Châu Âu phóng vệ tinh tạo nhật thực nhân tạo mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ

Mạnh Dương (Theo AP)-Thứ sáu, ngày 06/12/2024 12:30 GMT+7

Hình ảnh do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cung cấp cho thấy một cặp tàu thăm dò tạo ra nhật thực toàn phần nhân tạo thông qua hình thức bay đội hình. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Hai vệ tinh châu Âu vừa được phóng thành công để tạo nhật thực nhân tạo kéo dài 6 giờ, mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về Mặt trời và các hiện tượng vũ trụ.

Ngày 4/12, hai vệ tinh của châu Âu đã được phóng thành công từ Ấn Độ, đánh dấu nhiệm vụ đầu tiên trên thế giới tạo ra nhật thực nhân tạo thông qua kỹ thuật bay hình thành chính xác trong không gian. Nhiệm vụ này, được gọi là Proba-3, không chỉ kiểm nghiệm công nghệ tiên tiến mà còn mở ra cơ hội nghiên cứu dài hạn về mặt trời.

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), hai vệ tinh tách nhau khoảng 150 mét khi đạt quỹ đạo và duy trì vị trí với độ chính xác cực cao, trong sai số chỉ một milimet. Một vệ tinh mang tấm chắn hình đĩa sẽ che chắn ánh sáng mặt trời, tạo bóng trên vệ tinh còn lại, giúp mô phỏng hiện tượng nhật thực tự nhiên.

Mỗi lần nhật thực nhân tạo kéo dài tới 6 giờ, vượt xa so với 3-5 phút của nhật thực tự nhiên, mang lại cơ hội quan sát chi tiết về vành nhật hoa (corona) - lớp khí quyển bên ngoài của Mặt trời. Các nhà khoa học kỳ vọng nhiệm vụ này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn lý do vành nhật hoa có nhiệt độ cao hơn bề mặt mặt trời, cũng như các vụ phóng khối lượng vành nhật hoa (coronal mass ejections) – hiện tượng giải phóng hàng tỷ tấn plasma mang từ trường vào không gian, có thể gây ảnh hưởng tới liên lạc và điện lưới trên Trái đất.

Châu Âu phóng vệ tinh tạo nhật thực nhân tạo mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt từ video do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cung cấp cho thấy cảnh phóng tên lửa được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, Ấn Độ vào ngày 5/12/2024. (Ảnh: AP)

Nhiệm vụ Proba-3 có chi phí 210 triệu USD và dự kiến sẽ tạo ra hơn 1.000 giờ quan sát nhật thực "theo yêu cầu" trong 2 năm hoạt động. ESA kỳ vọng tạo nhật thực nhân tạo ít nhất 2 lần 1 tuần, tùy thuộc vào mức độ hoạt động của Mặt trời.

Theo ông Joe Zender, nhà khoa học của ESA, nhiệm vụ này không chỉ thúc đẩy nghiên cứu khoa học mà còn giúp giảm thiểu việc các nhà nghiên cứu phải di chuyển khắp thế giới để theo dõi các lần nhật thực tự nhiên hiếm hoi.

Hai vệ tinh sẽ bay trên quỹ đạo lệch, dao động từ độ cao 600 km đến 60.000 km, mất khoảng 20 giờ để hoàn thành một vòng quay quanh Trái đất. Trong đó, 6 giờ ở đoạn quỹ đạo xa nhất sẽ dành riêng cho việc tạo nhật thực. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hai vệ tinh sẽ dần rơi vào bầu khí quyển và cháy rụi, dự kiến trong vòng 5 năm.

Proba-3 không chỉ là bước tiến về công nghệ mà còn hứa hẹn cung cấp những khám phá quan trọng về Mặt trời và các hiện tượng vũ trụ, góp phần bảo vệ Trái đất trước các tác động của bão từ và hiện tượng không gian.

Châu Âu phóng 2 vệ tinh nghiên cứu Mặt trời Châu Âu phóng 2 vệ tinh nghiên cứu Mặt trời Trung Quốc phóng vệ tinh đo độ mặn đại dương Trung Quốc phóng vệ tinh đo độ mặn đại dương Iran phóng thành công 2 vệ tinh tự chế tạo Iran phóng thành công 2 vệ tinh tự chế tạo

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước