Nhiều nước châu Á "đặt cược" vào vaccine COVID-19 nội địa

Huệ Anh-Thứ năm, ngày 10/06/2021 06:19 GMT+7

VTV.vn - Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... đều thuộc danh sách những quốc gia "đặt cược" khả năng kiểm soát dịch bệnh vào các ứng viên vaccine phát triển trong nước.

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine toàn cầu còn khan hiếm, đại dịch COVID-19 còn chưa hạ nhiệt, các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chạy đua phát triển vaccine COVID-19 nội địa. Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều thuộc danh sách những quốc gia đang "đặt cược" khả năng kiểm soát dịch bệnh vào các ứng viên vaccine phát triển trong nước. Mặc dù vaccine nội địa khó có thể kịp thời bù đắp cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, song với giới chức và các chuyên gia y tế, cách tiếp cận này xứng đáng là một khoản đầu tư dài hạn.

Nhiều nhà khoa học nhận định, chúng ta sẽ phải sống chung với COVID-19 trong khoảng thời gian dài. Điều này có nghĩa, sự xuất hiện của các biến thể cũng như nhu cầu tăng cường khả năng miễn dịch sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực cung ứng vaccine trong nhiều năm tới. Trong trường hợp nguồn cung nội địa vượt quá nhu cầu của người dân, các quốc gia đã phát triển thành công vaccine COVID-19 hoàn toàn có thể "san sẻ" cho những nước nghèo hơn.

Nhiều nước châu Á đặt cược vào vaccine COVID-19 nội địa - Ảnh 1.

Vaccine COVID-19 của Pfizer-BionTech và Moderna (Nguồn: SCMP)

Theo ông Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vaccine quốc tế IVI tại Seoul, Hàn Quốc, những liều vaccine đầu tiên có thể trở nên "kém hiệu quả" do sự bành trướng của các biến thể virus SARS-CoV-2, lo ngại về độ an toàn cũng như các thách thức về chi phí và khả năng vận chuyển.

Rất nhiều giả thuyết được đặt ra, chẳng hạn như, liệu phản ứng miễn dịch của cơ thể có trở nên kém hiệu quả sau mũi tiêm thứ ba của Johnson&Johnson hay Moderna? Liệu các phản ứng phụ có trở nên thêm trầm trọng hơn? Hay liệu các trường hợp đông máu hiếm gặp có làm giảm nhu cầu tiêm chủng trước khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả hơn được nghiên cứu?

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, ít nhất bốn công ty dược phẩm, trong đó có Daiichi Sankyo có trụ sở tại Tokyo và Shionogi Pharmaceutical có trụ sở tại Osaka, đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 đối với một số ứng viên vaccine dựa trên cơ chế mRNA và công nghệ truyền thống.

Ông Ken Ishii, Giám đốc Trung tâm Chế tạo vaccine quốc tế tại Tokyo cho biết, Nhật Bản dự kiến sẽ phát triển thành công 1 hoặc 2 loại vaccine nội địa vào nửa cuối năm 2022. Dù loại vaccine này khó có thể giúp đất nước mặt trời mọc xây dựng thành công hệ thống miễn dịch cộng đồng trong năm nay, song theo ông Ishii, các quốc gia nên tự nghiên cứu và phát triển vaccine để bảo vệ hệ thống y tế và nền kinh tế vốn đang chịu tổn thất nặng nề.

"Sẽ là khác biệt lớn nếu vaccine COVID-19 trở thành vaccine "theo mùa" như vaccine điều trị bệnh cúm vậy" - ông Ishii chia sẻ.

Nhiều nước châu Á đặt cược vào vaccine COVID-19 nội địa - Ảnh 2.

Số lượng người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine tại Nhật Bản chưa đạt ngưỡng 10% dân số (Nguồn: Reuters)

Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan được dự báo có thể sớm phát triển thành công vaccine nội địa, miễn là họ thực hiện đúng các quy trình trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, theo dõi tình hình sức khỏe của các tình nguyện viên sau tiêm cũng như hiệu quả điều trị COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, tham vọng này dường như là "quá sức" với Nhật Bản do quốc gia này đã từng thiếu năng lực triển khai các thử nghiệm lâm sàng.

