Châu Âu liên tiếp hứng chịu tình trạng khí hậu cực đoan trong năm 2021

Quỳnh Chi (Theo Reuters)-Thứ bảy, ngày 23/04/2022 08:00 GMT+7

Cháy rừng bùng phát trên đảo Evia, Hy Lạp, ngày 6/8/2021. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Châu Âu đã phải chịu đựng mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2021, với cháy rừng, lũ lụt và các đợt nắng nóng gay gắt đổ bộ vào lục địa này.

Đây là nội dung báo cáo của các nhà khoa học EU được công bố hôm 22/4.

Nhiệt độ mùa hè ở châu Âu trong năm 2021 cao hơn khoảng 1°C so với mức trung bình trong ba thập kỷ qua. Italy thậm chí ghi nhận mức nhiệt 48,8°C, nền nhiệt cao kỷ lục trên toàn châu Âu.

Một đợt nắng nóng đặc biệt tồi tệ đã diễn ra ở khu vực Địa Trung Hải, dẫn tới các đám cháy rừng nghiêm trọng, thiêu rụi hơn 800.000 ha ở các nước gồm Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Trong khi đó, lượng mưa kỷ lục dẫn đến lũ lụt tàn phá khắp nước Bỉ và miền Tây nước Đức, khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Báo cáo do Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU (C3S) công bố hàng năm dựa trên các kết quả quan sát vệ tinh, phép đo tại chỗ và mô hình máy tính để cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng khí hậu của lục địa này.

Châu Âu liên tiếp hứng chịu tình trạng khí hậu cực đoan trong năm 2021 - Ảnh 1.

Lũ lụt do mưa lớn ở Kreuzberg, Đức, ngày 19/7/2021. (Ảnh: Reuters)

Mauro Facchini, người đứng đầu Đơn vị Copernicus tại EU, cho biết: "Chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức".

Ông Facchini cho rằng, nhiệt độ cao kỷ lục trong năm 2021 và thời tiết khắc nghiệt cho thấy, nhu cầu cấp thiết đối với các quốc gia là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để tránh tình trạng ấm thêm sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết tàn phá hơn.

Trên toàn cầu, 7 năm qua là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận. Tuy nhiên, năm 2021 lạnh hơn một chút so với những năm gần đây do hiện tượng thời tiết La Nina làm nhiệt độ nước biển lạnh đi ở phía Bắc địa cầu.

Mặc dù các quốc gia đã cam kết tuân theo theo Thỏa thuận Paris năm 2015 để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng hầu hết các quốc gia đã không đạt được tiến bộ đầy đủ. Năm 2021, lượng khí thải CO2 trên toàn cầu đã tăng mạnh trở lại sau đợt giảm tạm thời do đại dịch COVID-19 gây ra.

Châu Âu liên tiếp hứng chịu tình trạng khí hậu cực đoan trong năm 2021 - Ảnh 2.

Đồng cỏ khô cháy ở miền Nam Tây Ban Nha, ngày 11/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Các nhà khoa học khí hậu đã phát hiện ra rằng, trận lũ lụt thảm khốc ở Tây Âu vào mùa hè năm 2021 có khả năng xảy ra do tình trạng biến đổi khí hậu cao hơn ít nhất 20%, phản ánh nguyên tắc bầu khí quyển nóng lên có thể thu giữ độ ẩm thêm 7%, dẫn đến mưa lớn hơn.

Wim Thiery, một nhà khoa học khí hậu tại Vrije Universiteit Brussel, nói: "Đây là một trong những thay đổi rõ rệt và dễ thấy nhất mà chúng ta đang chứng kiến do tình trạng nóng lên toàn cầu".

Ông Thiery cho biết, các chính phủ đã đạt được một số tiến bộ trong việc thích ứng với những sự kiện như vậy bằng cách tạo ra các khu vực ngập lụt tự nhiên, nhưng cắt giảm phát thải khí nhà kính là phương án rẻ nhất và hiệu quả nhất để hạn chế các hiểm họa khí hậu.

Báo cáo cũng cho thấy, nhiệt độ bề mặt nước biển năm 2021 ở các vùng biển Baltic và Địa Trung Hải là cao nhất kể từ khi các ghi chép vệ tinh được bắt đầu thực hiện vào đầu những năm 1990. Freja Vamborg, một nhà khoa học khí hậu cấp cao tại C3S cho biết: "Nhiệt độ tại một số khu vực ở Baltic cao hơn 5°C so với mức trung bình, khá cao đối với (đại dương)".

Nhiệt độ tại châu Âu sẽ có lúc vượt ngưỡng 50 độ C Nhiệt độ tại châu Âu sẽ có lúc vượt ngưỡng 50 độ C

VTV.vn - Trong tuần này, nhiệt độ ngoài trời cao nhất trong lịch sử châu Âu được ghi nhận là 48,8 độ C. Các chuyên gia dự báo, mức nhiệt này sẽ có lúc vượt ngưỡng 50 độ C.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước