Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 18/06/2023 12:29 GMT+7

VTV.vn - Chiến dịch phản công của Ukraine cho thấy đánh giá tương quan lực lượng trên chiến trường và có thể quyết định chiều hướng hỗ trợ của phương Tây trong giai đoạn tới.

Một chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine đã bắt đầu tại miền Đông và miền Nam nước này sau nhiều tháng chuẩn bị.

Ngày 10/6/2023, Tổng thống Ukraine Zelenskyy chính thức xác nhận: "Các hoạt động phản công và phòng thủ đang được tiến hành tại Ukraine nhưng ở giai đoạn nào thì tôi sẽ không thông báo chi tiết".

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (Ảnh: AP)

Ukraine và Nga đưa ra những đánh giá khác nhau về chiến dịch phản công của Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng: "Đối phương đã không đạt được mục tiêu đề ra và đã hứng chịu những thất bại lớn".

Người phát ngôn Quân đội Ukraine tại hướng Tauria - ông Valeriy Shershen lại cho biết: "Chiến dịch rất thành công, có sự phối hợp với các đơn vị lực lượng quân sự trên hướng Tauria từ Avdiivka đi Kherson".

Chiến dịch phản công của Ukraine và các động thái quân sự của Nga trên các chiến trường đang được các bên theo dõi sát sao bởi đây là phép thử để đánh giá tương quan lực lượng trên chiến trường và có thể quyết định chiều hướng hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev trong giai đoạn tới.

Chiến dịch phản công của Ukraine

"Một cơ hội lịch sử mà Ukraine không thể đánh mất" - đây là phát biểu của Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov về chiến dịch phản công vừa được Ukraine xác nhận cách đây ít ngày. Cuộc phản công được kỳ vọng có thể định hình lại cục diện các chiến trường. Đây cũng là một phép thử quan trọng đối với Ukraine để có thể chứng tỏ hiệu quả của những lô vũ khí và những gói hỗ trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD mà họ nhận được từ phương Tây. Tuy nhiên, hiệu quả đó đến mức nào thì các bên có những đánh giá rất khác nhau.

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 3.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov (Ảnh: AP)

Đợt phản công từng được lên kế hoạch từ lâu đã chính thức bắt đầu. Từ tháng 3 đến nay, Ukraine liên tục thông báo về một cuộc phản công quy mô lớn nhưng đồng thời giữ kín mọi thông tin về các hoạt động quân sự.

Những thông báo đầu tiên được đưa ra từ phía Nga. Ngày 6/6/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: "Trong 3 ngày qua, Ukraine đã phát động cuộc phản công đã được đánh tiếng từ lâu theo các hướng khác nhau trên mặt trận".

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 4.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Ảnh: AP)

Ngày 9/6/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Chúng tôi chắc chắn rằng cuộc phản công đã bắt đầu, bằng chứng là việc quân đội Ukraine đã sử dụng tới lực lượng dự trữ chiến lược".

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 5.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Mũi tấn công chủ lực của Ukraine lần này tập trung tại khu vực Zaporizhzhia với nhiều vũ khí, tài và các lực lượng. Ukraine cũng đẩy mạnh các vụ pháo kích vào sườn phía Bắc của Bakhmut và vùng Belgorod. Cùng với đó, Ukraine tung rất nhiều đơn vị với quy mô khác nhau đánh dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000 km để tìm ra các điểm yếu của hệ thống phòng ngự phía Nga.

Đây là nhiệm vụ rất khó khăn do Nga có ưu thế về quân số, vũ khí, khí tài, nhất là không quân và đã xây dựng các công sự phòng thủ vững chắc trong nhiều tháng qua.

Việc đập thủy điện Kakhovka bị vỡ khiến toàn bộ miền Nam kéo dài khoảng 400 - 500 km bị chia cắt và toàn bộ mặt trận tập trung vào khoảng 500 km ở khu vực phía Bắc.

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 6.

Xe tăng Ukraine ở gần Bakhmut (Ảnh: AP.)

Trong tuần qua, quân đội Ukraine tuyên bố đã tiến được tổng cộng 6,5 km, diện tích lãnh thổ giành lại được là hơn 100 km2. Ngược lại, phía Nga thông báo Ukraine đã thiệt hại nặng nề trong những ngày qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Tại một số nơi, các đơn vị Ukraine đã tiếp cận được tuyến đầu tiên, ở những nơi khác họ đã thất bại. Vấn đề xoay quanh thực tế họ đang sử dụng lực lượng dự bị chiến lược với nhiều thành phần khác nhau. Mục tiêu thứ nhất là để phá vỡ phòng tuyến Nga. Thứ hai, sử dụng lực lượng này để củng cố vị trí của họ trên lãnh thổ. Nhưng họ chưa đạt được mục tiêu nào tại bất cứ khu vực riêng lẻ nào của mặt trận".

Cam kết viện trợ từ phương Tây cho Ukraine

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, các cuộc giao tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Các nước NATO cảnh báo cuộc phản công của Ukraine có thể kéo dài nhiều tháng.

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 7.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar (Ảnh: AP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: "Ukraine bắt đầu phản công từ nhiều ngày nay. Cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Chúng tôi sẽ làm tất cả để hỗ trợ Ukraine trong giới hạn có thể mà chúng tôi đã đặt ra ngay từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra".

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 8.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: AP)

Chỉ trong 5 tháng qua, Mỹ đã cam kết chuyển vũ khí, khí tài và đạn dược trị giá hơn 14 tỷ USD cho Kiev. NATO và các đồng minh phương Tây cũng đã hưởng ứng, cam kết cung cấp xe tăng, xe bọc thép và hệ thống phòng không với trị giá hàng tỷ USD.

Riêng trong tuần qua, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD và 1 gói hỗ trợ nhân đạo 205 triệu USD cho Ukraine.

Na Uy, Đan Mạch cũng nhanh chóng thông báo cung cấp 9.000 quả đạn pháo cho Ukraine.

Bỉ chuyển giao lô đạn pháo 105 ly trị giá 32,4 triệu Euro đồng thời phê duyệt gói hỗ trợ an ninh thứ 15 trị giá 11 triệu Euro cho Ukraine.

Phần Lan đã chuyển 16 gói vũ khí cho Ukraine và đang chuẩn bị gói thứ 17.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall của Đức, một trong những nhà sản xuất đạn pháo và đạn xe tăng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ đạt thỏa thuận sản xuất đạn dược trị giá hàng tỷ Euro với chính phủ nước này trong những tuần tới. Rheinmetall đang sản xuất pháo đạn pháo gần như hết công suất và sẽ tăng sản lượng lên 600.000 viên đạn vào năm sau từ mức 450.000

Có thể thấy, cỗ máy chiến tranh đang tăng tốc để đổ vào chiến trường Ukraine. Cuộc phản công lần này được đánh giá là bước tiến lớn nhất của Ukraine trong 7 tháng qua nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với cuộc phản công hồi mùa thu năm ngoái, từng giúp Ukraine giành lại các khu vực rộng lớn.

Những động thái quân sự của Nga

Bí mật và bất ngờ là hai trong số nhiều yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một hoạt động quân sự. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, Ukraine thường xuyên thông báo rộng rãi về kế hoạch phản công. Vậy Nga đã có sự chuẩn bị như thế nào trước kế hoạch này?

Trong lúc quân đội Ukraine nhiều tháng qua huấn luyện với vũ khí phương Tây để chuẩn bị cho chiến dịch phản công thì các lực lượng Nga đã và đang tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ, tạo nên những "bức tường thép" để ngăn chặn. Công sự nhiều tầng lớp, hệ thống phòng thủ kiên cố đã được bố trí khắp khu vực miền Nam Ukraine, nơi Kiev dồn lực cho mũi phản công.

Phía Nga đồng thời tăng cường vũ khí và lực lượng để bảo vệ các vị trí trọng yếu, như ở tỉnh Zaporizhzhia, nhằm ngăn nguy cơ lực lượng Ukraine cắt đứt hành lang trên bộ nối từ vùng Donbass đến bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, số lượng vũ khí được đưa đến khu vực chiến dịch đặc biệt đã tăng 2,7 lần trong năm.

Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga, hiện được triển khai cả trên không và trên mặt đất, đang không ngừng được cải tiến. Bộ Quốc phòng Nga đang đặt nhiệm vụ tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất để sản xuất xe tăng, hệ thống súng phun lửa hạng nặng đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga đang thực hiện các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tổng thống Putin tuần qua đã đưa ra tuyên bố đáng chú ý, đó là mục tiêu của Nga có thay đổi tùy theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, Nga cũng nhấn mạnh không thay đổi tên gọi "Chiến dịch quân sự đặc biệt", đồng nghĩa mục tiêu tổng thể tại Ukraine thì vẫn giữ nguyên. Theo đó, Moscow không có kế hoạch mở rộng chiến tuyến ở Ukraine và sẽ không tiến hành một cuộc tấn công bằng bộ binh vào Kiev lúc này.

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Mặt khác, nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận, các lực lượng vũ trang Nga thiếu khí tài quân sự cần thiết để giành chiến thắng trong chiến dịch ở Ukraine. Đó là đạn dược có độ chính xác cao, thiết bị liên lạc, máy bay không người lái. Và Moscow đang tăng cường sản xuất vũ khí để lấp đầy khoảng trống.

Ông Putin cũng ước tính, Ukraine đã mất từ 25% đến 30% phương tiện quân sự do phương Tây cung cấp kể từ khi bắt đầu cuộc phản công. Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng các nước phương Tây phải chấm dứt cung cấp vũ khí cho Kiev.

Góc nhìn từ NATO và phương Tây

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO vừa diễn ra tại Bruxelles đã xác định, hướng viện trợ chủ yếu lúc này phải tập trung cho hệ thống phòng không, chủ yếu là cung cấp tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung, giúp Ukraine đối phó với trực thăng vũ trang và máy bay chiến đấu của Nga. Hơn một tuần phản công vừa qua cho thấy điểm yếu của Ukraine, đó là không làm chủ được bầu trời.

Cuộc họp cũng cho thấy NATO đang bị áp lực, phải làm thế nào để về lâu về dài có thể hỗ trợ Ukraine thu hồi và sửa chữa xe pháo hư hại, bổ sung các khí tài tổn thất trên chiến trường và không để Ukraine đứt nguồn cung đạn dược mà vẫn không ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của các nước trong liên minh.

Trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thư ký NATO có nói rằng: "Chúng tôi không biết liệu đây có phải là bước ngoặt của cuộc chiến hay không nhưng chúng tôi thấy rằng, Ukraine đang giải phóng thêm được nhiều vùng lãnh thổ".

Chiến dịch phản công của Ukraine và những động thái quân sự của Nga trên các chiến trường - Ảnh 10.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Bỉ ngày 16/6 (Ảnh: Reuters)

Quan điểm của NATO là trước sau gì Nga cũng phải chấp nhận đàm phán và Ukraine càng giành lại thêm được lãnh thổ thì sau này sẽ có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.

Cũng trong cuộc họp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định, Ukraine đủ năng lực chiến đấu để tiếp tục chiến dịch phản công. Tuy nhiên, cả NATO và Mỹ đều cho rằng, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ đánh giá nào về cuộc phản công của Ukraine và cũng không bình luận về tuyên bố của Ukraine là đã giành lại 100 km2 lãnh thổ.

Các kịch bản về cuộc xung đột tại Ukraine

Trong bối cảnh chiến trường Ukraine đang trở nên khốc liệt hơn, hiện báo chí các bên đều dành sự quan tâm lớn đến các kịch bản của cuộc xung đột trong thời gian tới.

Kịch bản 1: Cuộc chiến tiêu hao

Trong kịch bản này, tờ Telegraph nhận định, Ukraine với sự hỗ trợ quân sự liên tục từ phương Tây sẽ giúp họ chiếm ưu thế trên chiến trường. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nếu như kịch bản này xảy ra, cuộc xung đột sẽ tiếp tục cho đến khi chi phí và những tổn thất trở nên quá sức chịu đựng của một trong hai bên, điều này sẽ mất nhiều năm.

Ủng hộ cho quan điểm này, ông Mykola Beleskov, nhà phân tích cấp cao tại Quỹ Return Alive trong cuộc phỏng vấn với Forbes phiên bản Ukraine, cho biết: "Cuộc chiến sẽ không kết thúc bằng một cuộc phản công. Đây sẽ là sự kết thúc của giai đoạn hiện tại".

Kịch bản 2: Thỏa thuận đình chiến

Thỏa thuận ngừng bắn có nghĩa là hai bên chấp nhận hiện trạng chính trị và lãnh thổ hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc không bên nào đạt được mục đích của mình.

Như vậy, một lệnh ngừng bắn sẽ không giải quyết được các nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng và xung đột sẽ tiếp diễn ở các khu vực khác.

Trang Mind của Ukraine cũng đưa ra kịch bản tương tự, đó là thỏa thuận ngừng bắn đi kèm với hiệp ước hòa bình. Có thể một khu phi quân sự được lập ra, biên giới sẽ bị đóng cửa phần lớn.

Trang tin NSN của Nga trích ý kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia Konstantin Zatulin, đánh giá Nga và Ukraine có thể đi đến một hiệp định đình chiến giống như giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Kịch bản 3: Có một bên chiến thắng

Bài viết trên trang Luật Quân sự của Nga cho rằng, đây là kịch bản thực tế nhất. Nếu Nga chiến thắng, Ukraine sẽ chia tách thành hai phần, phần phía Đông sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Còn một chiến thắng tuyệt đối cho Ukraine thì sao?

Theo bài viết của ông Roman Rukomeda, một nhà phân tích chính trị người Ukraine đăng trên trang EURACTIV, Ukraine giành chiến thắng là giành lại toàn quyền kiểm soát lãnh thổ (bao gồm cả Crimea), đòi bồi thường, đồng thời gia nhập EU và NATO mà không gặp trở ngại.

Trang tin Lời nói và hành động của Ukraine cũng cho rằng, một thất bại hoàn toàn của Nga chỉ xảy ra khi có sự thay đổi chính trị lớn ở Nga.

Còn theo Telegraph, khả năng Ukraine chiến thắng chỉ xảy ra khi quân đội Nga sụp đổ hoàn toàn hay có một sự thay đổi hoàn toàn giới chức lãnh đạo ở Nga. Đây là một khả năng mà tờ Telegraph nhận định là không thể xảy ra.

Vào thời điểm này, không có nhiều kỳ vọng về một bước đột phá có thể dẫn tới một giải pháp chính trị, ngoại giao hay quân sự cho cuộc xung đột Ukraine. Nó phụ thuộc vào lựa chọn của các bên về việc sẽ đẩy xung đột đến mức độ nào và khả năng chống chịu của mỗi bên đến đâu.

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại Litva vào tháng sau và theo phát biểu tuần qua của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hội nghị này có thể sẽ đưa ra một gói hỗ trợ mới dành cho Ukraine cả về quân sự và chính trị. Chiến dịch phản công mà Ukraine đang tiến hành sẽ là một chỉ dấu quan trọng mà các bên cùng trông vào để quyết định về quy mô của gói hỗ trợ này với những tác động đến chiều hướng của cuộc xung đột.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước