Ông Trump không được lòng nhiều nghệ sĩ âm nhạc
Nhóm ABBA đã trở thành những nghệ sĩ âm nhạc mới nhất yêu cầu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump phải ngừng sử dụng nhạc của họ tại các cuộc mít-tinh vận động tranh cử.
Cựu Tổng thống được cho là đã phát một số bài hát hit của nhóm nhạc Thụy Điển này, như The Winner Takes It All; Money, Money, Money và Dancing Queen... để khuấy động đám đông tại sự kiện vận động tranh cử ở St Cloud, Minnesota - tiểu bang có dân số người Mỹ gốc Thụy Điển cao nhất, hôm 27/8.
Theo tờ báo Thụy Điển Svenska Dagbladet, một số đoạn video còn cho thấy 4 thành viên của ban nhạc được chiếu trên màn hình lớn cùng với lời kêu gọi quyên góp. Nhà sản xuất và công ty thu âm của ABBA là Universal Music sau đó đã biết về hành động này và yêu cầu chiến dịch của ông Trump phải "gỡ xuống và xóa ngay lập tức".
Nhóm nhạc ABBA (Ảnh: Getty Images)
"Cùng với các thành viên của ABBA, chúng tôi đã phát hiện ra rằng các bản nhạc của ABBA đã được sử dụng tại các sự kiện của ông Trump và do đó, chúng tôi yêu cầu họ gỡ xuống và xóa ngay lập tức việc sử dụng đó", phát ngôn viên của Universal Music thông báo trong một tuyên bố với The Guardian.
"Universal Music Publishing AB và Polar Music International AB chưa nhận được bất kỳ lời xin phép nào từ nhóm của ông Trump, vì vậy không có sự cho phép hoặc giấy phép nào được cấp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump", Universal Music nói thêm.
Nhóm nhạc ABBA 4 thành viên gồm Agnetha Fältskog, Björn Ulvaeus, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad đã tham gia vào danh sách ngày càng dài các nghệ sĩ chỉ trích ứng cử viên của đảng Cộng hòa vì sử dụng trái phép âm nhạc của họ.
Tuần trước, nữ ca sĩ Beyoncé đã đe dọa chiến dịch tranh cử của Trump sẽ phải ngừng hoạt động sau khi đảng Cộng hòa cố gắng sử dụng bài hát Freedom năm 2016 của siêu sao này, vốn được chiến dịch tranh cử của đối thủ Kamala Harris chọn làm bài hát chính thức. Ngày hôm sau, nhóm của ông Trump đã lặng lẽ xóa video trên mạng xã hội.
Sử tương phản của hai ứng cử viên trong cách sử dụng âm nhạc
Trong khi ABBA thể hiện thái độ thiếu hợp tác với ông Trump thì nhóm của bà Harris được cho là đã được phép sử dụng bài hát này cho đến cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.
Những lùm xùm liên quan đến các nghệ sĩ của ông Trump chưa dừng lại ở đó khi chiến dịch tranh cử của ông đã bị kiện đòi bồi thường hàng triệu USD bởi gia đình của cố ca sĩ kiêm nhạc sĩ Isaac Hayes vì bị cáo buộc sử dụng bài hát Hold On, I'm Coming tại các cuộc mít-tinh của đảng Cộng hòa và trong các video vận động tranh cử mà không được phép.
Không chỉ có quan điểm chính trị đối lập, ông Trump và bà Harris dường như còn tương phản cả về cách sử dụng âm nhạc trong chiến dịch tranh cử của mình (Ảnh: USA Today)
Ông Trump và người bạn đồng hành của ông là Thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance cũng bị huyền thoại âm nhạc Céline Dion chế giễu vì đã phát bài hát nhạc phim Titanic (My Heart Will Go On) tại một cuộc mít-tinh ở Montana. "Việc sử dụng này không được phép theo bất kỳ cách nào và Céline Dion không tán thành việc sử dụng này hoặc bất kỳ cách sử dụng nào tương tự", đại diện của nữ diva tuyên bố.
Có một sự tương phản rõ rệt trong cách lựa chọn âm nhạc tại các sự kiện vận động tranh cử của hai đảng. Trong khi đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ biến cuộc tụ họp của họ thành một bữa tiệc khiêu vũ với danh sách phát nhạc hỗn hợp gồm các bản hit hiện tại (Espresso của Sabrina Carpenter) và các tác phẩm kinh điển vượt thời gian (Higher Ground của Stevie Wonder) thì đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa phải sử dụng bản hit của các ca sĩ nhạc đồng quê như Lee Greenwood, Chris Janson và Kid Rock...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!