Trong đó, Trung Quốc đặt ra mục tiêu phải quyết liệt dập dịch với phương châm 4 sớm gồm: phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm và điều trị sớm. Khi mọi thứ đều sớm, dịch cũng được dập sớm và kinh tế ít bị ảnh hưởng nhất. Việc bao vây phong tỏa triệt để chỉ diễn ra tại ổ dịch.
Tại Tổ hợp vui chơi giải trí Universal Studio lớn hàng đầu thế giới ở Bắc Kinh, dù có dịch hay không có dịch, thành phố đều giữ nguyên cơ chế kiểm soát dịch tại cổng ra vào tất cả các khu công cộng bằng việc đo thân nhiệt và kiểm soát mã quét sức khỏe QR. Việc duy trì thường xuyên kiểm soát người dân đã giúp ngành chức năng sớm phát hiện ca bệnh.
Trung Quốc đeo đuổi chiến lược "Zero COVID" với phương châm 4 sớm. (Ảnh: AP)
Với chiến lược "Không ca COVID", Trung Quốc quyết liệt thực hiện 4 sớm, dù chỉ phát hiện một vài ca vẫn triệt để phong tỏa chặt tại ổ dịch. Cơ sở dữ liệu lớn Big Data đã giúp cơ quan chức năng nước này nhanh chóng phong tỏa ổ dịch, người dân không được đi đâu. Bên cạnh đó, còn có xét nghiệm nhiều lần trên diện rộng xung quanh ổ dịch để truy vết ca bệnh ngoài cộng đồng. Thậm chí, ở thành phố Dương Châu, 4,5 triệu dân đã được xét nghiệm 12 lần. Ở các khu vực bên cạnh, việc sản xuất, sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường..
Đến nay, Trung Quốc đã tiêm cho người dân hơn 2 tỷ liều vaccine nội địa, chủ yếu là Sinopharm và Sinovac. Hơn 2/3 dân số đã được tiêm đủ 2 liều. Trung Quốc đặt mục tiêu 80% dân số được tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
Dù không nói ra, nhưng thực chất những gì mà nước này đang làm là sống chung với COVID-19 theo kiểu Trung Quốc. Giới chức y tế nhấn mạnh, một khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc vẫn tiếp tục siết chặt các biện pháp nhằm đóng cửa với thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!