Tạp chí Forbes đã vừa đăng tải bài viết nhận định, đại dịch còn tiếp diễn thì những trò lừa đảo cũng sẽ còn nhiều. Trong đó, tác giả có nhắc tới vấn đề nhiều cá nhân, tổ chức kiếm tiền dưới mác quyên góp từ thiện.
Trong những lúc thiên tai, hoạn nạn, con người sẽ mở lòng với nhau nhiều hơn, muốn hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Điều tốt này lại là lỗ hổng khiến cho những kẻ lừa đảo hoạt động.
Đầu tháng 5 vừa qua, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ đang rất nghiêm trọng, bệnh viện quá tải và nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận được với bình dưỡng khí oxy, tại Singapore, nhiều người dân đã nhận được những tin nhắn Whatsapp, kêu gọi ủng hộ tiền để cứu trợ cho người dân Ấn Độ. Cảnh sát Singapore cho biết, đó là trò lừa đảo.
Theo một khảo sát tại Anh với khoảng 1.200 người, được đăng trên trang tin Inews của nước này, 16% người được hỏi đã từng bị những người giả là nhân viên từ thiện, hoặc bán hàng lừa đảo kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này.
Tại Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) cũng đã đưa ra cảnh báo về những hình thức giả từ thiện để kiếm tiền trong mùa dịch.
Ông Frank Fisher - người phát ngôn Cục Điều tra Liên bang Mỹ cho biết: "Chúng tôi liên tiếp nhận được những báo cáo về các tổ chức từ thiện giả, họ hứa hẹn rằng sẽ giúp đỡ các nạn nhân COVID-19, nhưng thực chất đã không làm vậy. Số vụ lừa đảo như vậy tăng từng ngày khiến cho cảnh sát khó có thể ngăn chặn".
Hiện FBI đưa ra một số lời khuyên để người dân có thể tránh được việc bị lợi dụng lòng tốt bao gồm: chỉ làm từ thiện với các tổ chức mình đã biết và từng làm việc cùng. Nếu tổ chức từ thiện nào tạo áp lực để bạn quyên góp tiền, đừng quyên góp cho họ ngay lập tức, mà dành thời gian tìm hiểu. Nếu tổ chức từ thiện yêu cầu bạn mua đồ hoặc thẻ quà tặng của họ để làm từ thiện, thì đấy có thể là cách lừa đảo - không hiếm tại Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!