Dòng chảy khí đốt của Nga tới một số nước châu Âu đã bị dừng lại vào ngày đầu năm mới sau khi Ukraine từ chối đàm phán lại thỏa thuận trung chuyển. Mặc dù giới chức châu Âu đã có sự chuẩn bị, nhưng việc tìm kiếm nguồn cung khí đốt giá rẻ để thay thế dòng khí đốt của Nga cũng không dễ dàng.
Tại Ba Lan, các tiệm làm bánh đang cảm nhận được sự khó khăn khi giá khí đốt tăng cao. Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, 45% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Ba Lan là nhập khẩu từ Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra, giá năng lượng của Ba Lan đã tăng trung bình khoảng 20%.
Ông Pitol - Chủ một tiệm bánh tại Ba Lan cho biết: “Nhiều tiệm bánh đã đóng cửa. Khí đốt tự nhiên ngày càng đắt đỏ, điện ngày càng tăng. Khí đốt của Nga từng rẻ và khá ổn định. Bây giờ hóa đơn hàng tháng gấp đôi so với trước".
Hiện tại, các nước EU đã nỗ lực giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách mua khí tự nhiên hóa lỏng từ Qatar và Mỹ, cùng với nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Na Uy. Tuy nhiên, về lâu dài, việc mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga vẫn đặt ra nhiều thách thức với châu Âu.
Ông Jakub Rybacki - Trưởng nhóm kinh tế vĩ mô, Viện Kinh tế Ba Lan nhận định: “Chắc chắn là cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn còn hiện hữu. Giá năng lượng ở đây vẫn cao, khó có thể mong đợi giá giảm. Cuộc khủng hoảng này đang làm thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa năng lượng".
Hiện Liên minh châu Âu đã nhận được chưa tới 14 tỷ m3 khí đốt từ Nga qua Ukraine tính đến ngày 1/12/2024, giảm so với mức 65 tỷ m3 mỗi năm khi hợp đồng bắt đầu vào năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!