Một ngày trước lễ ký CPTPP: Đàm phán có thể căng thẳng đến phút cuối

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 08/03/2018 09:20 GMT+7

Hình ảnh tại cuộc thảo luận của các nước TPP11 sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP vào ngày 21/5/2017 tại Hà Nội (Ảnh: Reuter)

VTV.vn - Một ngày trước khi diễn ra lễ ký CPTPP, việc đàm phán giữa các bên vẫn đang tiếp tục và có lẽ sẽ kéo dài đến phút cuối cùng.

Lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nền kinh tế thành viên sẽ diễn ra tại Chile vào chiều 8/3 giờ địa phương, tức rạng sáng 9/3 giờ Việt Nam.

Khách sạn Crowne Plaza tại thủ đô Santiago của Chile là nơi diễn ra lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo một số nguồn tin, một ngày trước khi diễn ra lễ ký CPTPP, việc đàm phán giữa các bên vẫn đang tiếp tục. Theo ghi nhận của phóng viên VTV có mặt tại Chile, Nhật Bản, nước đóng vai trò chủ chốt trong đàm phán CPTPP sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này, thậm chí lập hẳn một văn phòng dã chiến ngay tại sảnh khách sạn nơi diễn ra lễ ký. 

Đến thời điểm hiện tại còn nhiều vấn đề giữa các thành viên cần chốt lại. Ví như việc mở cửa CPTPP cho các thành viên mới sẽ được đề cập như thế nào trong tuyên bố chung của 11 nước thành viên. Trước khi CPTPP được ký kết, đã có một số nền kinh tế ngỏ ý được tham gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và thậm chí cả Anh.

Sở dĩ vẫn có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ quan tâm tới Hiệp định CPTPP, cho dù Mỹ, nền kinh tế lớn đã rút khỏi hiệp định này, là vì CPTPP với 11 thành viên vẫn chiếm tới 14% quy mô GDP và 1/6 thương mại toàn cầu, tạo ra thị trường 500 triệu người tiêu dùng, lớn hơn cả khối thị trường chung Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, CPTPP vẫn là một hiệp định có tiêu chuẩn cao, có lộ trình cắt giảm thuế nhanh và sâu. Cụ thể là có tới 95 - 98% số dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, thay vì phải mất 5 - 7 năm như quy định tại hầu hết các hiệp định thương mại song phương.

Sau lễ ký kết, CPTPP cần phải được các nước thành viên thông qua. Và chỉ cần 6 trong tổng số 11 quốc gia thành viên thông qua là CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ. Ước tính, Hiệp định CPTPP sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.

Bình luận về khả năng Mỹ muốn tái gia nhập TPP sau chuyện tiếp nhận thành viên mới và mở rộng CPTPP, PV Trường Sơn, thường trú Đài THVN tại Mỹ, người đang có mặt tại Chile cho hay: Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos hồi tháng 1 đã tuyên bố Mỹ có thể xem xét khả năng gia nhập lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phiên bản trước của CPTPP, nhưng với điều kiện hiệp định này phải mang lại thêm lợi ích cho nước Mỹ. 

"Nhiều chuyên gia và thành viên một số đoàn đàm phán, khi tôi hỏi ý kiến đều cho rằng, các thành viên CPTPP đều có xu hướng hoan nghênh Mỹ quay trở lại, nhưng là quay trở lại với TPP 12 mà Mỹ đã đàm phán và đặt bút ký trước đây. Còn nếu Tổng thống Donald Trump muốn quay lại TPP và đòi hỏi thêm, thì sẽ không đơn giản, vì cũng chưa ai biết ông Trump muốn thêm gì, và dù đó có là thêm gì đi nữa, thì việc đàm phán giữa Mỹ với các thành viên CPTPP sẽ rất phức tạp và tốn thời gian. Ngoài ra, sau thời gian đàm phán quá dài, đến giờ các thành viên CPTPP đều muốn sau ký kết ưu tiên phê chuẩn triển khai CPTPP rồi tính tiếp. Cho nên, theo đánh giá, khả năng Mỹ ra tái ra nhập TPP là khó khả thi trong vài năm tới", PV Trường Sơn cho biết. 

11 nước thành viên đạt được dự thảo cuối cùng về hiệp định CPTPP 11 nước thành viên đạt được dự thảo cuối cùng về hiệp định CPTPP

VTV.vn - 11 nước thành viên đã đạt được dự thảo cuối cùng về hiệp định CPTPP sau cuộc họp giữa trưởng đoàn của 11 nước tham gia đàm phán vào ngày 23/1 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước