siêu thị cũng sẽ phải đóng cửa vào các ngày Chủ nhật.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra biện pháp trên nhằm giảm nhanh chóng số ca mắc mới xuống mức dưới 5.000 ca/ngày. Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt biện pháp phòng dịch trong bối cảnh quốc gia 84 triệu dân này ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng lên khoảng 350 ca/ngày, cao hơn so với 2 đợt tăng đột biến hồi năm 2020.
Dịch COVID-19 đang đe dọa bùng phát tại châu Phi. (Ảnh: AP)
Người dân châu Phi đang ngần ngại tiêm vaccine COVID-19 dù được COVAX ưu tiên phân phối vaccine. Nguyên nhân là do tin tức giả về vaccine tràn lan khiến người dân bị tác động. Các quốc gia như Malawi, Nam Sudan hay Uganda thậm chí đã phải tiêu hủy gần 100.000 liều vaccine vì không thể bảo quản, trong khi người dân không chịu tiêm. Nhiều người thậm chí còn coi thường COVID-19, cho rằng dịch Ebola còn vượt qua thì COVID-19 không cần tiêm. Hiện toàn bộ châu Phi mới chỉ ghi nhận 4,5 triệu ca COVID-19 và 120.000 ca tử vong, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Các quốc gia châu Phi đặt mục tiêu tới hết năm 2022 mới tiêm đủ cho 60% người dân.
Chính phủ Campuchia đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa ở thủ đô Phnompenh và thành phố Ta Khmau, tỉnh Kandal thêm 1 tuần kể từ ngày 29/4 để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Theo quyết định do Thủ tướng Hun Sen ký và công bố, Chính phủ Campuchia sẽ chia thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau thành 3 khu vực để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, gồm "vùng đỏ" là khu vực có mức độ lây nhiễm cao, "vùng vàng đậm" là khu vực có nguy cơ lây nhiễm trung bình và "vùng vàng" là khu vực có mức độ lây nhiễm thấp.
Đối với "vùng đỏ", tất cả người dân không được ra khỏi nhà nếu không có lý do đặc biệt. Đối với khu vực "vùng Vàng đậm", vẫn thực hiện theo quy định phong tỏa như hiện nay. Còn đối với "vùng màu vàng", các hoạt động giao thông và hầu hết những loại hình kinh doanh như rạp chiếu phim, khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí, bảo tàng, trung tâm thể thao, karaoke, quán bar, nhà hàng, khách sạn… được phép hoạt động trở lại bình thường, nhưng phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Đây là giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống người dân của Chính phủ Campuchia. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ 0h ngày 29/4 đến ngày 5/5.
Chính phủ Lào đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Quyết định được đưa ra sau khi nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức 3 con số. Trước số ca mới mắc COVID-19 tăng nhanh kể từ khi dịch bùng phát trong cộng đồng hôm 20/4 đến nay, Chính phủ Lào đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương kiểm tra và lập danh mục nhu cầu vật tư y tế, thuốc điều trị; tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở tiếp nhận cách ly, điều trị và tập trung tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19 một cách thống nhất trên cả nước.
Chính phủ Lào cũng yêu cầu đảm bảo thông suốt dòng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu lẫn lưu thông liên tỉnh để đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho xã hội; đồng thời cho phép các tỉnh áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế; ngừng mọi chặng vận tải hành khách hàng không trong nước, ngoại trừ chuyến bay đặc biệt.
Với việc có thêm 3 tỉnh tại Lào ghi nhận các ca mắc mới COVID-19, đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố của Lào có chung đường biên giới với 9 tỉnh, phố của Việt Nam có người mắc COVID-19, chỉ còn tỉnh Houaphanh tiếp giáp tỉnh Thanh Hóa là chưa có ca mắc COVID-19.
Ngày 27/4, Thái Lan ghi nhận số người tử vong theo ngày cao nhất với 15 trường hợp. (Ảnh: AP)
Diễn biến dịch COVID-19 tại Thái Lan chưa có dấu hiệu khả quan. Ngày 27/4, nước này ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay sau khi xác nhận thêm 15 bệnh nhân không qua khỏi. Thái Lan cũng ghi nhận thêm hơn 2.100 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh từ trước tới nay lên gần 60.000 trường hợp, trong đó có 163 bệnh nhân tử vong.
Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng một hệ thống chỉ huy duy nhất để nâng cao hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 quốc gia, với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30 triệu người trong 3 tháng tới và 50 triệu người vào cuối năm nay trên tổng dân số gần 70 triệu người.
Một kế hoạch tiêm chủng chủ động sẽ được đưa ra để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế công cộng. Ngoài ra, các trung tâm tiêm chủng cũng sẽ được thành lập tại những địa điểm thích hợp như hội trường, trung tâm thể thao và khách sạn để tránh tình trạng đông đúc tại các bệnh viện, nơi có nhiệm vụ chính là chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh.
Malaysia bắt đầu đợt 2 tiêm chủng vaccine COVID-19 cho công dân trên 60 tuổi. Sau những đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế tuyến đầu và lao động trong ngành thiết yếu, nay tới lượt người già, người khuyết tật và người có bệnh lý kinh niên. Trung bình mỗi ngày Malaysia đang tiêm cho hơn 20.000 người. Mục tiêu là tới hết năm 2021, 27/33 triệu dân của Malaysia sẽ được tiêm vaccine. Vaccine đang được sử dụng ở đây là của AstraZeneca, Pfizer và Sinovac.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC Trung Quốc vừa đưa ra những khuyến cáo phòng dịch trong bối cảnh "cơn sốt" du lịch dự kiến lên tới cao trào trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới, với lưu lượng hành khách dự kiến đạt 250 triệu lượt người.
CDC Trung Quốc khuyến cáo, người dân tránh không gian chật hẹp đông đúc và những khu vực thông gió kém, đồng thời đeo khẩu trang mọi lúc và người trở về sau chuyến du lịch nên cách ly trong 14 ngày để tránh lây nhiễm cho người khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!