Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt châu Âu đang diễn ra tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters
Ngày 29/4, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh đặc biệt tại Brussels đã thống nhất lập trường đàm phán với nước Anh.
Đây là cuộc họp đầu tiên và sau đúng 1 tháng kể từ khi nước Anh chính thức kích hoạt thủ tục rời khỏi Liên minh châu Âu. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt châu Âu diễn ra suôn sẻ và đồng thuận.
Bà Federica Mogherini - Đại diện cấp cao về An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu khẳng định: "Brexit không ảnh hưởng gì đáng kể đến công việc chung của chúng tôi. Chúng tôi vẫn sẽ là một khối thống nhất 27 nước; là thị trường lớn nhất, đối tác thương mại lớn nhất và nhà tài trợ nhân đạo và phát triển lớn nhất thế giới và cũng là một đảm bảo mạnh mẽ về an ninh và quốc phòng".
27 lãnh đạo các nước châu Âu đã xác định những gì quyết phải đòi cho bằng được, những gì có thể nhân nhượng và nhân nhượng tối đa là tới mức nào khi đàm phán với nước Anh. Nước Anh phải chuyển nốt cho Ủy ban châu Âu những khoản tiền chưa thanh toán, không một nước thành viên Liên minh châu Âu nào được đàm phán song phương với Anh, phải đàm phán xong việc ra đi mới bắt đầu đàm phán về quan hệ trong tương lai.
Ông Jean-Claude Juncker - Chủ tịch Ủy ban châu Âu tỏ rõ quan điểm: "Không nên tin là chúng tôi có thể cùng lúc tiến hành song song hai cuộc đàm phán, một về điều kiện nước Anh ra đi và một về quan hệ tương lai ra sao. Việc nào xong việc đó. Ngày nào có nỗi khổ của ngày đó".
Trong số những nguyên tắc đàm phán công bố ngày 29/4, quan trọng nhất là nguyên tắc một nước đứng ngoài Liên minh châu Âu không thể được hưởng những quyền lợi ngang bằng một nước đang là thành viên Liên minh châu Âu và phải làm sao để nước Anh và các nước khác hiểu rõ ra đi sẽ thua thiệt hơn ở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!