Tên lửa đẩy Soyuz mang theo vệ tinh Pars 1 được đặt lên bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga, ngày 29/2 (Ảnh minh họa: IRNA/TTXVN)
Theo hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran, 2 vệ tinh được phóng từ bãi phóng Vostochny Cosmodrome ở vùng Viễn Đông Nga vào rạng sáng 5/11.
Tasnim đưa tin hai vệ tinh này mang tên Kowsar và Hodhod, được phát triển bởi khu vực tư nhân của Iran. Kowsar là vệ tinh cảm biến từ xa nặng 30 kg, được trang bị để chụp ảnh có độ phân giải cao phục vụ cho mục đích lập kế hoạch nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường và quản lý khủng hoảng. Dự kiến vệ tinh này sẽ hoạt động trong thời gian khoảng 3,5 năm, quay quanh Trái đất ở độ cao 500 km, chủ yếu tập trung vào các ứng dụng nông nghiệp và sử dụng đất.
Trong khi đó, vệ tinh Hodhod nhỏ hơn được thiết kế cho mục đích truyền thông, hỗ trợ phát triển mạng lưới truyền thông và Internet vạn vật. Vệ tinh này sẽ cung cấp kết nối đến các khu vực xa xôi không có mạng lưới truyền thống và cũng được định vị ở quỹ đạo cách Trái đất 500 km.
Hãng tin RIA Novosti của Nga đưa tin ngoài 2 vệ tinh của Iran, tên lửa Soyuz-2.1b đã phóng 2 vệ tinh heliophysics và 53 vệ tinh nhỏ hơn vào quỹ đạo.
Vụ phóng vệ tinh lần này đánh dấu nỗ lực không gian mới nhất của Iran, sau khi triển khai vệ tinh Pars-1 vào tháng 2, cũng được phóng bởi tên lửa Soyuz của Nga. Vào tháng 8/2022, Iran đã phóng vệ tinh Khayyam từ sân bay vũ trụ Baikonur của Kazakhstan, cũng sử dụng tên lửa Soyuz của Nga.
Trước đó, vào ngày 14/9, hãng Thông tấn Nhà nước Iran (IRNA) cho biết nước Cộng hòa Hồi giáo đã phóng thành công một vệ tinh nghiên cứu vào quỹ đạo bằng tên lửa do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) chế tạo.
Theo IRNA, vệ tinh Chamran-1 có trọng lượng 60 kg và đã đạt độ cao 550 km. Các trạm mặt đất đã nhận được những tín hiệu đầu tiên của vệ tinh. Nhiệm vụ chính của vệ tinh này là thử nghiệm và đánh giá các hệ thống trong vũ trụ.
IRNA cho biết tên lửa Qaem-100 - được dùng để phóng vệ tinh Chamran-1, sử dụng nhiên liệu rắn - được đơn vị hàng không vũ trụ thuộc IRGC thiết kế và chế tạo. Iran còn có kế hoạch phóng đồng loạt thêm 13 vệ tinh nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!