"Nhật Bản đã từng không coi trọng các nghiên cứu lâm sàng và bây giờ họ đang phải cố gắng bắt kịp cùng thế giới".

Hiện nỗ lực tiêm chủng diện rộng tại Tokyo đang bị gián đoạn do sự chậm trễ trong việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng cũng như triển khai phòng ngừa cho người dân. Mặc dù quốc gia này đã tăng tốc kế hoạch tiêm chủng trong vài tuần trở lại đây nhằm "xoa dịu" tâm lý thất vọng của người dân trước thềm Thế vận hội Tokyo, số lượng người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine tại Nhật Bản vẫn chưa đạt ngưỡng 10% dân số.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc - quốc gia đã tiêm chủng cho khoảng 14% dân số, có ít nhất năm hãng dược phẩm đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa. Trong đó, các ứng viên vaccine của công ty Genexine và SK Bioscience hiện đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 2.

Nhiều nước châu Á đặt cược vào vaccine COVID-19 nội địa - Ảnh 3.

Hàn Quốc nỗ lực sản xuất vaccine COVID-19 nội địa (Nguồn: Reuters)

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Bộ Y tế nước này ông Kwon Deok-cheol tuyên bố Hàn Quốc sẽ phê duyệt 1 hoặc 2 loại vaccine vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Theo Bộ trưởng Khoa học Choi Ki-young, ông tự tin rằng những liều vaccine nội địa này sẽ có thể đến tay người dân vào cuối năm nay. Thành phố Seoul theo đó được kỳ vọng sẽ sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

"Một số nhà sản xuất tại Hàn Quốc từng phát triển thành công các sản phẩm được FDA và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu phê duyệt, vì vậy họ hiểu sự nghiêm ngặt trong công tác quản lý cũng như cấp phép vaccine. Chính phủ Hàn Quốc hiện đã đặt mục tiêu tự cung vaccine vào năm 2025 sau nhiều năm nỗ lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất".

Đài Loan (Trung Quốc)

Đài Loan (Trung Quốc) - nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine sau làn sóng lây nhiễm mới đang hồi hộp đón chờ tin vui từ các hãng dược phẩm nội địa như Adimmune, Vaccine Biologics hay United Biomedical.

Nhiều nước châu Á đặt cược vào vaccine COVID-19 nội địa - Ảnh 4.

Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) vừa bất ngờ ghi nhận hơn 7.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng qua (Nguồn: Reuters)

Đài Loan (Trung Quốc) cũng vừa tuyên bố đạt thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine của Vaccine Biologics và United Biomedical, dù cả hai mới chỉ đang trong giai đoạn 2 của cuộc thử nghiệm. Quyết định này ngay lập tức gây ra nhiều phản ứng trái chiều khi nhiều người nghi ngờ sự "dễ tính" của chính quyền thành phố Đài Bắc đối với loại vaccine chưa được chứng minh về độ an toàn và hiệu quả.

Theo Shih-Jen Liu, điều tra viên tại Viện Quốc gia Bệnh truyền nhiễm và Tiêm chủng Đài Bắc, rất khó để hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 trong năm nay, vậy nên mục tiêu tự cung vaccine trong tháng 7 của chính phủ là phi thực tế.

"Khó khăn của ngành công nghiệp vaccine Đài Loan đến từ những hạn chế trong quy mô thị trường cũng như chuỗi cung ứng vaccine. Hầu hết nguyên liệu sản xuất thô đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, và chúng tôi mất rất nhiều thời gian chờ đợi".

Ông Liu khẳng định, điều giới chức cần làm ngay lúc này là đẩy nhanh quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 cho vaccine COVID-19, càng sớm càng tốt.

"Bởi các biến thể đã xuất hiện ở nhiều nơi và việc tăng cường phát triển vaccine là vô cùng cần thiết".

Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) vừa bất ngờ ghi nhận hơn 7.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng qua - điều mà ngay cả thời kỳ đỉnh dịch cũng không xảy ra.

Ấn Độ

Ấn Độ - quốc gia ghi nhận gần 350.000 ca tử vong do COVID-19 sau làn sóng lây nhiễm lần thứ hai đang cho sử dụng rộng rãi hơn 21 triệu liều vaccine nội địa Covaxin. Loại vaccine này được phát triển thành công bởi hãng dược Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ.

Nhiều nước châu Á đặt cược vào vaccine COVID-19 nội địa - Ảnh 5.

Ấn Độ hứng chịu làn sóng siêu lây nhiễm của COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Bharat Biotech hiện đặt mục tiêu cung cấp 80 triệu liều Covaxin, dù vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Biological-E - hãng dược phẩm có trụ sở tại Hyderabad cũng đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho loại vaccine có cơ chế tương tự vaccine Novavax. Tháng trước, vaccine này đã được chính phủ đồng ý tiếp tục tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 để đảm bảo độ hiệu quả và an toàn.

"Đạt thỏa thuận với Biological-E là nỗ lực lớn của giới chức Ấn Độ trong việc khuyến khích các nhà sản xuất vaccine nội địa - hỗ trợ họ trong quá trình nghiên cứu cũng như giảm bớt gánh nặng về tài chính" - đại diện Bộ Y tế cho biết.

Chính phủ Ấn Độ cam kết tiêm chủng cho toàn dân vào cuối năm 2021. Quốc gia này mới đây cũng đạt thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine phát triển bởi trường Đại học Baylor, bang Texas. Lô vaccine này dự kiến ​​sẽ đến tay người dân trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay.

Bên cạnh đó, công ty công nghệ sinh học Gennova Biopharmaceuticals có trụ sở tại Pune cũng đã bắt đầu đăng ký thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho vaccine COVID-19 với tên gọi HGCO19.

Thái Lan, Việt Nam và Indonesia

Thái Lan, quốc gia mới chỉ tiêm chủng mũi vaccine đầu tiên cho 5% dân số dự kiến trong tháng này sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 đối với loại vaccine mNRA đầu tiên mang tên ChulaCov19.

Theo ông Kiat Ruxrungtham, người đứng đầu kế hoạch phát triển vaccine của Đại học Chulalongkorn, lô vaccine này có thể được sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022 sau khi chính thức được phê duyệt. Ông cho biết nhóm đã lên kế hoạch phát triển ChulaCov19 dưới cơ chế liều tiêm tăng cường, sau khi hầu hết người dân Thái Lan đã được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca và Sinovac.

"Nó sẽ không cạnh tranh với những loại vaccine thế hệ đầu, nhưng quan trọng, chúng ta phả nhìn vào tính bền vững và lâu dài" - ông Kiat chia sẻ.

Nhiều nước châu Á đặt cược vào vaccine COVID-19 nội địa - Ảnh 6.

Thái Lan tiêm phòng cho người dân (Nguồn: The Straits Times)

Thái Lan cũng tham vọng có thể xuất khẩu vaccine sang các quốc gia kém phát triển hơn trong khu vực, ví dụ như Campuchia và Lào.

"Mỗi khu vực nên có một số quốc gia có khả năng tự sản xuất vaccine. Điều này cũng sẽ hỗ trợ chúng tôi trong việc nghiên cứu các căn bệnh mới".

Indonesia, quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 với hơn 50.000 ca tử vong cũng vừa tuyên bố sẽ sớm hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine vào cuối năm nay. Loại vaccine nội địa này có tên Merah Putih, được nghiên cứu bởi Đại học Indonesia và Viện Khoa học Indonesia, dự kiến có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022.

Còn tại Việt Nam, từ đầu năm nay, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cũng đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người những liều Nanocovax và Covivac đầu tiên. Theo Bộ Y tế, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên mang tên Nanocovax vào tháng 9 năm nay. Hai loại vaccine khác hiện cũng đang được nghiên cứu nhưng chưa bắt đầu thử nghiệm trên người.

Theo bà Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, nỗ lực phát triển vaccine trong nước là rất quan trọng.

"Việt Nam không thể và cũng không muốn phụ thuộc vào bất kỳ loại vaccine nhập khẩu nào".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước